Nỗ lực sáng tạo của một doanh nghiệp khoa học công nghệ

TUYẾT MAI| 23/09/2019 14:35

KHPTO - Được thành lập năm 2016, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, Công ty TNHH Ewater Engineering (TP.HCM) đã đạt nhiều thành tích nổi bật trong hoạt động sản xuất. Đơn vị đã nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ ion hóa với 2 sản phẩm chủ lực là xử lý cáu cặn, rong rêu cho lò hơi và cho các tháp giải nhiệt (hoàn toàn không dùng hóa chất). Tháng 4/2018, công ty đã được Sở khoa học và công nghệ TP.HCM trao chứng nhận Doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Tận dụng chính sách hỗ trợ

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang, giám đốc Ewater Engineering, chương trình doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KHCN) là một sự hỗ trợ và quan tâm sâu sắc của Nhà nước dành cho các tổ chức đã có công nghiên cứu và ứng dụng thành tựu KHCN vào sản xuất. Qua đó những DN có thêm động lực để tiếp tục phát huy thế mạnh nghiên cứu công nghệ mới và tạo cơ hội để ứng dụng nhiều công nghệ vào thực tế sản xuất - tiêu dùng.

Công ty Ewater Engineering với quá trình nghiên cứu công nghệ để chế tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu khách hàng và mong muốn đem công nghệ lan tỏa cho nhiều đối tượng sử dụng hơn nữa. Vì thế, đơn vị đã tham gia với mong muốn trở thành DN KHCN và qua đó tạo thêm nhiều nền tảng và cơ hội để giới thiệu công nghệ đến rộng rãi khách hàng hơn.

Với sự hỗ trợ từ các chính sách dành cho DN KHCN, mặc dù đơn vị chỉ mới được thành lập không lâu nhưng đã được nhiều nhà máy, công ty lớn quan tâm ứng dụng, được tham gia nhiều hội thảo, triển lãm chuyên ngành để giới thiệu rộng rãi hơn đến các tỉnh thành và các quốc gia lân cận.

Nói về những ưu thế khi trở thành DN KHCN, bà Trang chia sẻ thêm, các chính sách hỗ trợ dành cho DN KHCN khá thiết thực, nhắm vào chính những khó khăn mà DN đang vướng mắc. Trong đó vấn đề về tài chính, marketing, thương mại hóa… được đề cập với nhiều hỗ trợ. Cụ thể, DN KHCN được hỗ trợ tài chính qua chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN dựa trên sản phẩm được công nhận, tiếp cận nhiều cơ hội vay vốn với lãi suất cực ưu đãi. Chính sách hỗ trợ thương mại, marketing: hỗ trợ tham gia triển lãm trong và ngoài nước, tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề để giới thiệu công nghệ…

Tuy vậy, chính sách ưu đãi thuế cho DN KHCN hiện vẫn còn nhiều rắc rối, nên bà Trang cũng mong muốn các cơ quan chức năng liên quan xem xét và có hướng dẫn cụ thể hơn. Ngoài ra, việc tiếp cận với các chuyên gia có liên quan đến công nghệ của DN đang tìm hiểu nghiên cứu còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, các vấn đề về marketing, tiếp cận thị trường quốc tế qua kênh thương mại điện tử dành cho mặt hàng công nghệ cũng chưa được quan tâm hỗ trợ sát sao.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Các sản phẩm nổi bật của Ewater là: thiết bị xử lý cáu cặn cho hệ thống nồi hơi; thiết bị xử lý cáu cặn, rong tảo cho hệ thống giải nhiệt; thiết bị xử lý cáu cặn đường ống nước tưới và tạo nước ion hóa cho cây trồng tăng trưởng nhanh; thiết bị tạo ion đồng (Cu ++) diệt nấm bệnh cho cây trồng.

“Hiện nay, các công ty chủ yếu sử dụng hóa chất để ngăn ngừa, tẩy cáu cặn, gỉ sét hoặc sử dụng giải pháp vật lý như rửa cao áp, siêu âm hoặc làm mềm các chất bẩn. Đây là những giải pháp có chi phí cao, khó vận hành chính xác. Trong khi đó, ưu điểm của công nghệ Ewater là không phải bảo trì, tiết kiệm từ 5 - 30% năng lượng, giảm 100% chi phí hóa chất”, đại diện Công ty TNHH Ewater Engineering cho biết.

Thiết bị Ewater là một công nghệ áp dụng định luật vật lý và trường điện từ, để tạo ra một trường điện từ cảm ứng trong lòng ống. Với các tần số thay đổi liên tục từ 1,2 - 48 kHz, Ewater cung cấp năng lượng thích hợp để ion hóa nước và các chất gây cáu cặn, gỉ sét như: Ca, Mg, Si, Fe, Mn, làm cho các chất này mất khả năng bám dính trên đường ống.

Điện từ trường dao động sẽ cung cấp năng lượng để phân tách các phân tử nước, giải phóng electron ra khỏi hydro. Electron này là chất xúc tác làm cho các chất gây cáu cặn sẽ kết tủa trong nước và trung hòa về điện tích, trôi theo dòng xả đáy ra ngoài.

Công nghệ này được ứng dụng rộng rãi để xử lý nước cho các lò hơi công nghiệp trong các ngành: may mặc, dệt nhuộm, chế biến thực phẩm, bia và nước giải khát, thủy sản, giấy, hạt điều… và rất nhiều lò cho các bếp ăn trong quân đội. Công nghệ này đã được đơn vị nghiên cứu chuyển giao, lắp đặt cho một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần dược phẩm Nam Hà (Nam Định), Công ty cổ phần Nha Trang Seafood, Công ty chế biến thủy sản Hải Nam, Công ty chế biến hạt điều Lafooco. Ngoài ra, thiết bị xử lý cáu cặn Ewater còn được xuất khẩu sang Malaysia và Indonesia. Kết quả thu được sau thời gian 3 tháng sử dụng thiết bị rất khả quan: cáu cặn đã được xử lý hoàn toàn, làm tăng hiệu suất của hệ thống lò hơi và làm giảm đáng kể năng lượng tiêu thụ.

Trên cơ sở đó, công ty cũng đã mạnh dạn đưa ra thị trường thiết bị xử lý cáu cặn, rong rêu không dùng hóa chất cho các tháp giải nhiệt. Đặc biệt, đây là sản phẩm nội đầu tiên được chế tạo thành công. Hiện công nghệ này đã được Ewater nghiên cứu chuyển giao, lắp đặt cho một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Fujitsu Việt Nam (Đồng Nai), Công ty TNHH MTV công nghiệp Masan (Bình Dương), Công ty TNHH Hải Nam và tại nhiều khu vực khắp cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực sáng tạo của một doanh nghiệp khoa học công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO