Điều trị giảm áp thoát vị đĩa đệm bằng laser

23/02/2005 10:10

Đĩa đệm có chức năng vô cùng quan trọng là giúp cột sống trở nên mềm dẻo. Nhờ sự uyển chuyển này mà con người có thể đứng lên, ngồi xuống, cúi ra trước, ngả cong ra đằng sau một cách dễ dàng. Nhưng khi đĩa đệm bị thoát vị sẽ chèn ép vào các cấu trúc thần kinh dọc theo cột sống gây đau, tê, yếu chi, teo cơ và thậm chí liệt. Để điều trị căn bệnh này, trước đây người bệnh thường phải chịu cuộc mổ mở rất nặng nề. Vài năm gần đây, công việc trở nên nhẹ nhàng hơn nhờ phương pháp phẫu thuật nội soi hoặc cải thiện tình trạng bằng việc áp dụng kỹ thuật giảm áp bằng laser.

TS. Hà Viết Hiền cho biết về kỹ thuật này:

Điều trị giảm áp thoát vị đĩa đệm bằng laser chỉ mới được áp dụng tại Việt Nam từ 6/1999. Nguyên lý của kỹ thuật này là dùng năng lượng laser truyền qua một dây quang dẫn, làm tiêu hủy một lượng nhân nhày nhỏ để làm giảm áp suất nội đĩa, giải phóng sự chèn ép lên tủy sống và các rễ thần kinh.

* Kỹ thuật này có thể điều trị cho tất cả các bệnh nhân bị bệnh thoát vị đĩa đệm?

Kỹ thuật này áp dụng tùy vào tình trạng bệnh.

Trước đây khi chưa có kỹ thuật này, tất cả bệnh nhân khi có chỉ định can thiệp ngoại khoa đều phải thực hiện kỹ thuật mổ mở. Đây là phẫu thuật khá nặng nề. Gần đây, tại Thành phố đã áp dụng kỹ thuật mổ nội soi thoát vị đĩa đệm, nhưng chưa được phổ biến rộng rãi.

* Làm sao phát hiện bệnh?

Nếu tổn thương ở đĩa đệm đốt sống cổ, bệnh nhân sẽ đau vùng cổ, gáy, vai, đau tê, mất cảm giác từng vùng ở tay, bàn tay, cổ tay, giảm cơ lực tay. Hiện tượng đau, nhức, tê tăng lên hay giảm xuống theo hoạt động cử động của cổ và tay.

Nếu tổn thương ở đĩa đệm đốt sống thắt lưng, sẽ đau vùng thắt lưng, đau, tê, mất cảm giác từng vùng ở mông, chân, bàn chân, giảm cơ lực chân, đau nhức tăng lên hoặc giảm xuống theo hoạt động cử động của lưng và chân. Các triệu chứng trên có thể xuất hiện đồng thời hoặc riêng lẻ. Nếu không chữa trị kịp thời bệnh nhân sẽ giảm hoặc mất khả năng làm việc, giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí có thể bị teo cơ, liệt.

Sau khi khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp phim chẩn đoán. Qua phim chụp cắt lớp điện toán hay cộng hưởng từ thấy đĩa đệm bị biến dạng nhô ra khỏi khoang liên đốt, chèn vào tủy sống hay chùm thần kinh đuôi ngựa và các rễ thần kinh.

* Các phương pháp điều trị hiện nay cho căn bệnh này?

- Bảo tồn: dùng thuốc, tập vật lý trị liệu, châm cứu nghỉ ngơi…

- Mổ hở hoặc nội soi.

- Giảm áp đĩa đệm cột sống bằng laser chọc qua da (PLDD).

* Ưu điểm của phương pháp giảm áp đĩa đệm cột sống bằng laser chọc qua da?

Là kỹ thuật ít xâm lấn, có độ an toàn gần như tuyệt đối vì kỹ thuật chỉ đi qua lớp cơ mà hoàn toàn không đụng đến các cấu trúc thần kinh. Chỉ cần gây tê, thời gian thực hiện kỹ thuật ngắn chỉ khoảng 30 phút, không để lại sẹo, chảy máu tối thiểu. Sau thực hiện chỉ cần dùng băng cá nhân băng chỗ kim đâm vào, nằm nghỉ trong thời gian ngắn và về nhà ngay trong ngày. Tỉ lệ thành công lên tới 80-90%.

Với kỹ thuật này, phẫu thuật viên chỉ cần dùng một cây kim nhỏ đâm xiên vào nhân nhày của đĩa đệm, dùng laser có nhiệt độ 1150 độ C để đốt một phần nhân nhày làm giảm áp suất trong đĩa đệm.

* Thời gian phục hồi?

Tùy theo mức độ bệnh, thể trạng, 50% phục hồi ngay sau mổ nhưng cũng có người thời gian hồi phục chậm từ vài tuần hay có thể vài tháng. Có một bệnh nhân hơn 70 tuổi bị liệt đã 2 năm, di chuyển phải nhờ người khác cõng, đau đến nỗi lưng còng xuống. Ngay sau khi thực hiện kỹ thuật này đã đi thẳng ngay được. Một bệnh nhân khác, 50 tuổi chỉ sau khi thực hiện kỹ thuật này 2 ngày sau đã có thể chơi thể thao được. Sau 4-5 tháng bệnh không cải thiện thì có thể chuyển sang mổ nội soi hoặc mổ mở.

* Làm sao phòng ngừa bệnh?

Thoát vị đĩa đệm xảy ra do quá trình thoái hóa tự nhiên, hoặc do mang, vác, xách, khiêng vật nặng không đúng tư thế; do chấn thương như tai nạn, chơi thể thao... Từ những nguyên nhân trên chúng ta có thể phòng ngừa bằng cách tránh làm nặng,tập thể thao phải đúng bài bản và không quá sức. Không để dư cân, béo phì vì khi đó xương phải làm việc nhiều hơn để chống đỡ trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên với người có thể trạng gầy, ốm cũng dễ bị bệnh này. Đặc biệt là khi phụ nữ có thể trạng gầy yếu, mang thai, trọng lượng của thai nhi sẽ ảnh hưởng tới cột sống.

Không nên làm việc lâu ở một tư thế như các nhân viên văn phòng và đặc biệt lưu ý đến tư thế ngồi cho đúng. Qua nghiên cứu cho thấy, khi nằm tải trọng lên đĩa đệm là 5 đơn vị, khi đứng đĩa đệm chịu tải trọng tới 30 đơn vị và đặc biệt khi ngồi, tải trọng sẽ tăng lên 100 đơn vị, còn nếu ngồi khom lưng trọng lượng đè lên đĩa đệm sẽ lên đến 150 đơn vị.

Ăn uống đủ chất, giữ thể trọng trung bình, đặc biệt không nên hút thuốc, uống rượu sẽ làm tăng nhanh quá trình thoái hóa.

Khi có các triệu chứng đau dọc cột sống, lan ra 4 chi phải đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa thần kinh và chấn thương chỉnh hình.

* Đây là đơn vị đầu tiên ở VN áp dụng kỹ thuật này để điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống?

Đúng vậy! Phân viện Vật lý Y Sinh học là một trung tâm nghiên cứu và thực hành về laser y học lớn nhất cả nước. Giảm áp đĩa đệm cột sống bằng laser qua da là một kỹ thuật đã được Bộ Y tế xếp vào danh sách 10 kỹ thuật cao của ngành y tế VN.

* Chi phí điều trị?

- Với đĩa đệm ở đốt sống lưng giá trọn gói là 9 triệu đồng/đĩa, 2 đĩa là 16 triệu.

- Ở đốt sống cổ là 12 triệu, 2 đĩa là 19 triệu.

Theo chân TS.BS. Trần Công Duyệt - Phân Viện trưởng Phân viện Vật lý Y Sinh học thuộc Bộ Quốc phòng - vào phòng thực hiện kỹ thuật laser đang sáng choang ánh đèn, đồng hồ lúc này chỉ 10g30, TS. Hà Viết Hiền đang lúi húi điều chỉnh máy X quang định vị đặt cạnh bệnh nhân. Trên bàn, bệnh nhân Q. - 36 tuổi đang nằm chờ theo tư thế nghiêng. Săng mổ màu xanh trùm kín người chỉ để hở phẫu trường hình tròn kích thước khoảng bằng 2 bàn

Máy X quang bật lên, đầu tiên BS. Duyệt dùng một chiếc xylanh có kim dài tới gần 2 tấc, xác định vị trí qua màn hình X quang và chích thuốc gây tê vào vị trí chuẩn bị thủ thuật. Cuộc thực hiện kỹ thuật giảm áp bằng laser bắt đầu ngay sau đó. Qua màn hình X quang , bác sĩ dùng một cây kim nhỏ và dài dò tìm rồi đâm xiên vào nhân nhày của đĩa đệm, dùng laser truyền theo dây quang dẫn đốt một phần nhân nhày với nhiệt độ 11500C làm giảm áp suất trong đĩa đệm. Một chất nước nhầy màu nâu phòi lên trong kim chọc, thoảng mùi khét. Bệnh nhân vẫn tỉnh và nói chuyện bình thường. Cuộc thực hiện kỹ thuật laser đã chấm dứt chỉ sau khoảng 30 p.

Vừa được dìu ra khỏi phòng mổ, bệnh nhân đã nhoẻn miệng cười. Anh cho biết bị đau thắt lưng từ khi mới 17 tuổi, tức cách đây 20 năm. Làm nặng không được, người lúc nào cũng uể oải, mệt mỏi không muốn làm việc, giống như người làm biếng. Khoảng 4 năm gần đây anh bị đau nhiều hơn, tập vật lý trị liệu và mang nẹp lưng theo chỉ dẫn của bác sĩ thấy đỡ phần nào. Mang nẹp suốt cũng khó chịu và nóng lưng nhưng cứ bỏ nẹp ra chỉ ngồi khoảng 10 phút là đau lại. Mấy tháng gần đây đau không ngồi dậy được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều trị giảm áp thoát vị đĩa đệm bằng laser
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO