Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn vay ODA

Theo TTXVN| 02/07/2020 01:03

KHPTO - Tại buổi làm việc với UBND TP.HCM vừa qua, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong thời gian qua, thành phố là địa phương triển khai dự án ODA nhiều nhất cả nước và đã hết sức tập trung nguồn lực triển khai cũng như giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với vấn đề chênh lệch tỷ giá đồng tiền Yên (Nhật Bản) và Việt Nam đồng trong vốn đầu tư dự án tuyến Metro số 1, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thông tin, về cơ bản Chính phủ đã thống nhất sử dụng tiền Yên (Nhật Bản) cho Hiệp định vay và trả bằng tiền Yên Nhật, Bộ tài chính cần thống nhất lại hướng dẫn cho UBND TP.HCM. Đầu tháng 7 tới, Bộ tài chính sẽ trả lại nguồn vốn thành phố đã tạm ứng cho dự án (4.149 tỷ đồng).

Về một số vấn đề liên quan đến các dự án ODA khác, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, các bộ ngành và thành phố cần tranh thủ thời gian để được hưởng ưu đãi vốn ODA khi triển khai dự án giao thông xanh, phát hiện các hiệp định vay sắp hết hạn để kịp thời gian hạn, hoàn tất thủ tục nội bộ trước khi yêu cầu phía nhà tài trợ gia hạn vốn vay. Đối với các dự án mới theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2026, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lưu ý thành phố cân nhắc vốn vay, tính đến hiệu quả dự án vì thời gian qua có nhiều địa phương vay vốn ODA làm dự án xử lý nước thải chưa hiệu quả.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố có đủ năng lực giải ngân vốn ODA nhưng lâu nay việc giải ngân diễn ra chậm do vướng mắc từ nhiều cơ quan. Đơn cử với tuyến Metro số 1, do vướng mắc trong vấn đề tỷ giá đồng Yên (Nhật Bản), Việt Nam đồng. Theo đó, trong tháng 5/2019 UBND thành phố đã xin ý kiến Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ tài chính, đến tháng 8/2019 Bộ tài chính có văn bản trả lời nhưng chưa nhận được sự thống nhất từ Bộ kế hoạch và đầu tư. Đến tháng 12/2019 UBND thành phố tiếp tục có văn bản xin ý kiến 2 bộ nói trên nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời.

“Vì thế thành phố mong trung ương sớm giải quyết vướng mắc cho tuyến Metro số 1 vì đây là dự án ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động giao thông công cộng có sức chứa lớn sử dụng vốn vay ODA. Thành phố đã tạm ứng số tiền 4.149 tỷ đồng. Nếu nguồn vốn này được hoàn trả sẽ nâng tỷ lệ giải ngân đầu tư công của thành phố lên rất cao. Đối với dự án tuyến Metro số 2, theo kế hoạch hết tháng 6/2020 sẽ hoàn tất bàn giao mặt bằng nhưng đến nay vẫn còn một số quận chưa hoàn tất. Dự kiến bước sang năm 2021, thành phố sẽ khởi công dự án này”, chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thêm.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, hiện thành phố có 9 dự án ODA; trong đó có 6 dự án nhóm A và 3 dự án nhóm B, với tổng mức đầu tư gần 123.000 tỷ đồng; trong đó vốn ODA là 102.000 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của thành phố. Giai đoạn 2016 - 2020 kế hoạch trung hạn vốn ODA là 20.365 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, thành phố đã giải ngân vốn ODA được 1/5 so với kế hoạch đề ra.

Theo UBND thành phố, nguyên nhân giải ngân chậm là do một số dự án đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện, điều chỉnh tổng mức dự án như dự án giao thông xanh, dự án vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2, tuyến Metro số 1, tuyến Metro số 2, một số dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị kế hoạch lựa chọn nhà thầu...

Về một số dự án ODA trọng điểm, theo lãnh đạo UBND TP.HCM, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (tổng mức sau điều chỉnh hơn 43.757 tỷ đồng) dự kiến hoàn thành và đưa vào khái thác từ quý 4/2021. Từ đầu năm 2020 đến ngày 22/6 dự án đã giải ngân 645 tỷ đồng, đạt 4,9% so với kế hoạch được giao. Tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2016 đến năm 2026. Từ đầu năm 2020 đến ngày 22/6 đã giải ngân được hơn 1.078 tỷ đồng.

Trong khi đó tuyến Metro số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) có tổng mức đầu tư 1,519 tỷ Euro đã có cam kết vốn từ Ngân hàng phát triển châu Á, Ngân hàng tái thiết Đức, Ngân hàng đầu tư châu Âu. Hiện Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) đã trình UBND thành phố hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Tuyến Metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên) đã trình Bộ kế hoạch và đầu tư hồ sơ cập nhật đề xuất dự án. Các tuyến còn lại (theo quy hoạch thành phố có 8 tuyến metro) đang kêu gọi đầu tư.

UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương chưa giải ngân cho dự án Metro số 1 bằng tỷ giá Yên Nhật là 17,814 tỷ Yên được quy đổi thành tiền Việt Nam đồng theo từng thời điểm thanh toán làm cơ sở để bố trí bổ sung kế hoạch vốn năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn vay ODA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO