ĐBSCL: Giải pháp nào cho nạn sạt lở bờ sông?

23/05/2008 15:30

Vào các ngày 10 và 11/5/2008 vừa qua, ở ĐBSCL đã xảy ra sạt lở một số nơi tại Ninh Kiều, Bình Thủy (TP. Cần Thơ), và tại Đầm Dơi (Cà Mau), làm hàng chục ngôi nhà sụp đổ xuống sông, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Sạt lở ngay vào đầu mùa mưa là một hồi chuông cảnh báo cho người dân và chính quyền địa phương đang sống trong những vùng có nguy cơ cao.

Các nơi cảnh báo!

Theo đánh giá của ngành chức năng, trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra ngày càng nhiều, tác động đến an toàn giao thông thủy, bảo dưỡng dòng sông và đời sống của nhân dân trong vùng. Theo Viện khoa học thủy lợi miền Nam thì hiện nay, ĐBSCL có 5 khu vực trọng điểm - thị trấn Tân Châu (An Giang), sông Vàm Nao (An Giang), Sa Đéc (Đồng Tháp), bờ sông Hậu và rạch Bình Di (An Giang) ở biên giới Việt Nam - Campuchia và thị trấn Năm Căn (Cà Mau) - là những điểm có nguy cơ sạt lở rất cao, nhất là trong mùa mưa lũ.

Cảnh sạt lở ở thị trấn Ngã Sáu, Châu Thành, Hậu Giang cách nay hơn hai năm

Liên đoàn bản đồ địa chất miền Nam cảnh báo dọc sông Hậu có 24 điểm sạt lở thống kê được, trong đó khu vực bến phà Cần Thơ là một trong các điểm đáng chú ý nhất. Gần đây, trên địa bàn TP. Cần Thơ đã xảy ra sạt lở ở Cái Cui, Cái Sâu, Bùng Binh, Bến Bạ (Cái Răng), đầu Cồn Tân Lộc (Thốt Nốt),â Cồn Sơn (Bình Thủy) - ít nhất là 16 điểm - do nạn khai thác cát trên sông Hậu làm thay đổi dòng chảy và do lưu lượng cao tàu thuyền qua lại.

Còn tại Vĩnh Long, theo thống kê sơ bộ, có trên 56 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 76 km, chiều sâu 0,5 - 2 m/năm; trong đó có đoạn rạn nứt lớn 600 m dọc rạch Thông Lưu ở xã Tân Bình (Bình Tân). Cách đây không lâu, một đoạn đê bao khép kín ven sông Đông Thành (Bình Minh) cũng bị sạt lở, dài chừng 50 mét, rộng gần 4 mét, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ gia đình. Mỗi năm Vĩnh Long mất khoảng 2,3 ha đất do sạt lở và có khoảng 1.500 hộ dân phải di dời.

Sóc Trăng cũng là địa phương đang có báo động sạt lở: từ bốn năm qua, nhiều hộ dân ven sông Hậu của hai xã Song Phụng (Long Phú) và Nhơn Mỹ (Kế Sách) luôn trong tâm trạng phập phồng lo sợ. Hậu Giang có thị trấn Ngã Sáu của huyện Châu Thành cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự...

Giải pháp nào là căn cơ?

Theo Cục địa chất và khoáng sản Việt Nam (Bộ tài nguyên - môi trường), các nguyên nhân sạt lở bao gồm yếu tố thủy lực dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông, vận động kiến tạo và hoạt động kinh tế - xã hội (ghe tàu, khai thác cát, xây nhà lấn chiếm dòng sông...).

Cách đây mấy năm, TS. Lê Sâm (Viện khoa học thủy lợi miền Nam), cho biết hầu hết chính quyền các địa phương trong khu vực bị sạt lở đã khuyến cáo người dân sống ven sông nên trồng cỏ, thả lục bình, bỏ đất vào bao nylon để sát kè sông trong khi chờ địa phương xây dựng kè kiên cố. Song đây chỉ là giải pháp tình thế, còn trong tương lai thì các cơ quan chuyên ngành, cụ thể như Viện khoa học thủy lợi miền Nam, sẽ phối hợp chặt chẽ với từng địa phương để có kế hoạch bền vững.

Trong hơn 40 năm qua, ở ĐBSCL đã có ít nhất 32 người chết và 2.200 căn hộ bị sụp đổ. Điều này cũng đủ nói lên các dòng sông đã “nổi giận” như thế nào khi con người phá vỡ thế tự nhiên của sông nước. v

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Giải pháp nào cho nạn sạt lở bờ sông?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO