Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư được xạ trị

07/01/2007 23:29

Xạ trị là một trong các phương pháp điều trị kinh điển dùng cho các bệnh nhân ung thư đã có từ trăm năm về trước. Đây là một phương pháp điều trị tại chỗ tại vùng, tính hiệu quả và an toàn của xạ trị ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên xạ trị là phương pháp điều trị không mang tính chọn lọc, nghĩa là bên cạnh việc tiêu diệt các tế bào ung thư, tia phóng xạ cũng làm tổn thương đồng thời các tế bào lành nằm trong khu vực chiếu xạ. Tùy theo mức độ tổn thương của các tế bào lành này mà các tác dụng phụ do tia phóng xạ đem lại sẽ thay đổi theo những mức độ khác nhau.

Trong xạ trị người ta chia các tác dụng phụ thành các biến chứng sớm và muộn. Những biến chứng muộn như xơ hóa da vùng xạ, khô miệng... có thể không làm cho bệnh nhân cảm thấy “khổ sở” tức thì vì nó thường diễn tiến âm thầm, dai dẳng trong nhiều năm trời sau xạ trị. Trong khi đó những biến chứng sớm như viêm da, buồn nôn, viêm niêm mạc họng miệng gây nuốt đau, nuốt khó... sẽ cản trở việc ăn uống dinh dưỡng của bệnh nhân và đây thật sự là nỗi lo lắng và ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sống của người bệnh trong quá trình xạ trị. Chính vì vậy bên cạnh việc cải tiến kỹ thuật xạ trị nhằm giảm thiểu biến chứng, nhà xạ trị lâm sàng còn phải quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân trong và sau xạ trị.

Việc dinh dưỡng cho người bệnh trong lúc xạ trị có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau:

Qua đường miệng:

- Trong quá trình xạ trị, bệnh nhân thường vẫn ăn uống qua đường miệng. Nếu xạ trị vào các cơ quan thuộc vùng ngực như phổi, vú, thực quản... bệnh nhân có thể có cảm giác nuốt đau nhẹ, có khi kèm theo buồn nôn. Trong tình huống này vẫn có thể duy trì chế độ ăn cơm như bình thường, không cần kiêng cữ nhưng nên ăn nhiều rau xanh, trái cây và có thể bổ sung mỗi ngày từ 1 - 2 ly sữa, hạn chế chất béo và tránh các thức ăn như cay hoặc nóng quá.

- Xạ trị vào các tạng trong ổ bụng có thể gây cảm giác buồn nôn, chán ăn và tiêu chảy. Có thể dùng một ít thuốc chống nôn, hoặc thuốc chống tăng nhu động ruột. Bệnh nhân cũng được khuyên ăn uống bình thường theo nhu cầu, đừng vì sợ các triệu chứng trên mà không dám ăn uống. Nên ăn lỏng như cháo, súp thịt hoặc cá, duy trì chế độ sữa mỗi ngày, nếu dung nạp kém thì chuyển qua dùng sữa đậu nành, đậu xanh. Nên dùng trái cây tươi, mỗi ngày 1 - 2 quả chuối nhưng tránh đu đủ vì có tính nhuận trường. Một vài lát gừng tươi mỏng nấu với nước ấm có thể giúp trị khó tiêu và chán ăn.

- Xạ trị vào các cơ quan vùng đầu cổ, tai mũi họng sẽ gây viêm niêm mạc họng miệng, thực quản ảnh hưởng đến việc ăn uống và có thể gây sụt cân. Tâm lý sợ ăn, sợ uống vì nuốt đau rất phổ biến, vì vậy cần thuyết phục bệnh nhân tiếp tục ăn để có thể đeo đuổi quá trình xạ trị. Không nhất thiết phải ăn theo bữa mà nên ăn nhiều lần trong ngày, ưu tiên ăn các thức ăn lỏng tăng cường protein (150 - 200 g/ngày) dưới dạng thịt xay nhỏ với nước dùng, uống sữa nhiều lần trong ngày, người ta nhận thấy với 3 - 4 ly sữa 100 - 150 ml mỗi ngày có thể đem lại cho bệnh nhân 1/2 năng lượng cần thiết cho hoạt động trung bình của cơ thể (tương đương khoảng 1.000 - 1.200 kcal). Nên cố gắng duy trì trái cây tươi dưới dạng xay, ép (nho, táo, chuối...). Cần tránh các thức ăn cay, nóng hoặc có cồn. Khi cần thiết bác sĩ có thể cho sử dụng các loại kem bôi trơn niêm mạc miệng để dễ nuốt trôi thức ăn và làm giảm đau. Tuy nhiên cần thận trọng khi sử dụng cho người già và trẻ nhỏ vì có nguy cơ nuốt sặc vào đường hô hấp, vị giác của các bệnh nhân xạ trị ung thư đầu cổ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; gây chán ăn...

Nuôi ăn qua đường thông mũi - dạ dày:

Việc duy trì ăn uống qua đường miệng là quan trọng nhất, tuy nhiên khi cần thiết các bác sĩ có thể cho chỉ định nuôi ăn qua đặt ống thông mũi - dạ dày. Với một ống thông nhựa dài khoảng 1 m, nhân viên y tế sẽ luồn một đầu ống thông qua lỗ mũi, đi xuống họng, vào thực quản và nằm tại dạ dày, đầu ống còn lại sẽ được cố định ở cạnh mũi, hàng ngày qua ống này, nhân viên y tế hoặc người nhà được huấn luyện có thể bơm thức ăn qua ống để nuôi dưỡng bệnh nhân. Đây là một hình thức nuôi ăn mang tính ép buộc nhưng hoàn toàn tuân thủ theo nguyên tắc đạo đức y khoa.

Rất nhiều bệnh nhân từ chối phương pháp dinh dưỡng này vì có cảm giác “không được ăn”, vướng víu, khó chịu, tăng tiết đàm nhớt,phản xạ ho... Nhưng đây là một biện pháp nuôi ăn ép buộc hiệu quả nhất, có thể cung cấp cho bệnh nhân nguồn dinh dưỡng phong phú và năng lượng đầy đủ. Các thức ăn dùng qua ngả này đều phải được xay nhỏ, lỏng, bơm thức ăn nhiều lần trong ngày, mỗi lần không nên vượt quá 150 ml. Sữa có thể dùng 2 - 3 lần mỗi ngày. Một số chế phẩm dinh dưỡng với đủ thành phần thiết yếu (Enalaz, Isocal...) có sẵn trên thị trường cũng rất thích hợp.

Nuôi ăn bằng cách mở bao tử ra da:

Phương thức này chỉ áp dụng cho những tình huống đặc biệt vì người bệnh dung nạp quá kém với xạ trị, không thể nhai nuốt, không đặt được ống nuôi ăn. Bằng một đường mổ nhỏ, phẫu thuật viên sẽ đưa một ống thông ngắn vào lòng dạ dày, đầu còn lại sẽ được cố định vào da thành bụng. Qua ống, nhân viên y tế hoặc thân nhân sẽ bơm thức ăn nhiều lần trong ngày giống như nuôi ăn qua thông mũi - dạ dày. Các thức ăn sử dụng được xay nhuyễn, và phải dễ tiêu.

Nuôi ăn qua đường tĩnh mạch:

Trên thị trường có nhiều loại dịch truyền đạm, tuy nhiên chỉ nên coi truyền dịch là một biện pháp hỗ trợ chứ không xem là dinh dưỡng chính. Nuôi ăn qua tĩnh mạch đơn thuần không thể cung cấp đầy đủ năng lượng theo nhu cầu cơ thể. Người bệnh cũng không nên tự ý yêu cầu được truyền dịch “cho khỏe”. Chỉ nên truyền dịch khi có chỉ định của bác sĩ. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư được xạ trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO