Để nuôi cá dĩa thành công

PHƯỢNG VỸ| 10/07/2019 08:10

KHPTO - Cá dĩa là giống cá khó nuôi so với các loài cá cảnh nước ngọt nhiệt đới khác, tuy nhiên, nếu nuôi đúng kỹ thuật và chú ý đến các đặc tính sinh học của cá, người nuôi sẽ có được thành công như ý.

Trung tâm khuyến nông TP.HCM có lưu ý như sau: Cá dĩa rất nhạy cảm với tiếng ồn, các chấn động và ánh sáng nên dễ bị stress. Giống cá này có điểm khác biệt so với các loài động vật máu nóng là nhiệt độ của chúng sẽ thay đổi theo môi trường sống xung quanh. Do vậy, không nên có sự thay đổi quá lớn và đột ngột về nhiệt độ sẽ làm rối loạn quá trình trao đổi chất gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển và sinh sản của cá, tốt nhất là để ở nhiệt độ từ 26 – 28 độ C, đối với cá con (từ 5 - 6 cm) nhiệt độ từ 28 – 30 độ C. Ngoài ra, bể nuôi cá dĩa cũng nên đặt ở nơi kín gió, nhiệt độ ổn định, nên sử dụng thêm thanh sưởi để kiểm soát nhiệt độ môi trường sống của chúng.

Xử lý nước trước khi thả cá giống

Cá dĩa chỉ sinh tồn ở môi trường nước trong, cần loại bỏ hóa chất chlorin có trong nước bằng cách sục oxy và phơi nước trong vòng 48 giờ. Nguồn nước thả giống nếu nước máy quá đục cần phải lọc, sục khí ozon 0,25 - 1 mg/10 lít nước/giờ. Kiểm tra độ pH, nên điều chỉnh ở mức 6 - 7. Sử dụng nước giếng cũng cần phải lọc cơ học, lọc hóa học (than hoạt tính), sau đó cho nước này vào bồn chứa có san hô hoặc vỏ sò để cải thiện nồng độ pH (khi pH dưới 5). Quá trình nuôi cá cũng làm sản sinh một số chất hóa học như: amonia (N-NH3), nitrit (NO2), nitrat (NO3), các chất này xuất hiện do quá trình phân hủy của các chất hữu cơ có trong nước do thức ăn dư thừa hay phân cá sinh ra. Cần tăng cường nồng độ oxy hòa tan vào trong nước, việc này sẽ thúc đẩy quá trình phân hủy của các chất hữu cơ. Đồng thời, việc thổi khí oxy cũng giúp giải phóng khí độc ra khỏi môi trường nước.

Chọn giống và chăm sóc

Sau khi đã xử lý nước, tiến hành chọn giống thả vào hồ nuôi. Giống cá bố mẹ nên chọn màu sắc theo ý muốn, thân hình tròn, đầy đặn, khỏe mạnh, kỳ vây nguyên vẹn, phản xạ nhanh nhẹn. Chọn giống cá con cần biết rõ nguồn gốc của cá bố lẫn cá mẹ, đàn cá khỏe mạnh, đồng đều, phản xạ nhanh nhẹn. Trước khi tiến hành thả giống cần xử lý môi trường nước để gần giống với nước nơi cá đang sống (pH, nhiệt độ, độ cứng...), cùng với đó phải lọc tuần hoàn, tăng nhiệt và sục khí, thả bao cá giống vào hồ (20 - 30 phút) để cân bằng nhiệt độ, rồi tắm cá trước khi thả trong dung dịch formol (37%) với nồng độ 100 ppm (100 ml/1.000 lít nước) trong vòng 5 - 10 phút. Khi tiến hành thả cá vào hồ cần thả từ từ, cách ly cá mới mua về trong 2 tuần để theo dõi.

Cá khi được thả vào hồ, cần được chăm sóc tỷ mỉ, cho ăn thức ăn phù hợp và liều lượng vừa phải. Theo đó, cá 15 - 30 ngày tuổi cho ăn artemia, bo bo. Đến 1 tháng tuổi trở đi cho ăn trùn chỉ, lăng quăng và từ 3 tháng tuổi trở đi cho ăn trùn chỉ, lăng quăng, thịt xay, cá con. Ngoài ra, có thể cho cá ăn thức ăn chế biến từ tim bò, thịt bò, tôm tươi. Lưu ý, cho cá ăn trong máng ngày 2 - 4 lần, cho ăn vừa đủ hoặc hơi thiếu, nếu để thức ăn thừa trong hồ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước. Chăm sóc cá cũng cần chú ý để ánh sáng vừa phải và nên bố trí đèn chuyên dùng cho cá. Thường xuyên kiểm tra độ pH và không chênh lệch quá 1 độ/ngày - đêm. Đồng thời, phải chú ý thay nước thường xuyên. Đối với cá dưới 3 tháng tuổi, thay nước 1 lần/ngày, mỗi lần 20 - 30%; cá trên 3 tháng tuổi, thay 1 - 2 lần/ngày, mỗi lần 20 - 80%. Nếu quản lý chất lượng nước và thức ăn tốt, nuôi với mật độ thấp thì có thể thay nước ít hơn 2 lần/tuần. Quá trình nuôi, cần chuyển cá sang hồ mới và thời gian chuyển cá là cứ 1,5 - 2 tháng/lần, lưu ý trước khi chuyển cá sang hồ mới cần chuẩn bị nước trước ít nhất 2 ngày. Đến thời kỳ cá sinh sản nên chuyển cá bố mẹ sang hồ riêng biệt và có chế độ chăm sóc đặc biệt trong giai đoạn cá đẻ và nuôi con.

2_7

3_5

4_1

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để nuôi cá dĩa thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO