Diễn đàn kinh tế số Việt Nam 2018: Gợi mở những giải pháp chiến lược cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

KIẾN NAM| 12/11/2018 18:58

KHPTO - Dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM, Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), trong đó có mạng lưới chuyên gia kinh tế số Việt Nam (Vietnam Digital Economy - VDE) vừa phối hợp với Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) tổ chức “Diễn đàn kinh tế số Việt Nam 2018: Thách thức và giải pháp chiến lược cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” hôm 1/11/2018 tại TP.HCM.

Đây là sự kiện chính nằm trong chuỗi hội thảo, hoạt động của Diễn đàn kinh tế số Việt Nam 2018 (Vietnam Digital Economy Forum 2018).

Xu hướng của mô hình kinh tế số

Nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Với hiệu suất kinh tế vượt trội, các mô hình kinh tế mới đang tạo ra những biến đổi căn bản trong nhiều ngành công nghiệp, từ thông tin truyền thông, giải trí, giáo dục đào tạo đến giao thông vận tải, khách sạn, phân phối, bán buôn và bán lẻ... Thế mạnh công nghệ mới cũng giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tư nhân giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống.

Chính xu thế này đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Mô hình kinh tế số đang trở thành xu hướng sống động, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có những thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển trong bối cảnh ngày nay.

Tại Việt Nam, các mô hình số hóa đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội. Tuy nhiên, họ cũng tạo ra những mâu thuẫn, thay đổi cơ bản với mô hình kinh doanh truyền thống. Trước viễn cảnh các mô hình số hóa sẽ tác động lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, việc giải quyết các bài toán này bằng các công cụ hành chính, chính sách cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài.

Hơn nữa, sự phát triển của các mô hình tổ chức và công nghệ vượt trội cũng đặt ra vấn đề rất lớn về nguồn nhân lực. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford và Tập đoàn tư vấn McKinsey đã đưa ra dự báo rằng: 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa trong 15 năm tới. Tỉ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam vì giá trị gia tăng của lực lượng lao động trong nước là rất thấp so với mức trung bình của thế giới. Do đó, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số ngày càng trở nên cấp bách.

Hướng đến kiến tạo nền tảng đối thoại giữa các bên

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế số VDE lập ra Diễn đàn kinh tế số Việt Nam (VDE Forum) để hướng đến việc kiến tạo nền tảng đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách quốc gia, các doanh nghiệp Việt Nam, các tập đoàn kinh tế toàn cầu và các chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam và thế giới. Hai mục tiêu chính của diễn đàn lần 2 này là chia sẻ tầm nhìn chiến lược cấp quốc gia và kinh nghiệm triển khai thực tế tại các tổ chức công và doanh nghiệp.

Tham dự Diễn đàn năm nay có 21 diễn giả là những chuyên gia cao cấp của các tổ chức trong nước và quốc tế về chính sách công, công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối Blockchain) đến đổi mới sáng tạo trong quản lý và mô hình kinh doanh, đã thu hút hơn 500 đại biểu là lãnh đạo Bộ, ngành và các địa phương, các lãnh sự quán, thương vụ tại TP.HCM, các khu vườn ươm, các khu khởi nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, đại diện các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế số, sáng lập viên của các startups đến các lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn, nhỏ cùng các cơ quan thông tấn, truyền thông tại Việt Nam và quốc tế.

Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn kinh tế số Việt Nam 2018, phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, cho biết, TP.HCM có nguồn lực về công nghệ thông tin, số người sử dụng Internet cao nhất cả nước và hiện có khoảng 80% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Đây là điều kiện thuận lợi để TP.HCM phát triển kinh tế số. Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cũng nhấn mạnh, các thông tin tại diễn đàn lần này sẽ giúp các sở, ngành, các doanh nghiệp, người dân TP.HCM hiểu biết đầy đủ hơn về kinh tế số, tạo sức lan tỏa thị trường kinh tế số, giúp TP.HCM phát triển nhanh, bền vững hơn.

Các chuyên gia kinh tế số đã trình bày hàng loạt tham luận và cùng tham gia các phiên thảo luận được khách tham dự nhìn nhận là có hàm lượng chuyên môn cao, như: kịch bản Kinh tế số Việt Nam, công nghệ số tác động đến các quyết định chiến lược của doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dịch vụ số hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông André Laperrière - tổng giám đốc của chương trình dữ liệu mở toàn cầu về nông nghiệp và dinh dưỡng (GODAN) của Liên hiệp quốc, cho biết: “Chương trình GODAN đã thiết lập hợp tác với 800 tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ và doanh nghiệp đến từ hơn 100 quốc gia. Chương trình này cũng mong muốn hợp tác với các tổ chức tại Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm sử dụng dữ liệu mở để nâng cao an toàn thực phẩm, góp phần cải thiện chế độ dinh dưỡng cũng như giảm bớt nguy cơ bệnh tật cho người dân”.

Theo ông Ryan Jacildo - chuyên gia kinh tế OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, phụ trách nghiên cứu mảng kinh tế số cho khu vực Đông Nam Á), thì một số thay đổi quan trọng về chính sách đào tạo nhân lực, hệ thống thanh toán, cũng như các chính sách bảo vệ thông tin và người tiêu dùng sẽ trở nên cần thiết để Việt Nam phát huy hiệu quả quá trình chuyển đổi số, tiếp tục duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao và ổn định như trong thời gian vừa qua.

Trong khi đó, ông Ludovic Bodin - đại sứ đầu tư quốc tế, France AI, cho rằng: “Công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi sâu sắc đến cách xã hội vận hành, cũng như vận mệnh của các doanh nghiệp. Do đó cần có chiến lược phát triển tổng thể và đồng nhất giữa các cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức nghiên cứu, các quỹ đầu tư công nghệ cũng như các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ ứng dụng dữ liệu và công nghệ trí tuệ nhân tạo”.

Trong vai trò là đơn vị đồng tổ chức, ông Vũ Ngọc Anh - sáng lập viên của Diễn đàn kinh tế số Việt Nam, đã chia sẻ kinh nghiệm của Pháp: “Từ một hệ thống kinh tế tập trung đầu tư vào các tập đoàn công nghiệp và dịch vụ liên quốc gia, Chính phủ Pháp và các đô thị lớn như Paris, Lyon, Lille đã mạnh dạn thí điểm triển khai các sáng kiến và dự án về luật, đầu tư, công nghệ, quản lý đổi mới sáng tạo, hướng đến việc đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ thành động lực phát triển của nền kinh tế Pháp trong quá trình phát triển kinh tế số”.

Diễn đàn kinh tế số Việt Nam 2018 còn có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế và những nhà hoạch định chính sách từ các tổ chức nhà nước và tỉnh thành.

Không dừng lại ở việc tổ chức Diễn đàn, VDE Forum 2018 còn hướng đến những hoạt động cụ thể để tạo ra những giá trị thiết thực, như: vận dụng công nghệ số hóa để kiến tạo các mô hình doanh nghiệp mới có tính cạnh tranh cao; kết nối doanh nghiệp trong nước và quốc tế để tận dụng các nguồn lực nội tại của cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM; kiến nghị các chính sách công nhằm tạo ra môi trường thuận lợi sự phát triển của doanh nghiệp số; kiến nghị các chính sách đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu nhân lực của kinh tế số...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn kinh tế số Việt Nam 2018: Gợi mở những giải pháp chiến lược cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO