Xuất khẩu thành công 4.000 tấn hạt nhựa tái chế sang thị trường Mỹ

Vũ Yến| 15/03/2023 14:20

Đây là thông tin được ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững nhựa tái chế Duy Tân chia sẻ tại tọa đàm "Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) & cơ hội vươn lên thành công trong nền kinh tế xanh". Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Lễ công bố HVNCLC 2023 do người tiêu dùng bình chọn.

Ông Lê Anh tiết lộ, điều đặc biệt, nguyên liệu làm nên 4.000 tấn hạt nhựa tái chế này đều được công ty thu gom rác thải nhựa từ Việt Nam. Sản phẩm của DTR đã được xuất khẩu sang 12 nước trên thế giới. DTR hiện cũng là đối tác của các nhãn hàng lớn như Lavie, Nestle, Coca-cola… Để làm được điều này DTR đã đạt các 15 tiêu chuẩn quốc tế khắt khe như ISO, FDA, HACCP… Tính riêng trong năm 2022, DTR đã thu gom và tái sinh hơn 1,3 tỷ chai nhựa.

Công ty Tái chế Duy Tân cũng là một trong 6 doanh nghiệp tiên phong đang nhận được hỗ trợ kỹ thuật của dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) của Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).

Bà Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Dự án IPSC cho biết, IPSC là dự án lớn nhất của chính phủ Mỹ tài trợ cho chính phủ Việt Nam. Đối tượng của dự án là doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng. Họ có thể là hộ kinh doanh cá thể hoặc hợp tác xã. Đa phần hỗ trợ của dự án là hoàn toàn miễn phí. Hiện dự án đang hỗ trợ cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng. Thứ hai là các doanh nghiệp doanh nghiệp tiên phong, dẫn đầu trong ngành của mình.

Theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, kinh tế xanh là khái niệm tương đối mới trên thế giới và cũng mới được du nhập vào Việt Nam. Thế giới quan tâm đến kinh tế xanh từ 2008. Nguyên tắc chính là giảm thiểu tối đa rác thải độc hại, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, và đảm bảo cân bằng lợi ích xã hội.

Từ năm 2010, Việt Nam bắt đầu triển khai khi có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế xanh. Hiện Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có rất nhiều hiệp định thể hệ mới có những đòi hỏi khắt khe về môi trường, phát triển bền vững. “Khách hàng quốc tế hiện nay đòi hỏi không chỉ giá rẻ, chất lượng tốt mà còn phải thân thiện với môi trường. Cả trong nước cũng vậy, người tiêu dùng ngày càng thông thái và khắt khe hơn, ngày càng ủng hộ rộng rãi hơn với các trào lưu như tiêu dùng xanh, đó là yêu cầu mà các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ phải nắm bắt và đáp ứng kịp thời” – ông Võ Tân Thành nói.

Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường Chất lượng (Bộ KHCN) cho biết, hiện Việt Nam cũng đã xây dựng được hạ tầng tiêu chuẩn cho cộng đồng doanh nghiệp, với gần 13.500 tiêu chuẩn quốc gia, trong đó khoảng 65% hài hòa với tiêu chuẩn thế giới, trải dài khắp các lĩnh vực.

Tuy thế, ông Nguyễn Hoàng Linh lưu ý, việc xây dựng tiêu chuẩn không chỉ đơn thuần là công việc của cơ quan nhà nước, việc này cần sự tham gia của các doanh nghiệp.

Trình bày kết quả dự án “Nghiên cứu người tiêu dùng về phương tiện giao thông điện”, ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường (UNDP) cho biết, hiện giao thông chiếm ¼ tỷ lệ phát thải dòng của Việt Nam.

Ông Đào Xuân Lai cho biết thêm, trên thế giới ngành giao thông xanh, giao thông điện tăng trưởng rất tốt, tạo ra công ăn việc làm, tạo điều kiện tốt cho Việt Nam chuyển đổi sang kinh tế xanh. Ông cũng cho biết, hiện nay nhận thức, trách nhiệm, cam kết của người tiêu dùng Việt Nam đối với các vấn đề môi trường, phát triển bền vững là rất rõ ràng. 78% người tiêu dùng được phỏng vấn đã nắm bắt và mong muốn được chuyển đổi phương tiện giao thông điện trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu thành công 4.000 tấn hạt nhựa tái chế sang thị trường Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO