Đơn giản hóa thủ tục xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân

Ngọc Hà| 20/07/2010 11:28

Nhằm đơn giản hóa thủ tục xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú đang thực thi hiện nay, Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng đề nghị bỏ bớt hội đồng sơ duyệt đối với Hội đồng cấp cơ sở, và cần tạo điều kiện, động viên các nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn... <_o3a_p>

Về các Hội đồng xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (NGND), Nhà giáo ưu tú (NGƯT), Tổ công tác đề nghị bỏ Hội đồng cấp huyện. Thay vào đó, nên giao cho phòng giáo dục và đào tạo tập hợp hồ sơ của các hội đồng cơ sở trong quận, huyện, thị xã; lập danh sách báo cáo chủ tịch UBND cấp huyện để chủ tịch UBND cấp huyện trình cấp trên xét tặng.

Lý do Tổ công tác đưa ra là tất cả các công việc ở Hội đồng cấp huyện đều được tiến hành ở Hội đồng cấp cơ sở và Hội đồng cấp tỉnh, và chỉ thực hiện đối với các nhà giáo thuộc các trường giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường bổ túc văn hóa, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề thuộc cấp huyện quản lý trong khi các nhà giáo thuộc các đơn vị còn lại không phải qua Hội đồng này. Mặt khác, trong quy trình xét tặng vẫn còn bước thăm dò dư luận tại địa phương và có ý kiến xác nhận của chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng đề nghị bỏ bước họp hội đồng sơ duyệt đối với Hội đồng cấp cơ sở bởi vì đối với một cơ sở giáo dục, số ứng viên được lựa chọn sau bước giới thiệu, bước bỏ phiếu tín nhiệm không nhiều nên có thể tiến hành thăm dò dư luận ngay. Sau đó, họp hội đồng cơ sở để xem xét đối chiếu tiêu chuẩn và kết quả thăm dò dư luận rồi bỏ phiếu tán thành. Nếu ngay khi bỏ phiếu tín nhiệm đã xem xét và nếu có loại bỏ một hoặc một số ứng viên thì chưa đảm bảo công bằng khách quan.

Về điều kiện, tiêu chuẩn đối với danh hiệu NGND, Tổ công tác cho rằng nên bổ sung quy định: Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nghiên cứu giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; những người giảng dạy thực hành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chỉ cần 2 lần đạt chiến sỹ thi đua cấp tỉnh hoặc bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Tổ công tác, việc bổ sung quy định trên nhằm tạo điều kiện, động viên các đối tượng này vì trên thực tế, những nhà giáo nêu trên để đạt chiến sĩ thi đua toàn quốc tức là phải có sáng kiến kinh nghiệm, công trình nghiên cứu có ảnh hưởng, phạm vi áp dụng toàn quốc là quá khó khăn. Ngoài ra, Tổ công tác còn đề nghị sửa điều kiện "đối với giảng viên các trường cao đẳng, đại học, các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang; chủ trì viết giáo trình, chủ trì nghiên cứu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, hoặc chủ trì nhánh đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước được ứng dụng có hiệu quả trong giảng dạy, được Hội đồng khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước đánh giá và xếp loại tốt; đào tạo được nhiều tiến sĩ" theo hướng thay "chủ trì" bằng "tham gia". Lý giải cho đề xuất trên, Tổ công tác cho rằng việc quy định chủ trì viết giáo trình, chủ trì nghiên cứu đề tài nghiên cứu khoa học sẽ tạo lợi thế cho cán bộ quản lý và khó khăn cho người trực tiếp giảng dạy, trực tiếp nghiên cứu.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đơn giản hóa thủ tục xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO