Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng xoài ở đồng bằng sông Cửu Long

GIA PHÚ - VĂN KHƯƠNG| 04/07/2018 08:30

KHPTO - Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng xoài ở đồng bằng sông Cửu Long KHPTO - UBND tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức hội thảo “Công nghệ sau thu hoạch ngành hàng xoài đồng bằng sông Cửu Long” nhằm để đánh giá thực trạng và tìm giải pháp phát triển bền vững ngành hàng này.

Nhận diện nhiều điểm nghẽn

Ông Nguyễn Thành Tài, phó giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Tháp, cho biết: Cả nước có trên 84.500 ha xoài, sản lượng gần 930.000 tấn/năm; tập trung nhiều nhất tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 55% diện tích, hơn 60% về sản lượng), trong đó Đồng Tháp là địa phương dẫn đầu về diện tích và thứ hai về sản lượng.

Tại hội thảo, các chuyên gia chỉ ra nhiều điểm nghẽn đối với ngành hàng xoài, đó là tỷ lệ hao hụt trong quá trình thu hoạch và vận chuyển, bảo quản, sau thu hoạch còn khá lớn, có khi lên đến 70%; công nghệ chế biến tạo giá trị gia tăng sản phẩm còn nhiều bất cập.

Các rào cản khắt khe về kỹ thuật, về tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để đáp ứng với thị trường tiêu thụ khác nhau đang là những thách thức lớn hiện nay.

Ngoài ra, quy trình canh tác tiền thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, đặc biệt, chỉ số thu hoạch, công nghệ sau thu hoạch với các dây chuyền, thiết bị chuyên dùng trong chuỗi giá trị chưa vận hành một cách đồng bộ, chất lượng trái sau thu hoạch làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận người trồng xoài.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong vùng nguyên liệu xoài, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực logistic, sau thu hoạch ngành hàng xoài, mối liên kết về sản xuất, chế biến, tiêu thụ của các tỉnh có trồng xoài ở đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng còn nhiều bất cập.

Theo TS. Võ Mai - phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, công nghệ sau thu hoạch và bảo quản là điểm yếu nhất của nông sản Việt Nam.

Ngoài ra, công nghệ chế biến nông sản cũng là vấn đề được TS. Võ Mai hết sức quan tâm. “Hội thảo này rất hay, có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với tỉnh Đồng Tháp mà còn các tỉnh trong khu vực; nhất là hình thành “Trung tâm tiên tiến” về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài” - TS. Võ Mai nhấn mạnh và đề nghị các địa phương nên tham quan, học tập kinh nghiệm.

Cơ hội cho ngành xoài Việt Nam

Mặc dù có diện tích và sản lượng lớn, song đa số sản phẩm xoài Việt Nam chỉ được tiêu thụ trong thị trường nội địa. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, một lượng rất nhỏ xuất sang các nước khác. Do vậy, việc mở rộng xuất khẩu chính ngạch sang các nước là mong muốn của Chính phủ đối với ngành hàng xoài.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhận định: thời gian qua, địa phương đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài, từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đê bao chống lũ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như cải tạo giống, xử lý hóa chất để ra hoa rải vụ, áp dụng kỹ thuật bao trái đến việc sản xuất xoài theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP); công nghệ sau thu hoạch đã từng bước được áp dụng. Từ đó, đã hình thành nên vùng nguyên liệu xoài tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh.

Cục sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu “Xoài cát chu Cao Lãnh” và “Xoài Cao Lãnh” và việc xây dựng mã số vùng trồng cũng được quan tâm thực hiện. Hiện nay, xoài Đồng Tháp đã xuất khẩu sang một số thị trường như: New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Dưới góc nhìn của chuyên gia có trên 20 năm nghiên cứu về lĩnh vực xoài, ông Peter Johnson (chuyên gia của Tổ chức công nghiệp Liên hiệp quốc - UNIDO) cho rằng: Việt Nam có thể sản xuất xoài trong các giai đoạn tiềm năng, ví dụ như trước mùa xoài ở Trung Quốc, nghịch vụ ở Úc; cơ hội tiếp cận đường bộ vào thị trường lớn nhất trên thế giới; cũng như vị trí thuận lợi đến các thị trường khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada, Úc...

“Muốn vậy, Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký sản phẩm mới để kiểm soát nấm bệnh, xây dựng tiêu chuẩn xuất khẩu, kiểm soát chất lượng, tiếp cận toàn bộ chuỗi, kỹ thuật canh tác, quản lý nấm bệnh, hệ thống nhà đóng gói, chuỗi lạnh”, ông Peter Johnson nói.

GS.TS. Trần Văn Hâu, Trường đại học Cần Thơ đặt vấn đề về tính ổn định, liên tục khi đưa xoài vào bán tại các siêu thị; trong đó đề nghị quan tâm giải pháp về giống và xoài rải vụ, kết hợp sản xuất xoài với phát triển du lịch sinh thái tại vùng trồng xoài.

Tại hội thảo, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn qua sự hỗ trợ của Tổ chức công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) và Phân viện công nghệ sau thu hoạch đã chuyển giao dự án xây dựng “Trung tâm tiên tiến” về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài cho Công ty Kim Nhung - Đồng Tháp.

Ông Karl Shebesta, giám đốc dự án cho biết, trung tâm là mô hình kỹ thuật tiên tiến phù hợp cho việc cải tiến chất lượng nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch (khoảng 30%), nâng cao thu nhập cho nông dân và cải thiện cấu trúc tổ chức và quản lý ở khu vực nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng xoài ở đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO