Đề xuất quy định thế chấp quyền sử dụng, tài sản gắn liền với khu vực biển

T.V| 02/10/2020 12:25

KHPTO - Bộ tài nguyên và môi trường đang dự thảo Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh.

Theo dự thảo, điều kiện để tổ chức, cá nhân Việt Nam được thế chấp tài sản gắn liền với khu vực biển được giao; thế chấp quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển được giao tại các tổ chức tín dụng Việt Nam được đề xuất như sau:

Tổ chức, cá nhân quy định tại Khoản 2, Điểm a Khoản 3 và Điểm a Khoản 4 Điều 46 Luật thủy sản được thế chấp tài sản gắn liền với khu vực biển trong thời hạn được giao tại tổ chức tín dụng Việt Nam theo quy định của pháp luật khi đáp ứng các điều kiện sau: 1. Tài sản gắn liền với khu vực biển không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; 2. Khu vực biển được giao không có tranh chấp; 3. Khu vực biển đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định giao khu vực biển và cấp giấy chứng nhận.

Tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điểm a Khoản 4 của Điều 46 Luật thủy sản được thế chấp quyền sử dụng khu vực biển trong thời hạn được giao tại tổ chức tín dụng Việt Nam theo quy định của pháp luật khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điểm 2, Điểm 3 nêu trên.

Dự thảo nêu rõ, đăng ký quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển là bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để quản lý. Đăng ký quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển gồm đăng ký lần đầu do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện.

Đăng ký biến động do tổ chức, cá nhân thực hiện tại cơ quan quản lý nhà nước về biển và hải đảo (cơ quan đăng ký) bằng hình thức đăng ký trên giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.

Theo dự thảo, các trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển được giao gồm: 1. Đăng ký thế chấp quyền sử dụng khu vực biển; 2. Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với khu vực biển mà khu vực biển đã được đăng ký nhưng không được thế chấp quyền sử dụng khu vực biển; 3. Đăng ký thế chấp quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển; 4. Đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký; 5. Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý quyền sử dụng khu vực biển và tài sản thế chấp; quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển thế chấp và tài sản gắn liền với khu vực biển thế chấp trong trường hợp đã đăng ký thế chấp; 6. Xóa đăng ký thế chấp.

Việc đăng ký thế chấp nêu trên được thực hiện đối với các trường hợp thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên thế chấp, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của tổ chức, cá nhân khác hoặc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của cả bên thế chấp và của tổ chức, cá nhân khác.

Thời điểm có hiệu lực của đăng ký thế chấp quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển được đề xuất như sau: trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào Sổ đăng ký cho đến thời điểm xóa đăng ký biện pháp bảo đảm. Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản gắn liền với khu vực biển thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm nội dung đăng ký được cập nhật vào Sổ đăng ký hoặc cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.

Trường hợp đăng ký thay đổi do bổ sung tài sản bảo đảm mà các bên không ký kết hợp đồng bảo đảm mới hoặc do bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm và tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo đảm các bên không có thỏa thuận về việc bảo đảm cho các nghĩa vụ phát sinh trong tương lai, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản bổ sung hoặc nghĩa vụ bổ sung là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký thay đổi vào Sổ đăng ký hoặc cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.

Tài sản gắn liền với khu vực biển được giao của dự án nuôi trồng thủy sản thuộc trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm: các phương tiện giao thông thuộc dự án nuôi trồng thủy sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lồng, bè, công trình xây dựng phục vụ nuôi trồng thủy sản; máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, các hàng hóa khác phục vụ nuôi trồng thủy sản; vốn góp trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp; cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, chứng chỉ quỹ, séc và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch; các khoản phải thu hợp pháp của tổ chức, cá nhân, pháp nhân từ khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất quy định thế chấp quyền sử dụng, tài sản gắn liền với khu vực biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO