Đề xuất cho dự án khơi sâu luồng ra biển

06/06/2008 16:29

Theo Cục hàng hải, sông Hậu và sông Tiền có tới 13 cảng hoạt động. Vậy mà 70% lượng hàng hóa xuất khẩu phải trung chuyển lên các cảng TP. Hồ Chí Minh (cứ mỗi tấn hàng qua trung chuyển lại phải tốn thêm 7 - 10 USD) - do cửa Định An bị bồi lấp (lúc cạn chỉ còn 2,5 - 3 m) khiến tàu trọng tải lớn không thể vào được.

Bộ giao thông vận tải vừa phê duyệt dự án đào một con kênh từ biển vào kênh Quan Chánh Bố dài 9 km, rộng 85 - 150 m và sâu 6,5 - 9,5 m, nối với cả sông Tiền và sông Hậu. Ở cửa kênh (phía biển) có hai đê chắn cát rộng 60 m, cao 8 m, dài lần lượt là 2,5 km và 1,5 km. Ngoài ra, còn có một cầu quay, một bến phà dùng cho lưu thông bộ… Tổng kinh phí đầu tư khá lớn. Các nhà hoạch định dự án chắc chắn đã cân nhắc, tính toán kỹ… song nếu khởi công trong năm 2008 thì sau 6 - 7 năm dự án mới hoàn thành. Chính vì vậy mà nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đã có một số đề xuất...

Dùng cát nạo vét ở Định An để lấn biển

Cát là nguồn tài nguyên quý giá, được tái tạo liên tục. Định An là cửa biển rộng của một con sông dài - lợi thế mà không phải nước nào cũng có được.

Bờ biển của nước ta dài tới hàng ngàn kilômét, nhiều nơi là những bãi bồi. Nếu để bồi tự nhiên trở thành đất liền thì phải chờ nhiều chục năm nữa. Vậy tại sao ta không dùng một số công nghệ mới để làm kè lấn biển! Chúng tôi đề xuất nên sử dụng “cọc ván bê tông cốt thép dự ứng lực dạng sóng” để làm kè, sau đó dùng cát nạo vét ở cửa Định An để san lấp lấn biển.

Cát ở Định An là cát đen có lẫn phù sa… nên lấn biển tới đâu thì ta có thể trồng được các loại cây phát triển tốt ở vùng nước lợ tới đó và chỉ vài năm sau đã có thể xây dựng được nhiều công trình trên đất này. Thị xã Rạch Giá (Kiên Giang) đã làm như vậy và TP. Hồ Chí Minh cũng đang triển khai công trình lấn biển ở Cần Giờ. Nếu được như thế thì trong tương lai không xa sẽ có thêm hàng chục vạn hecta đất lấn biển. Điều hết sức có ý nghĩa trong điều kiện dân số nước ta ngày càng cao trong khi diện tích đất ngày càng bị thu hẹp; nếu nhà nước có chính sách ưu đãi, như cho vay vốn dài hạn, miễn tiền thuê đất lấn biển 50 năm chẳng hạn…, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư hưởng ứng chủ trương này.

Dùng cát nạo vét ở Định An để tôn cao nền các khu công nghiệp và khu đô thị

Trong quá trình công nghiệp hóa, nhiều khu công nghiệp được hình thành ở vùng đất xấu, thấp… rất cần tôn cao nền. Các thành phố, thị xã, thị trấn… ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ được mở rộng trong thời gian tới cũng cần đến hàng chục, hàng trăm triệu mét khối cát, đất, đá…

Cát nạo vét ở luồng Định An dùng để lấn biển, để tôn cao nền các khu công nghiệp, các đô thị mới… hay là đem bán cho Nhật Bản, <_st13a_country-region w:st="on"><_st13a_place w:st="on">Malaysia… như ý định của một vài người có trách nhiệm? Xin các nhà quản lý kinh tế, các nhà khoa học hãy tính toán kỹ và chọn giải pháp nào tối ưu để đem lại lợi ích lâu dài cho đất nước.

Khi luồng Định An đủ sâu và thông thoáng, nước lũ sẽ thoát ra biển nhanh hơn, giảm ngập sâu ở các tỉnh thượng nguồn và giảm sạt lở bờ sông. Nếu dự án đào kênh từ biển vào kênh Quan Chánh Bố vẫn được thực hiện, thì sau 6 - 7 năm nữa tuyến cảng biển sông Hậu có được hai luồng thông ra biển - không những có lợi cho gần 20 triệu dân đang sinh sống tại đồng bằng sông Cửu Long mà cho cả một số tỉnh nước bạn Campuchia. v

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất cho dự án khơi sâu luồng ra biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO