Đô thị đại học quốc gia TP.HCM đang nhanh chóng hoàn thiện

Anh Thư| 09/02/2018 10:38

KHPT - Theo ông Mai Thanh Bình, giám đốc Trung tâm quản lý và phát triển khu đô thị Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM), tính đến tháng 6/2017, diện tích đất đã thu hồi cho ĐHQG-HCM là 465,42 ha, đạt 72,3% tổng diện tích đất quy hoạch cho dự án. ĐHQG-HCM sẽ phấn đấu đến hết năm 2018 hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đô thị có trung tâm là các trường đại học

Ông Mai Thanh Bình cho biết, các trường đại học hiện nay ngày càng mở rộng về quy mô, chưa kể tới xu hướng liên kết, sáp nhập giữa các trường tạo thành những cụm đại học có diện tích tương đương như một thị trấn. Theo đó, khái niệm đô thị đại học (ĐTĐH) ra đời. ĐTĐH được định nghĩa là một cộng đồng hoàn chỉnh xung quanh trường đại học, với quy mô dân cư từ 5 - 10 vạn người, đảm bảo môi trường học tập - nghiên cứu tốt cho sinh viên, có chỗ ăn ở, phương tiện giao thông thuận tiện... Chẳng hạn, các khu ĐTĐH Bologna của Ý, Cambridge và Oxford của Anh...

Trên thực tế, nhiều khái niệm tương tự ĐTĐH được sử dụng như thành phố đại học, thị trấn đại học, khu đại học, cộng đồng đại học... Tất cả đều có đặc điểm chung về cấu trúc gồm hạt nhân trung tâm là các trường đại học và các khu chức năng tổng hợp phục vụ cho cộng đồng ĐTĐH đó cùng hệ môi trường sinh thái tương ứng.

Chức năng chính của ĐTĐH là cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cho các trường đại học và cao đẳng, các cơ sở an sinh xã hội và hậu cần, theo một cơ chế quản lý nhất định để điều hành và quản lý các thành phần trong khu vực. Có thể nói, ĐTĐH có đặc trưng riêng, đòi hỏi nhiều yêu cầu phức tạp từ công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng cho đến vận hành và quản lý.

ĐHQG-HCM được công nhận là khu ĐTĐH đầu tiên của cả nước, hội tụ những đặc điểm cơ bản của mô hình ĐTĐH quốc tế như vừa nêu trên.

Dịch vụ “một thẻ” trong khu ĐTĐH

Khu đô thị ĐHQG-HCM sau khi hoàn thành sẽ gồm 5 khu chức năng lớn: khu hành chính và dịch vụ; khu đào tạo; khu viện nghiên cứu - chuyển giao công nghệ bao gồm khu phần mềm, công viên khoa học; khu ký túc xá (quy mô 50.000 chỗ ở) và khu thể dục thể thao. Trong đó, 2 khu chuyển giao công nghệ được quy hoạch nằm vị trí mặt tiền tiếp giáp với địa phương, hướng đến việc triển khai ý tưởng nghiên cứu và ứng dụng. Khu chuyển giao thứ nhất hướng về phía Khu công nghệ cao TP.HCM, khu thứ hai tỏa về phía Bình Dương - Đồng Nai.

Bên cạnh đó, hệ thống thư viện, phòng thí nghiệm, trung tâm thể dục thể thao, nhà ăn sinh viên, cửa hàng tiện ích đều nằm trong một mạng lưới quản lý thống nhất, thông qua dịch vụ “một thẻ”, giúp sinh viên và nhân viên có thể sử dụng chung tất cả cơ sở và dịch vụ, tránh đầu tư trùng lặp và lãng phí tài nguyên.

Về mặt cấu trúc không gian, đó sẽ là một khu đô thị hỗn hợp theo kiểu mô hình xếp cặp nhiều lớp không gian: khu nhà ở - khu thương mại - khu học tập và nghiên cứu - không gian mở, tạo nên tính hỗn hợp trong các hoạt động học tập, làm việc và cuộc sống. Hình thức đan xen chức năng này đem lại cho khu ĐTĐH một phong cách tiếp cận mới đa dạng hơn, đồng thời đảm bảo đáp ứng đầy đủ các dịch vụ và thương mại cần thiết.

Các cụm trường đại học được quy hoạch theo một cấu trúc thống nhất và đồng dạng, mô hình hạt nhân ở trung tâm, cơ sở đào tạo phân tán xung quanh. Theo đó, trung tâm của đô thị sẽ truyền năng lượng và cảm hứng cho các cụm trường, rồi lan tỏa tới các trung tâm, viện... Cuộc sống đô thị và cuộc sống trong mỗi khu trường đại học tương tác, hỗ trợ nhau và cùng liên kết tạo thành một cấu trúc thống nhất. Đây chính là điểm nhấn của khu ĐTĐH tương lai.

Cần giải quyết khó khăn trước mắt

Ông Mai Thanh Bình cho biết, khó khăn đầu tiên phải kể đến là nguồn vốn cho công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng (BTGPMB). Hiện nay, vốn cấp cho công tác BTGPMB chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, việc giao vốn hàng năm chậm gây bị động trong công tác chi trả. Kinh phí đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước bố trí cho dự án đầu tư xây dựng ĐHQG-HCM đến năm 2017 là 4.860,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí cho công tác BTGPMB và tái định cư là 1.631,5 tỷ đồng, chiếm 33,57% ngân sách đầu tư.

Bên cạnh đó, nhân sự của TP.HCM và tỉnh Bình Dương hỗ trợ cho Khu đô thị ĐHQG-HCM thực hiện công tác BTGPMB vẫn còn mỏng. Hơn nữa, đến nay vẫn chưa có quỹ nhà tái định cư cho công tác BTGPMB tại địa bàn phường Linh Trung, quận Thủ Đức.

Hiện nay, khu ĐTĐH chưa hoàn chỉnh về giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản, người dân còn sống xen kẽ. Do đó, việc thiết lập hàng rào là cần thiết. ĐHQG-HCM đã định hướng các đơn vị không xây hàng rào mà làm hàng rào kết hợp cảnh quan như cây xanh, dây leo... sao cho phù hợp với thiên nhiên và hài hòa với kiến trúc, quy hoạch của địa phương.

Theo quy hoạch và thực tế đã triển khai, Khu đô thị ĐHQG-HCM đã xây dựng nhiều công trình dùng chung nhằm tiết kiệm trong đầu tư xây dựng như: phòng thí nghiệm, ký túc xá sinh viên, nhà khách, nhà công vụ, khu thể dục, thể thao, nhà văn hóa sinh viên và các loại hình dịch vụ. Do đó, các trường thành viên và đơn vị trực thuộc bước đầu đã có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ, thể hiện sức mạnh hệ thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đô thị đại học quốc gia TP.HCM đang nhanh chóng hoàn thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO