Doanh nghiệp bất động sản còn nhiều nỗi lo

NHƯ QUỲNH| 15/12/2019 09:53

KHPTO - Theo chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam Nguyễn Trần Nam, hiện nay hành lang pháp lý điều chỉnh thị trường BĐS, từ công tác đầu tư xây dựng, giao dịch đến quản lý sử dụng BĐS chậm được hoàn thiện, còn chồng chéo; nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bất cập của cơ chế chính sách nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời dẫn đến thị trường BĐS chưa được quản lý và kiểm soát một cách hiệu quả.

Phải trải qua “bốn cửa lớn”

Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, thị trường đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phải chờ đợi nhiều bộ luật, văn bản liên quan trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện như Luật quy hoạch, đất đai, nhà ở, xây dựng, kinh doanh BĐS... Các xung đột, chồng chéo đã hạn chế các tác động tích cực trong thực thi các đạo luật, tạo ra cản trở trong quá trình thực thi trên thực tế, phát sinh chi phí lớn và rủi ro cao đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ông Đỗ Viết Chiến, tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ xây dựng cho biết, thông thường một dự án đầu tư phát triển đô thị sau khi có chủ trương đầu tư phải trải qua “bốn cửa lớn”. Thứ nhất là Sở quy hoạch kiến trúc (đối với hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM), các địa phương khác là Sở xây dựng có trách nhiệm giới thiệu địa điểm, chấp thuận tổng mặt bằng hoặc thẩm định tính cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để làm cơ sở lập dự án đầu tư phát triển đô thị. Thứ hai: Sở kế hoạch đầu tư chịu trách nhiệm cho đến khi dự án đầu tư phát triển đô thị được cấp thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thứ ba: Sở tài nguyên môi trường chịu trách nhiệm cho đến khi chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bàn giao mốc giới tại hiện trường. Thứ tư: Sở xây dựng chịu trách nhiệm cho đến khi cấp xong giấy phép xây dựng (đối với các công trình thuộc diện phải xin phép xây dựng).

Đến đây việc kiểm tra, giám sát thực hiện đầu tư xây dựng là do thanh tra và trật tự xây dựng đô thị. Thiếu đầu mối thống nhất quản lý sau cấp phép dẫn đến nhiều công trình xây dựng sai phép - thậm chí là không phép vẫn tồn tại trong thực tế. Mặt khác, trong mỗi “cửa lớn” nêu trên còn rất nhiều “cửa phụ” phải làm, đó là việc xin cấp chỉ giới đường đỏ, số liệu hạ tầng kỹ thuật có liên quan, thỏa thuận phòng cháy, chữa cháy, môi trường, đầu nối cấp điện, nước sạch, an toàn bay và nhiều thỏa thuận khác…

Những yếu tố “ám ảnh” doanh nghiệp

Ông Nguyễn Ngọc Thành, phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng cho biết, để tiếp cận thị trường, ngoài các yêu cầu

về khả năng quản trị, tài chính, tổ chức và quản lý điều hành, sự thành công còn phụ thuộc vào năng lực dự báo của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, yếu tố thị trường chỉ chiếm tỷ lệ 30% trong số những yếu tố chi phối trạng thái hoạt động của doanh nghiệp, còn lại 70% là các yếu tố liên quan đến các quy định pháp luật và việc thực thi các thủ tục hành chính. Trong thực tế, những yếu tố này đang là sự “ám ảnh” đối với các doanh nghiệp, bởi vì họ không thể đưa ra “dự báo” để có thể tiếp cận sự biến động của những yếu tố này. Trong đó, việc thực thi các thủ tục hành chính đang được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm và mang tâm lý lo ngại nhiều hơn là sự tin tưởng và an tâm.

Từ thực tế trên cho thấy, quá trình giải quyết thủ tục hành chính có tác dụng chi phối mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp thay vì phải đối phó với những diễn biến của thị trường thì lại phải tập trung nhiều thời gian, công sức và cả tài chính cho việc giải quyết các thủ tục hành chính. Mối lo ngại khi giải quyết các thủ tục của một dự án luôn thường trực và ám ảnh các nhà đầu tư, từ đó xuất hiện những tiêu cực trong mối quan hệ xin - cho để đạt được kết quả trong quá trình xử lý và giải quyết các thủ tục hành chính này.

Định hướng điều hành tín dụng BĐS trong thời gian tới như thế nào?

Theo Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, những bất cập trên thị trường BĐS có khả năng ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS.

Do đó, đối với tín dụng lĩnh vực BĐS, Ngân hàng Nhà nước định hướng: tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm ổn định thị trường tiền tệ; điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách của Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục định hướng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, tập trung tín dụng vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Nghiên cứu, xây dựng chính sách mới, chủ động thực hiện việc giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, điều chỉnh tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay lớn, đối với các khoản cho vay phục vụ nhu cầu về nhà ở xã hội, vẫn áp dụng hệ số rủi ro 50% nhằm khuyến khích tiêu dùng BĐS vào phân khúc này. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, đặc biệt hỗ trợ nhà ở cho đối tượng là công nhân trong khu công nghiệp để ổn định chỗ ở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp bất động sản còn nhiều nỗi lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO