Đột quỵ - Căn bệnh chết người

27/07/2006 04:06

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 ở Mỹ và cũng là nguyên nhân chính gây tàn phế cho những bệnh nhân sống sót. Không những thế, đột quỵ còn để lại những hậu quả vô cùng nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần cho bản thân bệnh nhân cũng như gia đình và toàn xã hội. Tại Mỹ, năm 1999 đã phải chi 45,3 tỉ đô la cho điều trị đột quỵ. Ở Pháp chi phí cho điều trị đột quỵ chiếm 3% tổng chi phí cho y tế.

ĐỘT QUỴ LÀ GÌ?

Đột quỵ là sự xuất hiện đột ngột các biểu hiện rối loạn khu trú các chức năng của não bộ kéo dài quá 24 giờ hoặc gây ra tử vong cho người bệnh do các nguyên nhân tổn thương mạch máu nuôi não. Như vậy, đột quỵ là tình trạng bệnh lý xảy ra do sự tổn thương của một vùng não bộ bởi nguyên nhân mạch máu.

DỊCH TỄ HỌC ĐỘT QUỴ:

Các nghiên cứu về dịch tễ của đột quỵ đã được thực hiện gần như khắp thế giới. Từ đó, cho chúng ta một cách nhìn toàn diện hơn về vấn đề này. Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 750.000 trường hợp bị đột quỵ và khoảng 175.000 trường hợp bị tử vong, Tại Pháp, hàng năm có khoảng 130.000 trường hợp đột quỵ và 53.000 trường hợp tử vong. Theo thống kê về bệnh tim và đột quỵ của Hiệp hội Tim mạch Mỹ thì mỗi năm trên thế giới có khoảng 15 triệu trường hợp bị đột quỵ mới hoặc đột quỵ tái phát. Chỉ có khoảng 10% các trường hợp hồi phục hoàn toàn, 40% các trường hợp còn lại di chứng nhẹ và 50% còn lại bị tàn phế vĩnh viễn.

Tại châu Âu tần suất đột quỵ khoảng 5 - 12 trường hợp trên 1.000 dân. Tại các nước châu Á tần suất đột quỵ khoảng 1-2% và hiện đang có khuynh hướng gia tăng, trong khi đó, tần suất đột quỵ tại các nước Âu - Mỹ và các nước phát triển đã giảm đi rõ rệt trong khoảng hai thập niên vừa qua.

Tại Việt Nam, nghiên cứu của GS. Lê Văn Thành và cộng sự cho thấy tần suất đột quỵ mới mỗi năm là 1,61% và tỉ lệ tử vong là 36,5%.

NGUYÊN NHÂN CỦA ĐỘT QUỴ:

Có rất nhiều nguyên nhân gây đột quỵ, tuy nhiên, theo cơ chế bệnh sinh của đột quỵ người ta chia thành 2 nhóm nguyên nhân chính là xuất huyết não và thiếu máu não cục bộ.

THIẾU MÁU NÃO CỤC BỘ CẤP TÍNH:

Ở người bình thường, lưu lượng máu não trung bình khoảng 40 - 50 ml/100 gram mô não, nếu lưu lượng máu não giảm còn dưới 10 ml/100 gram não sẽ gây ra tổn thương não bộ do thiếu máu cục bộ và dẫn tới đột quỵ.

Thiếu máu não cục bộ là nguyên nhân của đột quỵ trong khoảng 85% các trường hợp tại các nước Âu - Mỹ, tuy nhiên, tại các nước Á Đông thì tỉ lệ này thấp hơn.

Các nguyên nhân gây thiếu máu não cục bộ bao gồm:

Hẹp động mạch do xơ vữa động mạch: là nguyên nhân chính gây thiếu máu não cục bộ, trong đó, xơ vữa động mạch cảnh là vị trí thường gặp nhất, gây hẹp lòng động mạch cảnh và cản trở dòng máu lên não. Ngoài ra, tình trạng xơ vữa động mạch cảnh còn làm cho lòng mạch mất độ trơn láng dẫn tới sự tạo lập các cục máu đông trong lòng mạch và các cục máu đông này khi bong ra trôi lên não sẽ dẫn tới nhồi máu não.

Các động mạch trong não bị xơ vữa có thể bị tắc nghẽn do huyết khối hay do chính mảng xơ vữa sẽ dẫn tới nhồi máu não và gây ra đột quỵ.

Ngoài xơ vữa động mạch cảnh, tình trạng xơ vữa động mạch chủ ngực cũng có thể dẫn tới sự tạo lập các cục máu đông, hay bản thân các mảng xơ vữa khi bong ra khỏi thành mạch trôi lên não cũng dẫn tới nhồi máu não và đột quỵ.

Các bệnh tim cũng là nguyên nhân thường gặp của đột quỵ, chiếm từ 25 - 30% các trường hợp đột quỵ do nghẽn động mạch não. Nếu như tại các nước phát triển, bệnh cơ tim thiếu máu là nhóm nguyên nhân chính thì ở các nước đang phát triển, các bệnh lý van tim hậu thấp vẫn còn là nguyên nhân hàng đầu của đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Các bệnh lý van tim, đặc biệt là bệnh van 2 lá có rung nhĩ sẽ tạo ra các cục máu đông trong buồng tim. Khi các cục máu đông này bị bong ra và trôi lên não sẽ gây ra đột quỵ.

Ngoài hai nguyên nhân chính kể trên, các nguyên nhân khác của thiếu máu não cục bộ được biết tới là đa hồng cầu, hồng cầu lưỡi liềm, loạn sản sợi xơ, co mạch kéo dài, phình bóc tách động mạch chủ, động mạch cảnh...

XUẤT HUYẾT NÃO:

Xuất huyết não là nhóm nguyên nhân gây đột quỵ nặng, các nguyên nhân gây xuất huyết não thường gặp là cao huyết áp, phồng động mạch não (hay dị dạng mạch máu não), các rối loạn đông máu do bệnh về máu hay do sử dụng thuốc chống đông máu quá liều...

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA ĐỘT QUỴ:

Ngoài các nguyên nhân gây đột quỵ đã được xác định, các yếu tố nguy cơ cũng đã được chứng minh bao gồm:

1. Tuổi: Đây là một yếu tố nguy cơ cao của đột quỵ, tần suất đột quỵ gia tăng theo tuổi, sau 40 tuổi, cứ thêm 10 tuổi thì nguy cơ đột quỵ tăng thêm 3 lần. Người trên 60 tuổi có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người dưới 60 tuổi 16 lần.

Theo nghiên cứu tại Rochester, Minnesota, Mỹ, tần suất đột quỵ của người từ 55 - 64 tuổi là 276/100.000 dân, trong khi đó, ở nhóm từ 65 - 74 tuổi là 632 và ở nhóm trên 75 tuổi là 1786/ 100.000 dân.

2. Xơ vữa động mạch: là một yếu tố nguy cơ độc lập của đột quỵ. Tình trạng xơ vữa động mạch sẽ dẫn tới sự tạo lập các mảng xơ vữa gây hẹp động mạch cũng như là yếu tố thúc đẩy sự tạo lập các cục máu đông gây tắc động mạch não.

3. Cao huyết áp:là yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ. Theo hầu hết các nghiên cứu trong và ngoài nước, tần suất cao huyết áp ở những bệnh nhân đột quỵ từ 70 - 88% các trường hợp. Tần suất đột quỵ ở người có tăng huyết áp cao hơn những người không tăng huyết áp từ 2 - 3,1 lần.

Tăng huyết áp gây suy giảm chức năng nội mạc động mạch, làm tăng tính thấm lipoprotein qua nội mạc, tăng kết dính tiểu cầu, hậu quả là dẫn tới xơ vữa động mạch và vỡ mạch máu. Như vậy, tăng huyết áp có thể gây ra đột quỵ xuất huyết lẫn thiếu máu não cục bộ.

4. Hút thuốc lá: làm tăng nguy cơ đột quỵ xấp xỉ 3 lần. Nguy cơ của hút thuốc lá tùy thuộc vào thời gian và số lượng thuốc hút. Thuốc lá gây tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tăng hiện tượng co mạch, tăng độ kết dính tiểu cầu. Trong nghiên cứu Framingham cho thấy, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đột quỵ 40% ở nam giới và 60% ở nữ giới.

5. Đái tháo đường: Từ năm 1989, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận tiểu đường là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Đái tháo đường làm gia tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Ngoài ra, bệnh nhân bị đái tháo đường còn thường xuyên có các rối loạn lipid máu. Yếu tố này gây xơ vữa và hẹp động mạch cho bệnh nhân.

6. Uống rượu: Vai trò của rượu với đột quỵ rất khó xác định, tuy nhiên những người nghiện rượu có nguy cơ bị bệnh lý tim mạch cũng như đột quỵ cao hơn nhóm không uống rượu.

7. Cơn thiếu máu não thoáng qua: Trước đây người ta xếp thiếu máu não thoáng qua là một dạng đột quỵ tạm thời, nhưng hiện nay đa số các tác giả thống nhất xem nó như một yếu tố nguy cơ báo hiệu đột quỵ. Cơn thiếu máu não thoáng qua có thể là hậu quả của hiện tượng co thắt mạch máu não hoặc do sự tắc nghẽn tạm thời của mạch máu não do các sợi tơ tiểu cầu và tự được giải phóng.

8. Bệnh tim: được biết như yếu tố nguy cơ của đột quỵ, chỉ đứng sau xơ vữa động mạch. 20% các trường hợp đột quỵ do thiếu máu não cục bộ có nguyên nhân từ tim. Các rối loạn nhịp tim, nhất là rung nhĩ, bệnh lý van tim, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, nhồi máu cơ tim là những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới thiếu máu não cục bộ.

Theo nghiên cứu Framingham, có khoảng 0,7 - 4,7% các trường hợp bị đột quỵ trong 2 tuần sau nhồi máu cơ tim. Đặc biệt, nhồi máu cơ tim thành trước sẽ dẫn tới nguy cơ đột quỵ cao hơn hẳn từ 2 - 6%.

Một số các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ đã được ghi nhận là tình trạng dinh dưỡng, các bệnh nhiễm trùng, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid máu, thói quen ăn mặn, tình trạng căng thẳng thần kinh, dùng thuốc ngừa thai có estrogen liều cao, tăng nồng độ homocystein trong máu... ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đột quỵ - Căn bệnh chết người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO