Đổi mới sáng tạo trong giáo dục từ Covid-19

Anh Thư| 01/06/2020 20:40

KHPTO - Khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lĩnh vực giáo dục đối mặt với câu hỏi: làm cách nào để học sinh, sinh viên có thể tiếp tục việc học bình thường?

Sau khoảng thời gian phải cho học sinh nghỉ học hồi tháng 3, RMIT Việt Nam đã thông báo sẽ chuyển toàn bộ các môn học sang giảng dạy trực tuyến đến cuối tháng 6 này.

Bước chuyển này được thiết lập nhằm tạo sự ổn định và hỗ trợ sinh viên thành công trong học tập.

Trước đó, hồi tháng 2, các khóa tiếng Anh mở rộng chuyển tiếp lên đại học của trường này cũng đã chuyển đổi sang mô hình trực tuyến.

Điều giúp bước chuyển đổi này diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ là nhờ nhà trường được tiếp cận với kho dữ liệu chuyên môn về dạy và học trực tuyến trong nhiều thập kỷ qua của Đại học RMIT toàn cầu.

GS. Peter Coloe - chủ tịch Trường ĐH RMIT Việt Nam, cho biết: Là một phần của một đại học toàn cầu theo chuẩn quốc tế, RMIT Việt Nam kế thừa được toàn bộ kho kiến thức và chuyên môn từ trường mẹ. Nhà trường cũng sẽ kỷ niệm 20 năm hoạt động tại Việt Nam trong năm nay.

Từ Úc đến Việt Nam, và những nơi khác ở châu Á và châu Âu, nơi có sự hiện diện của RMIT, hơn 94.000 sinh viên và 12.000 cán bộ giảng viên RMIT chuyển sang dạy và học trực tuyến hoàn toàn sau vài tuần. Khả năng thích nghi của nhà trường đến từ việc xây dựng công nghệ trên toàn cầu.

GS.Coloe nhấn mạnh: “Nhà trường nhận thấy mình có nhiều kinh nghiệm về giảng dạy trực tuyến, và có thể chia sẻ với các trường bạn trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam”.

GS. Rick Bennett - giám đốc cấp cao phụ trách học thuật tại RMIT Việt Nam, cho biết: khi quyết định chuyển sang trực tuyến vào thời điểm cách ly toàn xã hội, điều đầu tiên nhà trường thực hiện là xem lại toàn bộ 190 môn học hiện có và thấy rằng phần lớn các môn này đều vẫn có thể truyền tải qua những phương pháp giảng dạy trực tuyến.

Việc tiếp cận với nguồn tư liệu học tập chất lượng cũng không có gì thay đổi, chỉ có phương thức truyền tải là khác biệt, thậm chí còn sinh động hơn trước đây. Sinh viên tiếp tục nhận phản hồi về việc học của các em từ những gì các em thực hiện trực tuyến và từ bài tập về nhà; và tiếp tục nhận được tư vấn về cách nâng cao kỹ năng để tiến bộ.

Học kỳ đầu tiên sắp kết thúc và nguy cơ từ đại dịch cũng giảm xuống, trường vừa thông báo sẽ dạy trực tiếp vào học kỳ 2 và có thêm 30 môn sẽ dạy trực tuyến hoàn toàn.

GS.Bennett cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sinh viên thể hiện tốt tính bền bỉ và khả năng thích nghi với cách học mới này, nhiều sinh viên cho biết các em thích sự linh hoạt có được từ đây còn hơn học trên giảng đường. Chúng tôi kết nối và gắn kết sinh viên với việc học của các em và với sinh viên khác, thông qua các hoạt động như cung cấp tài liệu học chi tiết với chú giải từ giảng viên, thảo luận chi tiết quan trọng của bài học với sinh viên khác trên diễn đàn trực tuyến, lưu trữ các buổi trao đổi trực tuyến với giảng viên và chia sẻ với sinh viên khác”.

GS.Coloe cho rằng, đại dịch buộc chúng ta phải thay đổi tư duy và điều này sẽ có thể cảm thấy rõ nét trong những năm tới đây.

Trương Kiều Trinh, sinh viên ngành quản lý và kinh doanh thời trang, cho biết: “Học trực tuyến thực sự đem đến cho tôi một số lợi ích. Tôi có thể tiết kiệm thêm thời gian và chuẩn bị mọi thứ cẩn thận trước giờ học. Khi buổi giảng kết thúc, tôi có thể tìm bản lưu bài giảng trên Canvas và nghe lại lần nữa nếu không theo kịp những gì thầy cô nói trong lớp. Tôi có thể mở rộng bộ kỹ năng, biết cách làm việc và học tập trực tuyến. Tôi nghĩ kỹ năng này rất quan trọng trong kỷ nguyên 4.0”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới sáng tạo trong giáo dục từ Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO