Đồng Tháp đẩy mạnh sản xuất lúa hữu cơ

GIA PHÚ - CHÍ TRUNG| 20/04/2017 20:53

KHPT-Chiến lược sản xuất lúa hữu cơ đang dần là hướng đi bền vững giúp nông dân Đồng Tháp giải quyết bài toán về giá thành sản phẩm, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Phương thức sản xuất lúa hữu cơ điển hình tại Đồng Tháp là của chàng trai 9x Võ Văn Tiếng, ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, sở hữu nông trại Tâm Việt với diện tích hơn 40 ha lúa sản xuất hữu cơ tạo ra sản phẩm “gạo ngon từ chất, chất ngọt từ tâm”. Mô hình bước đầu không được sự ủng hộ của nhiều người trồng lúa lâu năm nhưng với cái tâm của người nông dân chân chất, Tiếng đã chứng minh với mọi người rằng sản phẩm hữu cơ sẽ được mọi người chấp nhận và đang rất cần để nâng tầm gạo Việt Nam so với các nước bạn. Tiếng từng chia sẻ, với phương thức sản xuất tự nhiên, hạt gạo tạo ra sẽ sạch và an toàn cho người sử dụng. Từ đó, giá trị hạt gạo sẽ tăng cao về mặt an toàn, sản xuất sẽ bền vững và hiệu quả trong những vụ mùa tới.

Không dừng lại ở đó mà nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười đã áp dụng phương pháp sản xuất lúa hữu cơ và đã mang lại hiệu quả đáng kể. Mô hình trồng lúa hữu cơ được thực hiện tại Hợp tác xã Tân Bình, huyện Thanh Bình với diện tích 10 ha. Trong đó, áp dụng 2 phương pháp là sạ lan truyền thống 6 ha và phương pháp cấy mạ bằng máy với 4 ha. Kết quả cho thấy, phương pháp trồng lúa hữu cơ áp dụng cấy lúa bằng máy có hiệu quả vượt trội. Cụ thể, phương pháp này chỉ cần 5 kg giống/công (công = 1.000 m2), chỉ bằng 1/4 so với sạ lan truyền thống. Lúa vẫn phát triển tốt, xanh lá, cây nở bụi và ít sâu bệnh tấn công. Đồng thời, việc sản xuất lúa hữu cơ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân và thuốc hóa học. Một ha lúa hữu cơ sử dụng máy cấy cho năng suất 5 - 5,6 tấn, lợi nhuận trên 35 triệu đồng, cao hơn lúa hữu cơ sạ lan gần 13 triệu đồng và cao hơn so với canh tác lúa theo truyền thống trên 20 triệu đồng.

Việc sử dụng máy cấy sẽ giúp giảm hẳn lượng giống, ít sâu bệnh, năng suất cũng khá cao. Đây là phương thức giảm giống tối ưu và giảm chi phí tăng lợi nhuận. Anh Dương Thành Được, ở ấp Nhì, xã An Phong, huyện Thanh Bình cho biết, việc áp dụng máy cấy với các mô hình “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải 5 giảm” đã phát huy hiệu quả cao trong sản xuất. Năng suất lúa dao động từ 7 - 8 tấn/ha. Trừ chi phí, lợi đầu tư sản xuất vẫn cho lợi nhuận cao hơn sản xuất bình thường từ 20 - 30%.

Vụ hè thu năm 2017, huyện Tháp Mười tiếp tục nhân rộng mô hình “giảm lượng giống gieo sạ và nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận” ở các xã, thị trấn trong huyện với tổng diện tích trên 7.700 ha. Tham gia mô hình này, nông dân sử dụng giống xác nhận để gieo sạ với mật độ từ 80 đến 100 kg giống/ha, giảm khoảng 50% so phương thức sạ truyền thống. Ông Ngô Tấn Ngợi, giám đốc Hợp tác xã Thạnh Phát ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười cho biết thêm, sử dụng giống xác nhận sẽ giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, tăng lợi nhuận và giá trị của sản phẩm nông sản mà hàng hóa làm ra dễ tiêu thụ.

Hiện tại, Hợp tác xã Đức Huệ, ở xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười sử dụng hiện tích 400 ha đất thuê của doanh nghiệp và nông dân các xã Phú Thọ 150 ha, xã Phú Đức 150 ha, xã Phú Thành 40 ha và thị trấn Tràm Chim 60 ha, huyện Tam Nông để sản xuất lúa hữu cơ với chi phí ở mức 13 - 15 triệu đồng/ha/vụ. Những giống lúa chủ lực được trồng như: Jasmine 85, OM 5451, OM 6976, OM 4900, Nàng Hoa 9… theo các đơn đặt hàng Công ty TNHH Phát Tài, Công ty lương thực Đồng Tháp, Công ty lương thực Tiền Giang và một số công ty khác… với giá bao tiêu thu mua cao hơn 200 đồng/kg so với giá lúa ngoài thị trường. Ông Huỳnh Thanh Thấm, giám đốc Hợp tác xã Đức Huệ chia sẻ: “Tham gia mô hình sản xuất lớn, sản xuất lúa hữu cơ, nông dân không tốn công chăm sóc lúa, nhưng vẫn được sản lượng ổn định và không phải lo tìm đầu ra cho lúa. Bên cạnh đó, nông dân có thể tranh thủ thời gian làm thêm và làm thuê cho hợp tác xã để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Tháp đẩy mạnh sản xuất lúa hữu cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO