Để làng nghề đan lát tồn tại và phát triển

P.C| 29/09/2020 16:12

KHPTO - Với hơn 100 năm hình thành và phát triển, làng nghề đan lát Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) đã từng bước khẳng định vị trí của mình trong nền thủ công truyền thống của thành phố.

Theo những hộ dân tại đây, vào những năm 2000 trở về trước, toàn địa bàn xã Thái Mỹ có 7 ấp và mỗi ấp là một làng nghề đan lát với một sản phẩm đặc trưng như ấp Mỹ Khánh A, Mỹ Khánh B chuyên sản xuất nia; ấp Bình Thượng 1, Bình Thượng 2 làm thúng, sọt tre; ấp Bình Hạ Đông, Bình Hạ Tây làm dần, sàng; ấp Tháp làm rổ, rá... Nghề đan lát vốn dĩ không khó nên từ già tới trẻ đều làm được, từ đó hình thành nên làng nghề đan lát xã Thái Mỹ với khoảng 1.800 hộ và 4.000 lao động theo nghề vào thời kỳ cao điểm.

Nhưng bắt đầu từ những năm 2010 trở lại đây, do giá trị kinh tế mang lại không cao, nhu cầu thị trường chủ yếu chuộng những sản phẩm tiện dụng làm từ nhựa, nhôm, inox... nên số người gắn bó với nghề ngày càng ít. Mặt khác, do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh chóng cũng khiến nguyên liệu đầu vào như tre, trúc, mây không đáp ứng đủ, giá cả đầu ra sản phẩm thấp nên thanh niên trong làng không còn gắn bó với nghề.

Hiện nay, làng nghề mây tre đan giỏ trạc, nong, nia, thúng, rổ... vẫn duy trì trạng thái phân chia ở mỗi ấp, mỗi xóm sản xuất một sản phẩm chuyên biệt. Chẳng hạn như ấp Mỹ Khánh thì chuyên đan giỏ, dần, sàng; ấp Bình Hạ thì đan rổ, thúng... hay như ấp Cây Trôm chuyên làm bồ cật, bồ ruột; xã Tân An Hội thì làm rổ, rá... và đến nong, nia, thúng được sản xuất ở xã Thái Mỹ. Theo thống kê, hiện có khoảng 300 hộ dân đang bám trụ với nghề.

Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng tính đến nay, các mặt hàng đan lát tại đây không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Để giữ gìn làng nghề đan lát truyền thống, UBND và Hội liên hiệp phụ nữ xã Thái Mỹ đã có nhiều nỗ lực như vận động người dân trồng tre, trúc, hỗ trợ vay vốn mua nguyên liệu từ các nguồn như: Quyết định 655, Đề án phát triển làng nghề 3981 của UBND TP.HCM... Tuy nhiên, khó khăn để duy trì và phát triển làng nghề xuất phát từ nhiều yếu tố như: chưa đem lại thu nhập cao (trung bình mỗi người chỉ kiếm được khoảng 50.000 đồng/ngày), thị trường tiêu thụ hẹp... Do vậy, để không mai một làng nghề truyền thống đã tồn tại hơn 100 năm qua, cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà đầu tư... từ đó, làng nghề có cơ hội vươn lên và phát triển mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để làng nghề đan lát tồn tại và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO