Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

ANH THƯ| 16/12/2019 06:28

KHPTO - Để khẳng định giá trị to lớn và ý nghĩa lịch sử bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, sự nghiệp giáo dục nói riêng, cũng như để góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đảng viên, viên chức và sinh viên trong học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Trường đại học sư phạm TP.HCM vừa tổ chức hội thảo khoa học: “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giáo dục”.

TS. Ngô Bá Khiêm, Trường đại học sư phạm TP.HCM nhận định, sự thay đổi lớn nhất trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là chuyển từ mục tiêu giáo dục kiến thức sang mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học. Trong khi kế thừa quan điểm giáo dục Hồ Chí Minh và các chương trình giáo dục ở một số quốc gia phát triển hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông mới đã xác định 5 phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm và 10 năng lực, trong đó có 3 năng lực cốt lõi (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo), 7 năng lực chuyên môn (ngôn ngữ, tính toán, tin học, thể chất, thẩm mỹ, công nghệ, tìm hiểu tự nhiên và xã hội). Từ sự thay đổi mục tiêu kéo theo sự thay đổi mang tính hệ thống trong nội dung giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục cũng như cách thức kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu của mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực đã xác định trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giáo dục và đào tạo được Đảng và Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, đầu tư phát triển giáo dục cũng chính là đầu tư phát triển con người. Chỉ có phát triển mạnh mẽ giáo dục và đào tạo theo kịp sự phát triển và tiến bộ của thế giới mới có thể đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đổi mới sự nghiệp giáo dục đào tạo hiện nay là một vấn đề quan trọng và có nhiều khó khăn thách thức cần vượt qua. Trong bối cảnh ấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và những lời căn dặn của Người trong Di chúc có giá trị to lớn, như ngọn đuốc soi đường để sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đi đến thành công.

Học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khá, Trường đại học sư phạm TP.HCM cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn người cách mạng, mỗi nhà giáo phải thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức suốt đời, kiên trì bền bỉ, không chủ quan, tự mãn, nhờ đó, nhà giáo mới vững vàng vượt qua mọi khó khăn, cám dỗ để làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân đối với đất nước. Do vậy, Người yêu cầu mỗi thầy giáo, cô giáo phải luôn tự ý thức trau dồi đạo đức cách mạng: "Mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".

Chủ tịch Hồ Chí Minh có thái độ rất kiên quyết với chủ nghĩa cá nhân, coi nó là mầm độc đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm, quái ác như: quan liêu, bè phái, tham ô, lãng phí, trục lợi, địa vị, tự cao tự đại… Theo Người, muốn chống chủ nghĩa cá nhân trong ngành giáo dục, khi làm bất kỳ việc gì, người thầy phải nghĩ đến lợi ích chung trước, lợi ích riêng sau, phải là "người trí thức của giai cấp công nhân, hết lòng hết sức phục vụ công nông".

Về đạo đức của nhà giáo, ThS. Nguyễn Huỳnh Bích Phương, Trường đại học sư phạm TP.HCM cho biết thêm, tháng 8 năm 1959, trong buổi nói chuyện với các giáo viên học chính trị, sau khi xác định mục tiêu và phương pháp dạy học, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị". Người nhấn mạnh đạo đức của người thầy, đức phải có trước tài, đức là gốc, tài là ngọn, đạo đức là cơ sở, nền tảng để tài năng được phát huy, tỏa sáng: "Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn, chính trị là đức, chuyên môn là tài, có tài mà không có đức là hỏng" hay "Chính trị là linh hồn, chuyên môn là xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ là cái xác không hồn".

Về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "có tài” mà không “có đức" thì như người làm kinh tế giỏi, nhưng lại hay tham ô, thụt két, chỉ có lợi riêng cho người đó, chẳng những không có ích gì cho xã hội, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Người chỉ rõ: "Có tài mà không có đức là hỏng, có đức mà chỉ i tờ thì dạy thế nào".

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến vai trò của đạo đức, song không thổi phồng, tuyệt đối hóa mặt đạo đức, coi nhẹ lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa đức và tài, hồng và chuyên, phẩm chất và năng lực của nhà giáo phải gắn bó, kết hợp chặt chẽ, có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau, bổ trợ, hòa quyện với nhau, là cơ sở, điều kiện, tiền đề, thúc đẩy lẫn nhau, làm nên sự hoàn thiện trong nhân cách nhà giáo. Đó là những con người biết kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Nhờ có đức mà tài năng mới phát triển đúng hướng, còn nhờ có tài thì đức mới phát huy được tác dụng.

Theo ThS. Huỳnh Công Ba, Trường đại học sư phạm TP.HCM, hơn 40 năm qua, sinh viên Trường đại học sư phạm TP.HCM đã tiếp nối truyền thống các thế hệ đi trước, vượt qua những thử thách đem kiến thức, năng lực, trí tuệ và sức lực của mình đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản về giáo dục và đào tạo, đồng thời phấn đấu không ngừng vượt qua những khó khăn để học tập nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống nhằm đóng góp hiệu quả hơn cho mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Qua đó đã góp phần vào việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO