Điều trị bướu giáp nhân không cần phẫu thuật

HỒNG DUNG| 08/12/2016 13:01

KHPT- Bệnh viện đại học y dược (BV ĐHYD) TP.HCM vừa triển khai kỹ thuật điều trị tiên tiến RFA, mở ra nhiều cơ hội cho các đối tượng người bệnh có bướu giáp lành tính. ThS.BS. Trần Thanh Vỹ - trưởng khoa lồng ngực mạch máu BV ĐHYD cho biết về kỹ thuật điều trị mới này.

- PV: Thưa bác sĩ, đến nay, BV ĐHYD đã áp dụng  kỹ thuật RFA điều trị cho bao nhiêu bệnh nhân và kết quả thế nào?

- BS. Trần Thanh Vỹ: Tính đến ngày 17/11/2016, khoa lồng ngực mạch máu BV ĐHYD đã ứng dụng thành công phương pháp điều trị bướu giáp nhân bằng sóng cao tần (RFA) cho hơn 50 người bệnh và đạt được kết quả điều trị tốt. Chẳng hạn, trường hợp chị Đào Thị T., sinh năm 1968, ngụ tại quận Bình Thạnh. Chị T. bị bướu giáp đa nhân 2 thùy, đã phẫu thuật cắt trọn thùy phải và bán phần thùy trái 20 năm về trước. Cách đây 5 năm, người bệnh phát hiện bị bướu giáp tái phát thùy trái (phần mô tuyến giáp chừa lại để không bị suy giáp sau mổ). Gần đây, bướu lớn nhanh khoảng 4 cm, kiểm tra chọc sinh thiết (FNA) cho kết quả lành tính. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh ca phẫu thuật trước đây làm chị rất sợ hãi nên chần chừ điều trị. Bên cạnh đó, theo bác sĩ tư vấn, nếu tiếp tục phẫu thuật chị sẽ gặp rất nhiều nguy cơ như vết mổ cũ viêm xơ dính dễ tổn thương thần kinh, khàn giọng, tổn thương các cấu trúc mạch máu, suy giáp do cắt bướu và phần mô giáp lành, suy cận giáp... Mới đây, được bác sĩ BV ĐHYD tư vấn điều trị bướu giáp nhân bằng sóng cao tần không cần phẫu thuật, chị T. đã quyết định điều trị bệnh dứt điểm. Sau 2 lần điều trị, khối u của chị đã giảm 80%.

- Kỹ thuật RFA là gì? Ưu điểm của kỹ thuật này so với phẫu thuật hở?

- Kỹ thuật RFA là phương pháp điều trị bằng sóng cao tần, không cần phẫu thuật. Các điện cực sóng cao tần chiếu trực tiếp vào khối u để đốt từng điểm nhỏ của bướu và di chuyển cho đến khi đốt hết khối u. Đây là phương pháp điều trị nhân giáp lành tính được thế giới ứng dụng từ năm 2002, đến nay, phương pháp này đã thay thế hơn 50% các trường hợp điều trị bằng phẫu thuật kinh điển (phẫu thuật hở, phẫu thuật nội soi). Ưu điểm vượt trội của phương pháp này giúp điều trị bệnh triệt để hơn, không để lại biến chứng nặng, không ảnh hưởng lên mô giáp bình thường nên vẫn bảo toàn chức năng tuyến giáp, người bệnh phục hồi nhanh, có thể xuất viện ngay 1 - 2 tiếng sau can thiệp, giảm chi phí nằm viện, có tính thẩm mỹ cao, không để lại sẹo,... Một số nhược điểm của phương pháp này là cần tốn nhiều chi phí cho đầu tư thiết bị ban đầu, bác sĩ điều trị phải được đào tạo chuyên sâu. 

- Phương pháp RFA chỉ định trong trường hợp nào?

- Kỹ thuật điều trị tiên tiến RFA chỉ định cho các đối tượng người bệnh có bướu giáp lành tính nhưng điều trị nội khoa không hiệu quả, ngại phẫu thuật, hoặc đã điều trị (nội khoa, phẫu thuật) nhưng bị tái phát. Tùy theo kích thước khối bướu mà bác sĩ sẽ chỉ định số lần điều trị khác nhau. Đối với khối bướu có đường kính dưới 3 cm, việc điều trị thường có hiệu quả sau một lần duy nhất. Với khối bướu kích thước trên 3 cm, thường điều trị 2 - 3 lần để đốt hết hoàn toàn. Sau khi thực hiện kỹ thuật này, kích thước khối bướu sẽ giảm dần, khoảng 50 - 70% trong tháng đầu tiên. Từ 3 đến 6 tháng, khối bướu sẽ giảm 70 - 90% so với kích thước ban đầu và tạo thành mô sẹo, liệu trình điều trị hoàn tất.

- Bướu nhân giáp, tỷ lệ mắc ở Việt Nam có nhiều không? Ai thường mắc bệnh này?

- Bướu giáp nhân (bướu cổ) là bệnh lý rất phổ biến ở Việt Nam. Tỷ lệ phát hiện bướu giáp nhân gần đây tăng nhiều nhờ tầm soát bệnh bằng siêu âm vùng cổ. Theo thống kê của Bộ y tế, số người mắc bệnh bướu giáp nhân ở miền núi phía Bắc chiếm tỷ lệ 30 - 40% trong cộng đồng, có nơi lên tới 80%; ở đồng bằng phía Bắc, khoảng 6 - 10%; ở đồng bằng sông Cửu Long là 20 - 30%. Trung bình, hàng năm có khoảng 115.000 người được khám và chữa bệnh bướu giáp nhân. Chính vì vậy, bệnh bướu giáp được xác định là một trong số 8 bệnh xã hội và có chương trình phòng, chống cấp quốc gia.

- Biến chứng của bướu giáp nhân?

- Bướu giáp nhỏ có thể không gây ra vấn đề về thể chất hoặc thẩm mỹ, nhưng bướu giáp lớn có thể làm cho khó thở hoặc nuốt và có thể gây ho, khàn tiếng. Ngoài ra, bướu giáp có thể gây ra nhiều rối loạn như mệt mỏi và tăng cân (do suy giáp) hoặc giảm cân ngoài ý muốn, dễ cáu gắt, khó ngủ, tim đập nhanh, suy tim,... (do cường giáp). Bướu giáp nhân là tổn thương dạng khối nằm trong tuyến giáp, đa số không gây triệu chứng gì, được phân loại thành nhân lành tính và ác tính, trong đó nhân lành tính chiếm đa số. Chỉ một tỷ lệ rất nhỏ dẫn đến ung thư giáp, thường gặp ở độ tuổi trẻ hơn 20 tuổi hoặc lớn hơn 45 tuổi. Ung thư giáp có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm bằng cách phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp kèm nạo hạch; tuỳ giai đoạn có thể bổ sung điều trị I-131 sau phẫu thuật.

- Chế độ dinh dưỡng sau điều trị?

- Có chế độ ăn uống bình thường nhưng điều quan trọng nhất là người bệnh cần có một chế độ ăn uống nghiêm ngặt với hàm lượng iod thấp. Kiểm tra định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều trị bướu giáp nhân không cần phẫu thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO