Đổi mới đào tạo nghề nông nghiệp - việc cần làm ngay

HUYỀN THOẠI| 15/09/2020 16:17

KHPTO - “Muốn dạy nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần tạo sự liên kết, tăng nguồn lực cho hoạt động dạy nghề. Đặc biệt cần dạy nghề theo chuỗi, không chỉ dạy kiến thức cơ bản, kỹ thuật đơn thuần về trồng rau, nuôi cá... mà còn phải đào tạo kiến thức về chế biến, bảo quản sản phẩm, marketing, kiến thức thương hiệu...”, phát biểu của một chuyên gia về giải pháp đào tạo nghề nông nghiệp.

Ý kiến khác cũng cho rằng cần đổi mới trong dạy nghề, cụ thể, lao động trẻ cần được đào tạo theo chuỗi theo các mục như: đào tạo kỹ năng làm nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam và thế giới; đào tạo quản lý, quản trị chuỗi giá trị nông sản, xây dựng, tiếp cận thị trường; đào tạo quản lý thương hiệu cộng đồng, cách làm thương hiệu, truy xuất nguồn gốc...

PGS.TS. Phạm Văn Cường - phó giám đốc Học viện nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng: “Hiện nay việc dạy nghề mới chỉ đáp ứng mục tiêu trước mắt, chưa có chiến lược lâu dài. Nhiều trường chỉ dạy kiến thức sản xuất nông nghiệp mà không có những lớp dạy kỹ năng mềm, marketing, hay quản trị kinh doanh... Chính vì thiếu những kiến thức tổng quan về thị trường, về kinh doanh nên nhiều nông dân chưa có cái nhìn khái quát về thị trường, không thể khởi nghiệp”.

Những quan điểm trên phù hợp với mục tiêu của đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2020 - 2025 đó là đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương.

Tại TP.HCM, công tác đào tạo nghề nông nghiệp thời gian qua mặc dù đã bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế đào tạo nghề vẫn tồn tại một số hạn chế như: cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương, việc dạy nghề lưu động chất lượng cũng chưa cao; đào tạo nghề chưa gắn với giải quyết việc làm và cam kết bao tiêu sản phẩm cho người lao động nên sau khi học nghề người lao động gặp nhiều khó khăn.

Thành phố cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho lao động nông thôn cũng được xem là việc cấp thiết nhằm giúp người lao động nhanh chóng thích nghi với tình hình mới. Ngoài ra, cũng cần liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đào tạo nghề theo đơn đặt hàng và nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội để tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời, đào tạo nghề cũng cần gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị, tập trung vào các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, sản phẩm an toàn… đáp ứng được nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn ngày càng cao của người dân thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới đào tạo nghề nông nghiệp - việc cần làm ngay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO