Đôi điều về bảo tồn di sản kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh

TS. NGUYỄN THẾ CƯỜNG - TS. NGUYỄN THỊ NGỌC LAN| 23/05/2020 08:32

KHPTO - Sài Gòn - TP.HCM khá trẻ, dù trải bao thăng trầm vẫn luôn tạo được môi trường văn hóa hấp dẫn khiến nó tăng trưởng không ngừng thành đô thị cực lớn với 10 triệu dân hiện nay.

Nhưng những biến động lịch sử cùng sự tăng trưởng nhanh của thành phố đã làm môi trường văn hóa của nó biến đổi chóng mặt; vô số cái mới - đẹp có xấu có, liên tiếp ra đời chiếm chỗ, thay thế cái cũ làm cho vốn di sản văn hóa, đặc biệt là di sản kiến trúc, luôn có nguy cơ bị mất đi nhiều thứ quý giá khiến sự đóng góp của nó cho sự phát triển của thành phố bị hạn chế đáng kể.

Chẳng hạn, trong quá khứ phần “đô” trên đất Sài Gòn bị xóa mất: ban đầu phủ Gia Định có lũy Hoa Phong, nay đã biến mất vì năm tháng bào mòn, rồi lũy Bán Bích cũng bị tháo dỡ dần thời Pháp thuộc; tiếp đó là thành Quy xây kiểu Vaurban phương Tây với hình bát quái theo dịch học phương Đông bị triệt hạ vì cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi; thành Phụng xây thay thế cũng bị Pháp phá khi đánh Gia Định... Phần “thị” của Sài Gòn cũng biến đổi diện mạo không ngừng. Sài Gòn từng có những phố thị cổ nằm dọc trên sông, kênh, rạch tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền mà nay không còn nữa. Chợ Bến Thành có nghĩa là chợ mà dưới sông là bến, bên trên là thành, nay tên còn đó mà cả bến lẫn thành đã không còn. Từ 1867, những ngôi nhà kiểu châu Âu bằng sắt, xi măng, gạch, ngói thay dần những nhà bản xứ bằng ván, tre, lá ở khu trung tâm; nhiều đoạn kênh bị san lấp để tạo lập các đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Lê Lợi, Pasteur; ra đời đường sắt Sài Gòn - Chợ Lớn dọc rạch Bến Nghé, rồi tuyến Sài Gòn - Đa Kao - Gia Định - Gò Vấp - Hóc Môn, ban đầu chạy tàu ngựa kéo, rồi đầu tàu hơi nước, cuối cùng là tàu điện mà nay cũng không còn nữa... Từ 55 đường phố (dài 25 km) vào năm 1883, đến 1945 Sài Gòn - Chợ Lớn đã có tới 344 đường phố (dài 260 km) vào loại hiện đại ở châu Á, xứng với tên “Hòn ngọc Viễn Đông”. Trong 30 năm tiếp theo, với hai cuộc chiến tranh kiến trúc, Sài Gòn thay đổi sâu sắc: ra đời hàng loạt công trình lớn theo trào lưu hiện đại quốc tế cùng với những khu ở lụp xụp của những nông dân chạy nạn chiến tranh.

Trong di sản kiến trúc của thành phố hiện nay, có thể kể đến kiến trúc truyền

thống Việt; kiến trúc của người Hoa; kiến trúc của người Ấn, Chăm, Khmer; kiến trúc phong cách châu Âu của người Pháp và kiến trúc đương đại giai đoạn 1954 - 1975. Những kiến trúc này mang dấu ấn những phong cách riêng, tiêu biểu của thời kỳ chúng ra đời, biểu hiện nghệ thuật kiến trúc, trình độ thiết kế, chất liệu và kỹ thuật xây dựng ở thời đại vàng son của chúng, và cả quan niệm về quan hệ giữa kiến trúc và cảnh quan của những chủ thể văn hóa đã tạo ra chúng. Từ khi “đổi mới” đến nay, kiến trúc mới thiếu quy hoạch phát triển ồ ạt, lấn át, thôn tính và đối chọi với kiến trúc cổ, cũ khiến tính quần thể và cảnh quan kiến trúc bị phá vỡ, di sản kiến trúc bị mất mát, biến dạng.

Chẳng hạn, nay chỉ còn lại 10 ngôi nhà dân gian truyền thống, tuổi đời trên 100 năm với những đặc trưng cổ như 3 gian 2 chái, chữ đinh hay thảo bạt, mái ngói âm dương, đầu ngói tráng men xanh, kết cấu chồng rường xuyên trính, trang trí họa tiết gỗ chạm lộng, hoành phi câu đối khảm xà cừ...; một số trong đó chịu ảnh hưởng kiến trúc phương Tây với ban công, vòm cuốn, mô típ trang trí hình con tiện... Nhưng tất cả chúng đều bị xuống cấp trầm trọng, sửa chữa chắp vá không còn “đồng bộ cổ”, không còn nằm trong cảnh quan vốn có với vườn tược ao hồ rộng thoáng xung quanh, hơn nữa có nguy cơ bị chủ nhà đập bỏ để xây mới phục vụ mưu sinh. Những di tích kiến trúc nghệ thuật cổ được xếp hạng như các chùa Gò (Phụng Sơn), Giác Lâm, Giác Viên; các đình Bình Tiên, Nam Chơn, Lăng Ông; đền thờ Trần Hưng Đạo... vừa mang dáng dấp cung đình Việt, vừa đậm tính dân dã của nhà ở, am miếu địa phương; nhiều nơi trong số đó lại đang lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật cổ quý giá như chùa Giác Lâm (xây năm 1744) hiện giữ 19 bức hoành phi, 86 câu đối, 113 pho tượng cổ chế tác đầu thế kỷ 18 và nhiều bàn thờ, đồ thờ cổ. Những di tích này phần lớn rơi vào tình trạng hư hại trầm trọng mà không thể tu bổ do bị dân lấn chiếm đất làm nơi ở, buôn bán, tập kết rác, xà bần... Thành phố nay chỉ còn khu phố cổ Hải Thượng Lãn Ông (phong cách kiến trúc Hoa) và vài kiến trúc cổ nằm lạc lõng trong không gian cảnh quan hoàn toàn xa lạ ở những phố mà xưa vốn là phố cổ; những khu phố Tây ở quận 1, quận 3 bị phá nhiều nơi, xây chen vào đó những kiến trúc hiện đại và hậu hiện đại cao tầng - như những cây lúa von lỗ chỗ giữa thảm lúa cao đều...

Nguyên nhân của thực trạng trên nằm ở sự yếu kém của quy hoạch đô thị, quản lý xây dựng và của công tác quản lý di sản trước sức tấn công của làn sóng xây dựng không phép (do bức bách về nhu cầu cư trú và làm ăn của người dân). Mặt khác, dường như mấy chục năm qua trong giới kiến trúc sư và giới quản lý đô thị của thành phố chưa hình thành quan niệm thống nhất về không gian kiến trúc đô thị hiện đại cho thành phố sông nước này.

Xin mượn hai khuyến cáo của hội nghị quốc tế về kiến trúc ở Hawaii (Hoa Kỳ) tháng 3/1995 và ở Bali (Indonesia) tháng 7/1995 để kết luận: “Việc phát triển đô thị cần phải gắn kết với việc bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị, điều này không những có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử mà còn mang lại hiệu quả cao về kinh tế du lịch”; “Bảo tồn không là gánh nặng kinh tế cho Nhà nước, mà ngược lại, nhờ vào đó nền kinh tế của thành phố sẽ thành công, lâu dài và bền vững hơn nếu các kế hoạch phát động được soạn thảo thực tế, có sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của khu vực tư nhân”.

Biệt thự cổ được bảo tồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đôi điều về bảo tồn di sản kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO