Dinh dưỡng học đường - hiểm họa khó lường! Bài 2: Ly sữa lỏng quy chuẩn

NGUYỄN SƠN| 19/04/2017 18:27

KHPT-Mặc dù đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 được khởi thảo từ năm 2011, trong đó có chương trình đưa sữa vào bữa ăn cho học sinh 2- 12 tuổi như một giải pháp dinh dưỡng đột phá, nhưng đến nay, việc quản lý ly sữa trong trường học vẫn còn nhiều bất cập.

Mỗi trường mỗi kiểu

Đưa sữa vào trường học để nâng cao thể lực, trí lực cho học sinh là mục tiêu mà Bộ giáo dục - đào tạo và Bộ y tế hướng tới. Thế nhưng cho đến nay, Bộ y tế vẫn còn loay hoay xây dựng chuẩn mực đối với ly sữa dành cho lứa tuổi học trò, và các trường buộc phải dùng một quy chuẩn tạm thời đối với sữa tươi.
Chưa có quy chuẩn chính thức, nhưng nhiều nơi, chính quyền địa phương, nhà trường, phụ huynh học sinh và doanh nghiệp đã chủ động tổ chức cho trẻ uống sữa ở trường. Cách làm này khiến mỗi trường tự dùng một loại sữa khác nhau, và chất lượng sữa thực tế “chẳng biết đường nào mà lần”.
Ông Nguyễn Bá Minh, vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) thừa nhận: Tại hầu hết các tỉnh, sữa học đường triển khai còn nhỏ lẻ, tự phát thông qua các bữa ăn bán trú. Một vài địa phương chủ động triển khai cấp tỉnh, song thực tế các hoạt động chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ. Học sinh các vùng nghèo vẫn chưa được thụ hưởng. Ngân sách nhà nước không có, nếu phụ huynh không đóng góp, nhiều trẻ không được uống sữa. Chính vì nhỏ lẻ và tự phát như vậy nên rất khó kiểm soát chất lượng. Sữa bột mạo danh sữa tươi, sữa đưa vào trường học không có công cụ để kiểm tra, giám sát.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Khoa Học Phổ Thông, hầu hết học sinh các trường trên địa bàn TP.HCM đều được uống sữa trong bữa ăn bán trú. Phần lớn sữa đưa vào các trường là của các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, có trường “xài sang”, cho các cháu uống hẳn sữa Úc, sữa Pháp. Vấn đề là ở chỗ Sở GD-ĐT khống chế tiền sữa không được quá 3.000 đ/ngày và không được tính chung vào tiền bữa ăn, vì vậy khi “xài sang”, các cháu chỉ được uống 60 - 70 ml, ít hơn nhiều so với dung lượng phù hợp với lứa tuổi. Việc khống chế tiền sữa còn khiến một số trường buộc phải mua sữa không có thương hiệu cho “phù hợp với túi tiền phụ huynh”. Với 3.000 đ/ngày thì các cháu không thể có một ly sữa 180 ml đảm bảo chất lượng chứ đừng nói tới 220 - 240 ml như chuẩn châu Âu - một chuyên gia về sữa chia sẻ. 

Cạnh tranh khốc liệt
Mỗi năm, hơn 12 triệu học sinh mầm non, tiểu học trong cả nước sẽ tiêu thụ khoảng 87 triệu lít sữa tươi và con số này sẽ gia tăng nhanh chóng. Thị trường lớn khiến các doanh nghiệp sữa phải nhảy vào một cuộc cạnh tranh không khoan nhượng.
Các hãng sữa lớn chủ động đi đầu trong chương trình Sữa học đường với hàng triệu lít sữa cho các trường học. Những hãng sữa nhỏ hơn (sữa cỏ) không có khả năng làm như vậy thì tập trung áp dụng các chương trình khuyến mãi và trích hoa hồng. Có hãng sẵn sàng trích hoa hồng tới 50%, khiến chất lượng sữa gần như bị thả nổi. Thay vì được uống sữa bò tươi, học sinh phải uống sữa bột hoàn nguyên, thậm chí sữa từ nguyên liệu cọ, dừa, lẽ ra chỉ dùng để pha cà phê. Thực trạng đó đang biến trường học thành cái “chợ” sữa. Đây cũng là cuộc cạnh tranh ngấm ngầm nhưng rất quyết liệt giữa dòng sữa bột do các nhà nhập khẩu lâu năm, tiềm lực mạnh thực hiện với các doanh nghiệp nuôi bò sữa trong nước.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra thu giữ không ít sản phẩm sữa của các doanh nghiệp trong nước sản xuất có vi phạm. Nhiều sản phẩm sữa sử dụng cả nguyên liệu pha trộn không rõ nguồn gốc, sản xuất thủ công, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhiều trường mầm non và tiểu học khi ký hợp đồng mua sữa cũng chỉ biết đó là sữa chứ không biết có khi chỉ là các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng. Bản thân các trường cũng không thể biết chất lượng sản phẩm đó có đúng với công bố trên bao bì hay không, nếu không có sự cố và bị các cơ quan chức năng phát hiện ra.
Do chưa có quy chuẩn chính thức nên việc chọn sữa cho học sinh rất tùy tiện và cảm tính. Đã có không ít trường hợp sữa dởm, sữa hết hạn sử dụng tràn vào trường học mà báo chí đã lên tiếng phản ánh thời gian qua, gây ra những vụ việc đáng tiếc. Hồi cuối năm 2016, 18 học sinh lớp 6 ở Nhà Bè bị ngộ độc sữa do một nhóm tiếp thị đến phát miễn phí trước cổng trường. Hồi tháng 3, có 50 học sinh một trường tiểu học ở Tiền Giang nhập viện với các triệu trứng đau bụng, buồn nôn, sốt... sau khi uống sữa do các nhân viên tiếp thị của một công ty tại TP.HCM đến phát miễn phí tại trường.
Việc thả lỏng quy chuẩn ly sữa học đường đang là một thực tế đáng lo ngại. Bộ y tế cần nhanh chóng hoàn thiện quy chuẩn này để ly sữa học đường được chuẩn hóa phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và phát triển thể chất, trí lực của các em thay thế cho việc dùng tạm quy chuẩn về sữa tươi như hiện nay.

Theo Cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ y tế: 

- 1% sữa kém chất lượng xuất phát từ nhà sản xuất, 
- 4% có nguyên nhân từ phụ gia thực phẩm, 
- 72% từ việc bảo quản sai quy định của đại lý, 
- 18% từ việc sử dụng sản phẩm không theo chỉ định, 
- 5% chưa rõ nguyên nhân.

 Kỳ tới: Quà vặt phó mặc ngoài cổng trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dinh dưỡng học đường - hiểm họa khó lường! Bài 2: Ly sữa lỏng quy chuẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO