Định hướng phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021 – 2030 tại TP.HCM

Bài, ảnh: TRUNG DUNG| 10/09/2021 22:20

KHPTO - Định hướng chung của phát triển kinh tế tập thể (KTTT) giai đoạn năm 2021 – 2030 là khuyến khích phát triển KTTT trên các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, trên mọi vùng lãnh thổ; các hình thức mở rộng quy mô thành viên; ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp; bảo đảm lợi ích thành viên...

Theo ông Trần Ngọc Hưng - chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP.HCM, định hướng phát triển KTTT đối với hợp tác xã (HTX) lĩnh vực nông nghiệp (NN), cần phát triển các HTXNN - dịch vụ đa ngành, kinh doanh tổng hợp (hoạt động cả trong lĩnh vực thương mại, vệ sinh môi trường). Trong đó, tập trung vào hoạt động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đầu vào (cây, con giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc thú y, thức ăn chăn nuôi, chuyển giao khoa học - kỹ thuật nuôi trồng...), bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các thành viên, hộ gia đình, tham gia các hoạt động dịch vụ vệ sinh trên địa bàn, góp phần bảo vệ môi trường.

Xây dựng các HTXNN - làng nghề trồng hoa lan, cây cảnh, nuôi cá cảnh... có giá trị kinh tế cao, có khả năng xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi ở nông thôn.

Đẩy mạnh và củng cố các HTX yếu kém, giải thể các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, sáp nhập các HTX quy mô nhỏ thành các hợp tác xã có quy mô lớn. Hình thành các hợp tác xã lớn có quy mô cấp huyện và các Liên hiệp HTXNN - sản xuất - thương mại - dịch vụ trên địa bàn trọng điểm nông nghiệp nhằm tăng cường liên kết hợp tác. Hỗ trợ các HTX, thành viên, hộ gia đình trong hoạt động sản xuất, cung ứng sản phẩm - dịch vụ đầu vào và bao tiêu, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho thành viên, hợp tác xã thành viên.

Phấn đấu đến năm 2030, 100% xã của TP.HCM đều có tổ hợp tác, HTXNN, thương mại, dịch vụ vệ sinh môi trường, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả và hình thành được chuỗi liên kết giữa các hợp tác xã nông nghiệp với hệ thống hợp tác xã thương mại, siêu thị để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên.

KTTT có vai trò đáng kể trong tạo việc làm cho thành viên và người lao động. Vì thế, vai trò KTTT trong nền kinh tế ngày càng được nâng cao. KTTT vừa đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố, vừa đóng góp gián tiếp nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho thành viên.

Thông qua HTX, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các công nghệ, giống mới,… được chuyển giao hiệu quả hơn đến các thành viên, góp phần tạo thành chuỗi liên kết giá trị sản xuất bền vững, bao tiêu sản phẩm đầu ra; giữ gìn Thành phố văn minh sạch đẹp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ vốn cho thành viên, tổ hợp tác, người lao động thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế, như công tác thống kê đối với khu vực kinh tế hợp tác thể chưa kịp thời, đồng bộ thiếu cơ sở tin cậy để đánh giá, xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế hợp tác xã.

Một số hợp tác xã vẫn còn tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Cán bộ quản lý của các hợp tác xã năng lực quản lý và chuyên môn còn hạn chế, chưa đào tạo bài bản nên việc xác định phương hướng hoạt động sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả.

So với các loại hình mô hình kinh tế khác, việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại của các HTX vào quá trình sản xuất, kinh doanh vẫn còn hạn chế.

Việc liên kết giữa các HTX chưa chặt chẽ, còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, việc phát triển các mô hình HTX liên doanh với các tổ chức, doanh nghiệp rất ít, sự gắn kết giữa công nghiệp và dịch vụ nông nghiệp chưa bền vững, chưa phát huy được hết vai trò của chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định hướng phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021 – 2030 tại TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO