Để làm tốt bài thi đại học

ANH THƯ| 03/07/2009 18:32

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2009 về cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp 3 chung như năm 2008, chỉ có một số thay đổi ở phần khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh, thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài... Một số kinh nghiệm sau đây có thể giúp thí sinh vượt qua những khó khăn thường gặp lúc làm bài thi.

Cấu trúc đề thi

Cấu trúc đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo đề thi chung của Bộ giáo dục và đào tạo được ra theo chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đối với các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi mỗi môn gồm 2 phần: phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao; phần riêng ra theo từng chương trình (chương trình chuẩn và chương trình nâng cao). Thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài. Đối với các môn ngoại ngữ, đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng.

Để làm bài tốt

Các bạn có thể tham khảo kinh nghiệm của anh Trương Liêm, từng đoạt giải nhất môn sinh học toàn quốc năm 2001, huy chương bạc Olympic quốc tế sinh học năm 2001. Theo anh, các thí sinh nên dành 10 phút đầu trong buổi thi đọc câu hỏi, 10 phút cuối kiểm tra lại bài làm. Phân phối một lượng thời gian hợp lý cho mỗi câu hỏi, đừng nhảy vào trả lời ngay lập tức. Sắp xếp các câu theo thứ tự từ dễ đến khó. Tùy thuộc vào thời gian làm bài, số câu, số điểm của từng câu, phân bố thời gian cho mỗi câu một cách hợp lý. Khi thời gian cho một câu nào đó đã hết, dù câu trả lời chưa hoàn chỉnh cũng lập tức chuyển sang câu kế tiếp. Khi gặp những câu dễ, ta thường có khuynh hướng viết ra hết những gì mình biết về chủ đề có liên quan. Hệ quả là ta sử dụng quá nhiều thời gian cho những câu hỏi này trong khi số điểm thu được từ những thông tin vặt vãnh là không đáng kể. Mặt khác, khi gặp những câu hỏi hóc búa, ta thường có xu hướng suy nghĩ cho đến khi tìm ra câu trả lời mới thôi, khi tìm ra câu trả lời thì thời gian dành cho những câu còn lại đã không còn. Do đó, khi thời gian dành cho một câu hỏi sắp hết, hãy nhanh chóng kết thúc nó và bắt đầu xử lý câu kế tiếp.

Nên làm câu dễ trước, câu khó sau. Có 3 lý do quan trọng để nên làm như vậy: việc giải quyết thành công các câu hỏi đơn giản ngay vào lúc mới bắt đầu cuộc thi giúp bạn thêm tự tin; nó khởi động và kích thích dòng suy nghĩ, trí nhớ và khả năng suy luận, giúp bạn sẵn sàng hơn khi bước vào xử lý các câu hỏi khó; bạn chắc chắn sẽ thu được một số điểm đáng kể trong một khoảng thời gian ngắn, tiết kiệm thời gian cho những câu hỏi tiếp theo.

Bạn không giải được một câu hỏi khó, bạn mất tự tin và không thể tập trung để làm các câu còn lại, làm thế nào để thoát khỏi tình trạng này? Đừng bao giờ tự nhủ: “Không được mất tập trung. Không được mất tập trung...”, nó không những không giúp bạn thoát khỏi trạng thái này mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng tâm lý. Việc bạn cần làm là tạm nghỉ ít phút, suy nghĩ về một chuyện nào đó hoàn toàn không liên quan đến việc học hành thi cử, sau đó tiếp tục làm bài thi. Hãy thử thực hiện gợi ý trên và bạn sẽ ngạc nhiên về khả năng tái tập trung vào nhiệm vụ quan trọng trước mắt của mình. Làm thế nào để “suy nghĩ về một chuyện hoàn toàn không liên quan đến việc học hành thi cử”? Sau đây là cách anh Trương Liêm thường dùng: “Tôi tự hỏi mình: “Trưa nay mình ăn gì?”, “Sáng nay mình đã gặp những người nào?”, “Tối qua mình xem chương trình truyền hình gì?”... Mục đích của những câu hỏi trên là buộc bạn phải suy nghĩ về một chuyện khác ngoài việc làm bài thi, nó giúp giải tỏa sức ép tâm lý nặng nề mà bạn đang gánh chịu. Sau khi đặt câu hỏi, suy nghĩ và trả lời những câu tương tự như vậy, bạn sẽ sẵn sàng tiếp tục làm bài thi trong trạng thái tâm lý tốt hơn.

Thời gian thi rất dài, viết liên tục trong vòng mấy tiếng đồng hồ sẽ khiến cho chúng ta xuống sức, mệt mỏi, thiếu sáng suốt, vì vậy bạn cần sắp xếp vài lần nghỉ giải lao ngắn trong buổi thi. Ví dụ: nghỉ giải lao 2 lần, mỗi lần 5 phút trong cuộc thi kéo dài 3 tiếng.

Đối với các công thức quá phức tạp và bạn không còn nhiều thời gian để thuộc lòng nó, hãy thử làm như sau: đọc kỹ và ráng nhớ các công thức ấy ngay trước khi vào phòng thi. Ngay sau khi giám thị phát giấy nháp, viết chúng vào giấy, sau đó quên nó đi để cho đầu óc được thanh thản.

Các bạn cần lưu ý là không bao giờ nên ra về trước khi thời gian làm bài kết thúc. Ở lại cho đến phút chót, kiểm tra, bổ sung, điều chỉnh những câu trả lời.

Nếu bạn nhận ra mình vẫn chưa trả lời một câu hỏi lý thuyết và thời gian đang cạn dần, chỉ còn 2 phút, bạn nên làm thế nào? Đừng bỏ cuộc, hãy viết vào bài thi bản liệt kê ngắn gọn các luận điểm, các ý chính, các sự kiện có liên quan đến câu hỏi. Hai nguyên tắc cần thiết khi liệt kê các ý này: chỉ viết các từ khóa, không đi vào chi tiết; liệt kê các ý theo đúng thứ tự mà bạn sẽ trình bày trong câu trả lời hoàn chỉnh nếu như bạn có đủ thời gian. Hãy thực hiện các bước trên để có được ít nhất một phần số điểm phân bố cho câu hỏi ấy.

Khi kiểm tra lại bài làm vào cuối giờ thi, đôi khi bạn nghi ngờ câu trả lời của mình và muốn đổi sang câu trả lời khác. Trừ khi bạn chắc chắn rằng câu trả lời đầu tiên là sai, còn không thì không nên thay đổi câu trả lời.

ANH THƯ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để làm tốt bài thi đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO