Doanh nghiệp logistics Việt Nam: cơ hội và nguy cơ

Như Quỳnh| 16/11/2018 18:05

KHPTO - Cũng giống như hầu hết các ngành công nghiệp khác, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang phải đối mặt với sự thay đổi to lớn. Một số xu hướng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường mới và xác định lại mô hình kinh doanh hiện có.

Điều đó đồng nghĩa với việc cạnh tranh ngành sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn, viễn cảnh này sẽ kích thích mạnh mẽ các doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh. Doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị sớm để tạo ra những lợi thế cạnh tranh trong tương lai cho chính doanh nghiệp.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về logistics trong các lĩnh vực khác nhau. Logistics có thể được hiểu là “hậu cần”, tuy nhiên vẫn chưa phản ánh hết đầy đủ ý nghĩa. Vì thế, thuật ngữ “logistics” vẫn được sử dụng phổ biến.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Bình, Công ty cổ phần Vantage Logistics và ThS. Nguyễn Thị Phương Ý, Trường đại học Văn Lang đã tiến hành phân tích thực trạng các yếu tố dựa vào mô hình 5 nhân tố của Michael E. Porter, giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội và nhận định nguy cơ mà ngành đang phải đối mặt. Từ đó, doanh nghiệp đưa ra định hướng chiến lược cạnh tranh phù hợp.

Áp lực cạnh tranh từ đối thủ hiện tại

Thực tế cho thấy, đa số doanh nghiệp trong nước hoạt động riêng lẻ và cạnh tranh thông qua việc hạ giá thành sản phẩm, điều này không đúng quy tắc nên có thể dẫn đễn thua lỗ và phải giảm bớt cổ phần, khi đó các nhà đầu tư nước ngoài nắm cơ hội giữ cổ phần chi phối, chiếm lĩnh thị trường ngành logistics Việt Nam.

Các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ của Việt Nam cần đẩy mạnh sự cạnh tranh thông qua liên kết, khai thác tính kinh tế của quy mô trong hoạt động kinh doanh. Các liên kết như vậy có thể đem lại nguồn doanh thu bán hàng tăng trưởng đều đặn, đồng thời cắt giảm được chi phí.

Theo các số liệu thống kê về tình hình hoạt động của ngành logistics Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước chiếm 25% thị trường, còn lại 75% thị trường thuộc về các doanh nghiệp logistics nước ngoài trong khi số lượng các doanh nghiệp logistics nước ngoài chỉ chiếm 20% số lượng các doanh nghiệp logistics hoạt động tại Việt Nam. Đây là con số đáng báo động cho các doanh nghiệp Việt Nam khi các doanh nghiệp nước ngoài chiếm phần lớn thị trường. Điều này một phần được giải thích bởi giá trị sản phẩm dịch vụ thấp mà các doanh nghiệp logistics Việt Nam cung cấp.

Ngành logistics đi theo hai loại dịch vụ là dịch vụ logistics truyền thống và dịch vụ logistics hiện đại. Đa số các doanh nghiệp trong nước đảm nhận vai trò đại lý cho các doanh nghiệp nước ngoài, hoặc chỉ thực hiện một số dịch vụ đơn lẻ trong hoạt động logistics truyền thống như thủ tục hải quan, thuê phương tiện vận tải, thuê kho bãi mà chưa phát triển các dịch vụ gia tăng như đóng gói, phân loại, lắp ráp, quản lý thông tin logistics, thiết kế hệ thống và dịch vụ tối ưu hóa quy trình kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần phải cải thiện khả năng cạnh tranh bằng cách đầu tư phát triển các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics ngày càng gia tăng của khách hàng; cải thiện dịch vụ bằng cách sử dụng các phương tiện, thiết bị và công nghệ hiện đại để tăng cường hiệu quả các hoạt động kinh doanh cốt lõi, mở rộng cơ sở khách hàng.

Với những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động logistics có nhiều thay đổi về bản chất. Những khác biệt này giúp cho các doanh nghiệp có được lợi thế về tốc độ cung ứng và chi phí thực hiện các hoạt động logistics. Điều này giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội kinh doanh trên thị trường.

Áp lực thâm nhập thị trường của đối thủ tiềm năng

Rào cản pháp lý gia nhập ngành logistics Việt Nam tương đối thấp. Việt Nam thực hiện các cam kết về tự do hóa dịch vụ logistics trong WTO và hội nhập ASEAN về logistics, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho ngành logistics ở Việt Nam. Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng khởi nghiệp trong ngành logistics. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành logistics tại Việt Nam ngày càng sôi động hơn. Trước hết, đây là cơ hội để ngành logistics của Việt Nam tiếp cận thị trường logistics rộng lớn hơn nhờ những ưu đãi thương mại. Nếu các doanh nghiệp logistics có những bước chuẩn bị tốt thì có thể sẽ tận dụng được những lợi thế của hội nhập để phát triển.

Có một số loại hình dịch vụ logistics không đòi hỏi cao về vốn đầu tư là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ có tài sản và đầu tư thấp gia nhập thị trường. Hầu hết những doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực logistics là doanh nghiệp mới thành lập, nhiều doanh nghiệp trong số đó đang tìm cách khai thác và đưa ra những mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp biết rằng, họ cần tìm ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm và dịch vụ của mình để thâm nhập thị trường.

Các doanh nghiệp logistics hiện tại cũng là một phần của các đối thủ tiềm năng. Ở một chừng mực nào đó, họ có thể cung cấp các dịch vụ tương tự. Do đó, cạnh tranh giá cả trong dịch vụ logistics hiện nay rất khốc liệt.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là đối thủ từ những ngành công nghiệp khác có nhiều tiềm năng hơn về công nghệ. Khách hàng của những ngành công nghiệp này cũng có thể trở thành đối thủ cạnh tranh ngành. Các công ty thương mại điện tử đang tìm cách mở rộng hoạt động trong lĩnh vực kho bãi cũng như phát triển chức năng giao hàng. Một số khác cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ bằng cách liên doanh với một số công ty logistics, đây là điển hình cho mô hình mới trong cạnh tranh.

Áp lực từ phía khách hàng

Chính sách khu vực hóa giúp những nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng nhanh chóng, dẫn đến sự gia tăng trong hoạt động sản xuất cũng như khối lượng thương mại ở những quốc gia khu vực này. Trong bối cảnh hoạt động giao thương giữa các quốc gia đang phát triển với nhau và các quốc gia này với những khu vực khác trên thế giới ngày càng gia tăng, logistics ở những thị phần này có tiềm năng phát triển.

Do đó, việc tập trung mở rộng các mô hình hoạt động logistics vào các khu vực kinh tế này có thể là một gợi ý. Phương thức vận tải đường biển và đường hàng không được biết đến như là các phương thức chính trong vận chuyển quốc tế trên chặng đường dài, các công ty chuyên chở có thể tập trung vào các tuyến đường vận tải giữa những quốc gia trong thị trường này. Sự phức hợp trong chuỗi vận tải như vận tải đa phương thức cũng sẽ tạo ra nhu cầu cho các công ty vận tải liên hợp và những vấn đề phức tạp trong chiến lược thâm nhập thị trường quốc tế mới làm tăng nhu cầu về dịch vụ tư vấn logistics.

Cũng như vai trò của ngành logistics đối với nền kinh tế, quản lý logistics là một chức năng quan trọng của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Trước đây, các chủ sở hữu hàng hóa lớn thường tự tổ chức và thực hiện các hoạt động logistics để phục vụ cho việc lưu thông hàng hóa, giờ đây việc thuê các dịch vụ logistics ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều nhà sản xuất kinh doanh ở đa dạng ngành nghề khác nhau đã thuê dịch vụ logistics để giảm chi phí và tăng hiệu quả bằng cách tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi. Doanh nghiệp logistics cần có một sự hiểu biết nhất định về sản phẩm của các ngành công nghiệp khác nhau để quản lý tốt các hoạt động logistics bao gồm việc quản lý hàng hóa cho một loạt các công ty khác nhau. Điều này giúp doanh nghiệp logistics nâng cao khả năng dịch vụ khách hàng và phục vụ đa dạng các đơn hàng.

Các nhà sản xuất và chủ hàng bị áp lực bởi mục tiêu việc nắm giữ lượng hàng tồn kho ít và rút ngắn vòng đời sản phẩm để giảm chi phí lưu trữ. Điều này làm tăng nhu cầu quản lý đơn hàng trong chuỗi cung ứng. Đây là nhiệm vụ đầy thách thức, đòi hỏi sự cân bằng giữa cách thức thực hiện của doanh nghiệp logistics và chi phí hoạt động.

So với yếu tố kinh tế có sức mạnh làm thay đổi xu hướng phát triển của ngành logistics, các xu thế xã hội lại khó nắm bắt hơn, nhưng có tầm quan trọng như nhau trong việc định hướng. Một xu thế mới sẽ đóng vai trò chủ đạo tạo ra bước đột phá cho ngành logistics trong tương lai. Giao dịch thương mại đang chuyển dần từ cửa hàng bán lẻ truyền thống sang cửa hàng bán lẻ trực tuyến – thương mại điện tử (E-commerce). Thương mại điện tử hình thành đáp ứng nhu cầu mua bất cứ thứ gì, ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào cho người tiêu dùng; mang lại cơ hội cho các nhà cung cấp logistics đáp ứng những kỳ vọng ngày một tăng của người tiêu dùng về sự tiện lợi. Khi thương mại điện tử phát triển, nhu cầu về các dịch vụ hoàn thiện đơn hàng lớn hơn, chẳng hạn như phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng, vận chuyển các sản phẩm cần được bảo hành hoặc đổi/trả hàng với người bán, và các dịch vụ giá trị gia tăng (đóng gói lại hàng hóa và dịch vụ thanh toán,…). Một khi doanh nghiệp logistics đưa được các dịch vụ tiện ích của họ vào chuỗi cung ứng để tạo ra những giá trị gia tăng và khác biệt, họ đã tạo dựng được vị thế cạnh tranh trong thị trường logistics.

Áp lực từ các nhà cung cấp

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng trở nên quan trọng. Sự thất bại của một nhà cung cấp có thể đe dọa đến khả năng cạnh tranh và danh tiếng của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp nên có sự kết nối chặt chẽ với các nhà cung cấp để nắm rõ tình trạng của nhà cung cấp. Các nhà cung cấp trong một vài lĩnh vực đang có xu hướng hợp nhất, liên doanh thành một vài nhóm cung cấp đặc trưng thay vì mỗi nhà cung cấp hoạt động một cách riêng lẻ như trước đây. Việc các nhà cung cấp hợp nhất tạo sức mạnh cho họ trong việc quyết định giá thành sản phẩm mà doanh nghiệp không có khả năng đàm phán. Giá thành sản phẩm sẽ là đồng nhất đối với hầu hết các doanh nghiệp. Điều này tạo áp lực cho doanh nghiệp đưa ra các giải pháp khác để nâng cao năng lực cạnh tranh hơn là chỉ tập trung vào giá sản phẩm.

Áp lực từ các sản phẩm thay thế

Theo các báo cáo thống kê số liệu, ngành logistics đang là một trong những tác nhân lớn gây ô nhiễm môi trường. “Logistics xanh” là mục tiêu hàng đầu để tạo ra giá trị bền vững. Doanh nghiệp chịu áp lực từ phía khách hàng để theo đuổi mục tiêu kinh doanh bền vững. Khi toàn cầu đang phải đối phó với việc khan hiếm nguồn năng lượng và hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, doanh nghiệp phải chú ý đến việc sử dụng các tư liệu sản xuất như: thiết bị, công nghệ hướng đến bảo vệ môi trường, bao bì đóng gói có chất liệu thân thiện môi trường. Nhiều công ty logistics thiết lập các mô hình kinh doanh dịch vụ mới liên quan đến sự bền vững thay vì tập trung vào cách nguyên tắc này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của họ. Thực hành kinh doanh bền vững đem lại cơ hội cho doanh nghiệp phát triển lợi thế cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp logistics Việt Nam: cơ hội và nguy cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO