Định hướng nghề nghiệp cho con

<_o3a_p>| 10/04/2009 18:16

Chọn ngành nào để dự thi vẫn còn là một câu hỏi khó đối với nhiều thí sinh và cũng là nỗi băn khoăn của không ít phụ huynh. Sau đây là những điều mà các chuyên viên tư vấn của Viện tâm lý học khuyên các phụ huynh cần cân nhắc khi tư vấn nghề cho con.

Nghề của con hay của cha mẹ?

Con cái là sự tiếp nối của cha mẹ. Tư tưởng này được thể hiện một cách vô thức ngay cả trong việc hướng con đến với nghề mà cha mẹ yêu thích hoặc mong muốn. Điều này thường được giải thích ở khía cạnh: cha mẹ có kinh nghiệm hơn, có hiểu biết hơn, còn con cái thường non nớt và không biết chọn nghề nào cho có lợi. Mặt khác cha mẹ thường nghĩ rằng đó là mình lo cho tương lai của con, muốn những điều tốt đẹp nhất nên mới định hướng vào những ngành nghề như vậy, bất kể con có thích hay không.

Trên thực tế, chính đứa con mới là người làm chủ nghề nghiệp của mình, là người sống với nghề, thực hành nghề, có năng lực, tâm huyết với nghề, chứ không phải cha mẹ.

Chọn nghề hay chọn danh?

Xã hội hiện tại trọng bằng cấp hơn năng lực. Đó là một thực tế khiến cha mẹ hướng con đến cái danh “đại học” hơn là cái ngành mà con cần học. Họ sẽ hướng con thi vào trường nào có thể đỗ được với năng lực hiện tại hơn là vào trường phù hợp với hứng thú, sở thích của con. Nhiều bậc phụ huynh bắt buộc con mình phải thi vào đại học bằng mọi giá. Có nhiều người biết sức học của con mình không khá, nhưng vẫn cố ép con phải thi đại học, bất kể ngành nghề. Các kỳ thi đại học cho thấy, nhiều học sinh không có khả năng để thi đại học: chưa thi đã biết chắc là mình sẽ trượt! Trên thực tế, các em hoàn toàn có thể chọn một con đường khác để vào đời một cách thành công mà không nhất thiết phải thi đại học ngay. Nhiều tấm gương sáng đã chứng minh điều này.

Năng lực, sở thích của con có phù hợp?

Nhiều bậc phụ huynh hướng con học những ngành nghề mà họ cho là thuận lợi hơn cả, bất kể con có thích và năng lực có phù hợp với ngành nghề đó hay không. Hơn ai hết, chính cha mẹ mới biết rõ năng khiếu và sức học của con cái. Nếu con cái có khả năng và thích ngành y thì không nên ép học sư phạm, hoặc con cái chỉ đủ sức học cao đẳng thì không nên bắt thi đại học y, dược hay bách khoa. Khi hiểu được điều đó, phụ huynh sẽ bình tĩnh lại để cùng con có quyết định chính xác. Đó là cơ sở cho con cũng như cha mẹ an tâm hoàn thành trách nhiệm của mỗi bên. Tùy theo từng đứa con hoặc từng hoàn cảnh, có thể chọn những cấp học (đại học, cao đẳng, trung cấp hay học nghề), những trường học phù hợp nhất với năng lực và sở thích của con.

Thực tế cho thấy, có một công việc ổn định, có một nghề trong tay chính là tầm ngắm của những con người thành đạt trong tương lai.

Chọn học hay chọn nghề?

Nhiều bậc phụ huynh chỉ muốn con học ở đâu đó, bất kỳ ngành gì, miễn sao có học là được, mà không quan tâm đến nghề nghiệp sau này của con. Theo ý kiến của họ, việc học và đi làm sau này là hai việc hoàn toàn khác nhau. Có thể học một ngành, còn đi làm một nghề hoàn toàn khác, thậm chí chẳng có liên quan gì cũng không sao. Đây cũng là một thực tế gây lãng phí: lãng phí về thời gian và tiền bạc, lãng phí về sức lực và trí tuệ, lãng phí về thời cơ… Hiện tượng này còn có thể mài mòn ý chí và hứng thú vào đời của con cái trên con đường nghề nghiệp nếu chúng hoàn toàn chán ngành mà mình đang phải học.

Tình hình tài chính gia đình có đủ cho con học?

Trong thời buổi kinh tế thị trường, việc học hành thi cử đều liên quan chặt chẽ với tình hình tài chính gia đình. Với những gia đình khá giả, việc học hành của con không ảnh hưởng gì đến kinh tế gia đình. Nhưng với những gia cảnh khó khăn, học phí cho con là một gánh nặng. Dân ta hiếu học, nên nhiều cha mẹ có thể hy sinh bản thân để mong mỏi con cái được học hành đến nơi đến chốn, được thành danh, thành nghiệp.

Trên thực tế, học hành là công việc suốt đời. Chọn đúng thời điểm thuận lợi nhất về mặt tài chính để cho con đi học, sự gánh vác chung của tất cả mọi thành viên trong gia đình để ưu tiên cho việc học hành cũng là cách lựa chọn hợp lý cho nhiều gia đình hiện nay.

Định hướng nghề nghiệp cho con không phải là việc của một giờ, một ngày, mà là xu hướng của cha mẹ trong suốt quá trình nuôi con khôn lớn, trưởng thành, trong đó còn phải bao gồm cả giáo dục thái độ đối với lao động, với nghề nghiệp. Điều đó đòi hỏi ở cha mẹ không chỉ lòng yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc mà còn cả những kiến thức và kỹ năng sống cần thiết.

HỒNG HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định hướng nghề nghiệp cho con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO