Đi tìm tiêu chí xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại: Mô hình phố đi bộ ở các đô thị hiện đại

09/05/2008 09:50

Không thể chủ quan áp đặt, chặn đường, đập cái này, xây cái khác là có phố đi bộ thật sự. Cách làm đó chỉ có thể tạo ra các “phố cấm xe”, chứ không phải là phố đi bộ đúng nghĩa. Phố đi bộ là một mô hình quy hoạch đô thị đặc biệt, thường thấy ở nhiều thành phố hiện đại trên thế giới, nó đòi hỏi những đầu tư công phu và những chính sách quyết đoán của các địa phương, dựa trên những tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật rõ ràng, cụ thể.

Phố đi bộ là một mô hình quy hoạch đô thị đặc biệt, thường thấy ở nhiều thành phố hiện đại trên thế giới, nó đòi hỏi sự đầu tư công phu và một chính sách quyết đoán. Nếu chỉ hiểu “đi bộ” theo nghĩa đen và vội tiến hành “cấm đường chặn xe” để hình thành phố đi bộ thì khó lòng có thể tạo dựng được diện mạo văn hóa thực sự cho đô thị. Không chỉ đơn thuần là vấn đề quy hoạch và kiến trúc, mà còn là những vấn đề liên quan đến xã hội học, văn hóa, phát triển thương mại và du lịch ở đô thị - một mô hình phố đi bộ đa chức năng được nhiều nơi áp dụng.

Mô hình phố đi bộ thư giãn kết hợp với mua sắm được nhìn thấy ở Thượng Hải, Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur... Tại Amsterdam (Hà Lan), Copenhagen (Đan Mạch), Nam Kinh (Trung Quốc)..., ngoài những cửa hàng mua sắm thông thường còn có các hoạt động như trình diễn ca nhạc thời trang và triển lãm ngoài trời; có nơi dành cho các họa sĩ vẽ truyền thần thi thố tài năng, có nơi phục vụ các món ăn đặc sản, buôn bán hàng thủ công mỹ nghệ...

Mô hình mà nhiều người mong đợi nhất là sự kết hợp thư giãn, thương mại và văn hóa, không chỉ dựa vào những điều kiện sẵn có về khí hậu, cảnh quan, môi trường và kiến trúc mà còn đòi hỏi những giải pháp quy hoạch mạnh mẽ và táo bạo. Thành phố Munich (Đức) có khu phố đi bộ bao quanh quảng trường Marienplatz, một khu cổ tại trung tâm thành phố. Kề sát nó là cung điện Ludwig Maximilian của ông hoàng xứ Bayern xưa. Trên một diện tích không lớn lắm (chỉ độ vài km2) có tới gần 30 nhà thờ với nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, được phục chế gần như nguyên vẹn. Sự hiện diện của cái mới, cái hiện đại là vô vàn các cửa hiệu lớn nhỏ lúc nào cũng tấp nập khách. Trong công viên, trên quảng trường, ở tòa thị chính hay đơn giản chỉ một khúc ngoặt giao nhau của hai con phố, đâu đâu cũng thấy chim bồ câu.

Một khu phố đi bộ đúng nghĩa phải là khu phố có đủ 10 tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật sau: mặt đường được lót đá; có những mảng xanh trên đường phố; có ghế ngồi nghỉ chân; có không gian cô đọng, bố trí hài hòa, cảnh quan đẹp; có các quảng trường cổ, nơi tập trung nhiều di tích và các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa; có nhiều cửa hiệu, quầy dịch vụ và trung tâm mua sắm lớn; có nhà vệ sinh công cộng; có mạng lưới vận tải công cộng hoàn chỉnh; có thể kết nối được với những tuyến đường, những cụm công trình khác; có hệ thống bãi đậu xe.

Muốn có phố đi bộ thực sự, không thể chủ quan áp đặt, chặn đường, đập cái này, xây cái khác là có phố đi bộ. Cách làm đó may chăng chỉ có thể tạo ra các “phố cấm xe”. Phố đi bộ hình thành do chính những người dân sống, làm việc và các cơ sở dịch vụ nơi đây tự nguyện làm vì họ cảm thấy có nhu cầu và được hưởng quyền lợi theo quy luật tự nhiên. Điều cơ bản là chính quyền địa phương phải có chính sách ưu đãi phù hợp với lợi ích đó và cải tạo hệ thống kỹ thuật hạ tầng cho phù hợp. Cần phải có sự nghiên cứu một cách có hệ thống, và còn rất nhiều việc phải làm như xây dựng bãi đậu xe, cầu vượt hay hầm vượt, cải tạo mạng lưới điện và các hệ thống thoát nước, đèn đường, mái che mưa và giao thông công cộng. Đây là công trình có tác động đến tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa xã hội đến môi sinh, môi trường, nhận thức và nếp sống của người dân. Nhiều khi, chỉ một chi tiết thiếu đồng bộ thôi cũng có thể làm hỏng cả câu chuyện lãng mạn của phố đi bộ - chẳng hạn như việc giữ xe với giá cao hơn nơi khác! v

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm tiêu chí xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại: Mô hình phố đi bộ ở các đô thị hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO