Đồng euro suy giảm là tin tốt cho khu vực?

TS. Hoàng Thế Thoả (Theo Ngân hàng Nhà nước)| 21/05/2010 10:32

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đồng euro suy giảm là tin rất tốt cho khu vực, bảo vệ EU khỏi suy thoái quá mức. Sự suy giảm hiện nay có thể mang lợi cho các nhà xuất khẩu tại một số nước EU do doanh thu xuất khẩu sẽ bù đắp cho sự cắt giảm chi tiêu công và giảm nhẹ lo lắng của người tiêu dùng về nguy cơ lạm phát. Ngoài ra, đồng euro yếu có thể thúc đẩy phát triển du lịch vào EU, trong đó có Hy Lạp, nhưng nhiều người sẽ nghe ngóng tình hình và lo ngại về rối loạn xã hội tại quốc gia này, và sự mất giá euro có thể sẽ trở nên vô nghĩa. <_o3a_p>

Mặc dù các nhà lãnh đạo EU và các nước trong khu vực rất cố gắng tìm mọi biện pháp tháo gỡ bế tắc khủng hoảng nợ Hy Lạp, nhưng tình hình châu Âu có vẻ đang xấu đi do lo ngại về khó khăn trong việc kiềm chế khủng hoảng.

Mới đây, đồng euro tiếp tục giảm sâu khi Chính phủ Đức ra qui định cấm mua bán đầu cơ chứng khoán đã làm dấy lên lo ngại là khủng hoảng nợ châu Âu tồi tệ hơn (mục đích của qui định này là cấm bán khống chứng khoán ngắn hạn và đầu cơ trái phiếu chính phủ châu Âu, có hiệu lực đến 31/3/2011, cũng có hiệu lực đối với cổ phiếu của 10 ngân hàng và công ty bảo hiểm, kể cả công ty chứng khoán Allianz và Deutsche Bank AG).

Kể từ đầu năm, đồng euro đã mất giá 8,9% so với 16 đồng tiền chủ chốt. Ngày 19/5, một euro đổi được 1,2144 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 17/04/2006, và có khả năng giảm xuống dưới mức kỳ vọng 1,2 USD; một bảng anh chỉ đổi được 1,4239 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 30/3/2009.

Theo đánh giá của chi nhánh ngân hàng hoàng gia Scotland tại Đan Mạch, giá trị danh nghĩa dài hạn của euro sẽ vào khoảng 1,1-1,2 USD, và đồng euro còn tiếp tục giảm tiếp trong những năm tới trước khi tăng trở lại. Cho tới cuối năm nay, đồng euro dự kiến sẽ giao dịch trong khoảng 1,15-1,26 USD do khủng hoảng nợ quốc gia buộc ECB duy trì lãi suất thấp. Sự trượt giá euro làm giảm lòng tin vào đồng tiền này, và nó sẽ lùi về mốc khởi điểm năm 1999, khi đồng tiền chung bắt đầu lưu hành.

Theo dữ liệu của Bloomberg, đồng euro còn cao hơn tỉ giá trung bình hàng tuần 1,1833 USD kể từ khi bắt đầu lưu hành, tỉ giá thấp nhất 0,8272 USD được xác định vào tháng 10/2000 và cao nhất 1,6038 USD vào ngày 15/7/2008. Kết quả so sánh cân bằng sức mua cũng cho thấy là, đồng euro còn định giá cao hơn USD khoảng 8,2%.

Sự suy giảm đồng euro có thể gây tổn thương nhu cầu mua trái phiếu quốc gia tại thời điểm các chính phủ đang phát hành trái phiếu nợ với giá trị kỷ lục. Công ty đầu tư Standard Life đang xem xét giảm lượng chứng khoán chính phủ châu Âu, kể cả trái phiếu của chính phủ Đức.

Sự kết hợp thắt chặt tài khóa và nới lỏng tiền tệ đang làm suy yếu đồng euro, thậm chí gây áp lực tăng lãi suất do sự suy giảm của đồng euro sẽ hỗ trợ lạm pháp và nhập khẩu đắt đỏ hơn. Theo số liệu thông kê của EU, lạm phát tháng 4 tại châu Âu đã tăng lên mức cao nhất trong 16 tháng qua.

Mặc dù quyết định của ECB bắt đầu mua trái phiếu chính phủ từ cuối tuần trước là kịp thời và đã giúp hạ nhiệt lãi suất trái phiếu Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp (lãi suất trái phiếu Bồ đào Nha đã giảm 178 điểm sau khi tăng lên 354 điểm cơ bản vào ngày 07/5), nhưng các nhà đầu tư còn lo ngại là khủng hoảng tài khóa sẽ kéo dài và sự cắt giảm chi tiêu tại những nền kinh tế chủ chốt tại châu Âu sẽ kìm hãm cơ hội phục hồi tăng trưởng và gây áp lực lên euro. Mặc dù các nước đang nỗ lực cắt giảm chi tiêu, nhưng rất khó tránh khỏi những gói hỗ trợ khác.

Theo đánh giá của nguyên bộ trưởng tài chính Mỹ, John Snow, yêu cầu cắt giảm thâm hụt là việc làm khó khăn do nợ nần cứ mở rộng, hầu như các nước phát triển đều có rủi ro tài khóa và rủi ro quốc gia như nhiều nước châu Âu. Trong tình hình hiện nay, rối loạn về trái phiếu chính phủ là một trong những vấn đề trầm trọng nhất mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt. Thêm vào đó, những nước đang từ chối chấn chỉnh tài chính cũng gây ra rủi ro cho kinh tế toàn cầu vì những nước này có thể bắt đầu in tiền để trả nợ, điều này có thể gây áp lực lạm phát và làm suy yếu thị trường nợ liên quan đến trái phiếu chính phủ. Trong đó, đồng tiền của quốc gia in tiền đầu tiên sẽ có sức mua cao hơn những nước láng giềng, đây là nghiệp vụ chứa đựng nhiều rủi ro. Khi đó, mọi giấy tờ có giá khác sẽ bù đắp cho trái phiếu chính phủ, một khi trái phiếu này lâm vào tình trạng vỡ nợ, thì rủi ro lạm phát phi mã sẽ ập đến toàn bộ thị trường nợ – một thị trường có thu nhập cố định.

Gói hỗ trợ của EU chỉ có tác dụng giúp Hy Lạp và lãnh đạo những nước khác có thời gian để thuyết phục người dân cắt giảm chi tiêu, mà không thể đưa tài chính công vào quĩ đạo bền vững hơn. John Snow cho rằng, để euro có thể tồn tại trong dài hạn, các nước EU phải có một chính sách ngân sách thống nhất, trong đó cần củng cố chính sách tài khóa và chính sách thuế. Đồng thời, cần một thị trường lao động và một thị trường tài chính chung thống nhất cũng như điều kiện đảm bảo hiệu quả hoạt động của hai thị trường này, mặc dù đây là sự lựa chọn khó khăn. Việc giảm chi phí là không thể tránh khỏi khi liên minh tiền tệ ngăn cản một số nước trong việc chấp nhận một đồng tiền yếu để hỗ trợ xuất khẩu và các quốc gia từ chối trợ cấp lẫn nhau do chi tiêu quá mức. Điều này đòi hỏi Hy Lạp và những nước có tỉ trọng nợ công cao phải giảm cơ cấu chi phí trong nước để tăng năng lực cạnh tranh, đây là cách lựa chọn duy nhất, họ không thể có khả năng có được tỉ giá hối đoái cạnh tranh hơn, nên phải đổi mới từ trong nước, nhưng việc này đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải có ý chí chính trị.

Như vậy, khủng hoảng đang đẩy đồng euro tiến đến giá trị cân bằng, thậm chí về mốc khởi điểm năm 1999, nhưng sự suy giảm của đồng euro sẽ hỗ trợ xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế EU. Tuy nhiên, EU còn phải nỗ lực rất lớn để khắc phục khó khăn và tránh gây ra những biến động bất lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng euro suy giảm là tin tốt cho khu vực?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO