Định vị và điều phối ứng cứu sự cố về điện

Như Quỳnh| 07/02/2018 10:46

KHPTO - Nhóm nghiên cứu Nguyễn Thị Bích Ngư, Phan Bình Minh và Nguyễn Chí Ngôn, Trường đại học Cần Thơ đã xây dựng hệ thống giám sát, chủ động phát hiện bất thường trên lưới điện và hiển thị địa điểm xảy ra sự cố lên máy tính quản lý; đồng thời gửi cảnh báo điều hướng nhân viên vận hành gần nhất đến điểm cần ứng cứu dựa trên Google Maps. Hệ thống nhằm mục tiêu phát hiện sớm, xử lý nhanh, giảm thời gian mất điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng dịch vụ.

Công tác xử lý sự cố lưới điện đòi hỏi phải nhanh chóng, kịp thời để giảm thiệt hại về kinh kế và đảm bảo an toàn cho người sử dụng điện (khách hàng). Hiện nay, có nhiều hệ thống giám sát được phát triển với nhiều hình thức cảnh báo. Tuy nhiên, các hệ thống này còn thụ động, không cảnh báo kịp thời khi sự cố xảy ra. Thông tin mất điện còn phụ thuộc nhiều vào sự phản ánh của khách. Việc nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, lưu trữ dữ liệu, phát hiện ngay khi có sự cố, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm thời gian mất điện đòi hỏi một hệ thống tự động. Hệ thống tự động định vị và điều phối ứng cứu sự cố lưới điện là một giải pháp để xác định được các điểm cảnh báo, vị trí của nhân viên trực vận hành và điều hướng nhân viên đến điểm cảnh báo trên Google Maps thông qua điện thoại. Từ đó, nhân viên trực vận hành có thông tin tổng quan về phạm vi sự cố và công tác chuẩn bị xử lý được thuận lợi hơn.

Nhân viên trực vận hành phải sử dụng điện thoại (Smart phone) có hỗ trợ GPS, cài đặt ứng dụng Android cho phép truy xuất dữ liệu GPS của điện thoại sau mỗi 30 giây và gửi về Web Server khi có yêu cầu, để đưa vào cơ sở dữ liệu SQLServer. Các dữ liệu đưa về bao gồm mã nhân viên trực vận hành, kinh độ và vĩ độ của nhân viên. Để sử dụng được chức năng này, yêu cầu nhân viên trực vận hành phải bật chức năng định vị GPS trên điện thoại.

Ứng dụng hiển thị vị trí nhân viên và các điểm giám sát trực quan trên bản đồ Google Maps, thông qua thư viện Google Maps APIs, được cung cấp miễn phí bởi Google. 

Tín hiệu cảnh báo được gửi từ thiết bị giám sát đến hệ thống và hiển thị trên máy tính quản lý và âm thanh cảnh báo.

Để đảm bảo việc tiếp nhận thông tin sự cố và xử lý sự cố đạt được hiệu quả cao, nghiên cứu này đã thiết kế vòng lặp kiểm tra tin nhắn xác nhận với chu kỳ 3 phút. Khoảng thời gian này đủ để nhân viên trực vận hành có thể nhắn tin xác nhận. Khi đó, hệ thống sẽ không tiếp tục gửi tín hiệu cho nhân viên trực vận hành tiếp theo.

Sau khi nhận được tin nhắn cảnh báo, nhân viên trực vận hành xác nhận theo cú pháp trên, sau đó chọn vào đường dẫn kèm theo tin nhắn sẽ mở ứng dụng Google Maps điều hướng nhân viên đến điểm cảnh báo, giúp cho họ nhanh chóng tiếp cận sự cố. 

Sau khi cảnh báo được xử lý xong, điện được khôi phục trở lại, thiết bị sẽ gửi tin nhắn báo có điện về hệ thống để cập nhật trạng thái bình thường, không còn cảnh báo thì mới được xem là hoàn thành quá trình xử lý.

Từ kết quả đề tài xây dựng hệ thống hỗ trợ ứng cứu sự cố an ninh, nghiên cứu này được thử nghiệm trên 6 thiết bị giám sát được lắp đặt tại các vị trí khác nhau. Kết quả kiểm chứng thời gian từ lúc thiết bị phát hiện bất thường trên lưới điện đến khi nhân viên nhận được cảnh báo điều hướng khoảng từ 1 đến 3 phút, đồng thời khách hàng nhận được cảnh báo ngay khi có sự cố xảy ra. Kết quả kiểm chứng cho phép khẳng định tính khả thi của việc xây dựng hệ thống gửi và nhận tín hiệu, hiển thị điểm sự cố và điều hướng nhân viên ứng cứu sự cố trên Google Maps. Bước đầu cho thấy hệ thống nên được thử nghiệm thực tế để hoàn thiện. Khi đó, việc kết hợp hệ thống này với hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu công tơ sẽ tạo thành một công cụ hữu ích, đáp ứng yêu cầu phát hiện sớm và xử lý nhanh sự cố. Nó giúp giảm thời gian mất điện kéo dài và là mục tiêu quan trọng cần thực hiện trong việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trong thời gian tới của ngành điện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định vị và điều phối ứng cứu sự cố về điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO