Đồng bằng sông Cửu Long: Xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, khó lường

Bài và ảnh:GIA PHÚ - ĐÀO CHÁNH| 07/01/2020 18:30

KHPTO - Hiện nay, hạn mặn đã xâm nhập vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khá sớm so với nhiều năm trước. Hiện có những điểm đã xâm nhập mặn 40 - 50 km, dự báo cao điểm tháng 2 - 3/2020 có những nơi xâm nhập mặn có thể vào tới 100 km.

Theo báo cáo của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vụ đông xuân năm nay sẽ có khoảng 200.000 ha bị ảnh hưởng, trong đó có khoảng 90.000 ha bị nhiễm mặn nặng.

Tại Kiên Giang, tỉnh ven biển thường bị hạn mặn đến sớm, nhất là thời điểm sau tết mặn lấn sâu vào nội đồng gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Tâm, giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, đối với sản xuất nông nghiệp, dự báo vùng bị ảnh hưởng trải dài từ ven biển thành phố Rạch Giá đến Hà Tiên, vùng ven sông Cái Lớn, Cái Bé, các huyện vùng U Minh Thượng. Đối với đất rừng, trọng tâm là Vườn quốc gia Phú Quốc và U Minh Thượng. Các khu vực xã đảo, các xã ven biển thuộc huyện An Biên, An Minh, Kiên Hải, Kiên Lương và thành phố Hà Tiên sẽ bị thiếu nước ngọt cho sinh hoạt.

Theo ông Tâm, để triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, sở đã phối hợp với các địa phương vận hành hệ thống cống trên địa bàn thành phố Rạch Giá, ven sông Cái Lớn thuộc huyện Châu Thành (55 cống), vùng U Minh Thượng (17 cống) có hiệu quả. Triển khai gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ để tăng cường bảo vệ lúa đông xuân 2019 - 2020 và tiếp tục phòng, chống hạn, mặn cho vụ lúa hè thu 2020. Hiện tổng số đập đã đắp là 70/173 đập, trong đó có 2 đập bằng cừ thép Larsen tại khu vực T3 - Hòa Điền và Kênh Nhánh - thành phố Rạch Giá. Trong trường hợp mặn xâm nhập sâu đến huyện Giồng Riềng và Gò Quao, ngành nông nghiệp sẽ triển khai đắp

83 đập dự phòng, gồm Gò Quao 20 đập, Giồng Riềng 56 đập, Châu Thành 7 đập.

Theo dự báo, từ tháng 1 đến tháng 6/2020, lượng mưa ở ĐBSCL phổ biến ở mức thấp, riêng trong tháng 2 sẽ không có mưa. Độ mặn bắt đầu tăng cao từ tháng 1, đến tháng 3, tháng 4, độ mặn duy trì ở mức cao trong thời gian nhiều ngày, khả năng độ mặn cao nhất trong năm xuất hiện vào những ngày cuối tháng 4.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung, chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Kiên Giang cho biết, từ ngày 10/12 đến nay, độ mặn ven bờ biển trên địa bàn tỉnh đã tăng cao, ở mức 22 - 29‰. Đợt triều cường giữa tháng 11 âm lịch đã gây xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng ở một số khu vực. Cụ thể, tại Gò Quao, cách biển 35 km độ mặn cao nhất đo được là 4,2‰ tuyến sông Cái Lớn tại Xẻo Rô, cách biển 7 km, độ mặn là 13,8‰, tại cầu Lô, cách biển 16 km là 9,3‰. Tuyến sông Cái Bé, tại cửa Tà Niên là 7,8‰ và dẫn mặn sâu vào kênh Ông Hiển 7 km (thành phố Rạch Giá) là 2,4‰.

Tại An Giang, mùa khô 2019 - 2020, khả năng sớm hơn trung bình nhiều năm và kéo dài, các huyện trồng lúa và hoa màu đã có kế hoạch, chủ động ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn sẽ xảy ra. Ông Lương Huy Khanh, chi cục trưởng Chi cục thủy lợi An Giang cho biết: Chống hạn và xâm nhập mặn, theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó khi có hạn, mặn thiếu nước xảy ra. Trong đó lập kế hoạch nạo vét hệ thống kênh mương cạn kiệt, cửa vào các cống lấy nước, lắp đặt trạm bơm dã chiến, khơi thông dòng chảy, đảm bảo đủ nguồn nước để phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Xác định từng vùng, khu vực khả năng bị ảnh hưởng khô hạn để có giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp với Đài khí tượng thủy văn tăng cường công tác thông tin, tuyền truyền về nguồn nước để người dân biết chủ động phòng tránh, như: thực hiện bơm tưới vào thời điểm con nước lớn để tăng hiệu quả, áp dụng quy trình sản xuất “1 phải 5 giảm” đối với cây lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang cây trồng cạn.

Theo ông Nguyễn Quí Ninh, chi cục trưởng Chi cục thủy lợi TP. Cần Thơ, mùa khô năm nay dự kiến sẽ đến sớm, công tác thủy lợi mùa khô ngành nông nghiệp thành phố đã thực hiện thi công nạo vét, nâng cấp mới 12 công trình đê bao khép kín với tổng chiều dài là 31.240 km. Bên cạnh đó, thực hiện sửa chữa, nâng cấp, nạo vét hệ thống thủy lợi Ô Môn Xà No do trung ương đầu tư với tổng mức đầu tư 2.800 triệu đồng. Và gia cố đê bao vùng sản xuất cây ăn trái ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền trên 568 ha.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập sinh thái ĐBSCL cho biết: Với tình hình lượng nước sông Mekong thấp kỷ lục như năm nay, có thể thấy mùa khô sau tết, đỉnh điểm tháng 3 - 4/2020 có thể sẽ gay gắt. Đối với những năm khô hạn cực đoan, xâm nhập mặn sâu thì không có cách nào tốt hơn là cảnh báo sớm và né, để tránh thiệt hại, không nên đương đầu. Kinh nghiệm cho thấy như năm 2016 thì ít có biện pháp nào để đối phó với những năm khô hạn cực đoan. Dù có công trình cống đập ngăn mặn thì cũng không có tác dụng ngăn mặn vì bên trong không đủ nước thì ngăn mặn cũng không có tác dụng lắm.

Theo nhận định của ông Thiện, những vùng mặn ở ĐBSCL như ở bán đảo Cà Mau, mặn là từ trong đất ra. Trong quá trình bồi đắp vùng này, phù sa sông Cửu Long mang ra biển rồi vòng đường biển vào bồi đắp bán đảo Cà Mau nên đất ở đây mặn. Vùng này có được 6 tháng ngọt là nhờ lớp nước mưa ở trên đè xuống. Trong những năm khô hạn, mưa ít và sông Hậu rất yếu thì dù có đóng cống ngăn mặn thì bên trong vẫn mặn vì không đủ nước ngọt bên trong. Riêng đối với nước sinh hoạt thì ngành chức năng cần thông báo sớm cho người dân để tích cực chuẩn bị trữ nước cho sinh hoạt bằng các dụng cụ trong gia đình và các ao, mương gia đình hoặc cộng đồng.

Ngành chức năng gia cố nạo vét kênh, mương và chủ động ngăn mặn để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, khó lường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO