Dạy nghề tạo việc làm cho vùng nông thôn, khó hay dễ?

PHÚC TẦN| 17/11/2020 11:03

KHPTO - Nhiều địa phương gặp khó khăn trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, một phần do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến cơ hội việc làm nông nghiệp ngày càng ít, phần khác do lao động trẻ chưa thiết tha với chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cơ hội việc làm tại chỗ cũng chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Tại quận Thủ Đức, công tác đào tạo nghề nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhu cầu học nghề nông nghiệp giảm mạnh. Số liệu 2 năm qua cho thấy, toàn huyện chỉ thu hút được 98 người học nghề nông nghiệp. Số người làm nghề nông nghiệp cũng giảm đáng kể, chỉ còn 351 hộ. Dù địa phương này đã triển khai chính sách hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho người học nghề nông nghiệp thế nhưng cũng rất khó thu hút lao động tham gia học nghề. Một số huyện khác không có khu công nghiệp, khu chế xuất, do vậy nhu cầu tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm tại chỗ chưa cao.

Mặt khác, mức hỗ trợ tiền học phí và tiền ăn cho người học nghề chưa phù hợp, nên khó thu hút người lao động nhàn rỗi ở nông thôn đi học nghề để có điều kiện giảm nghèo. Một nguyên nhân nữa khiến khó thu hút lao động học nghề là do công tác đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương.

Để giải bài toán trên, theo các nhà chuyên môn, công tác đào tạo nghề tại các địa phương cần có sự chuyển biến mạnh về mô hình, chương trình, phương thức đào tạo.

Bên cạnh đó, phải đào tạo những kỹ năng và kiến thức cơ bản cần thiết để người lao động dễ chuyển đổi nghề nghiệp, có tư duy sáng tạo mang tính liên ngành, thích nghi với thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục của thị trường lao động. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức cho người dân về học nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là lao động trẻ.

Trong thời gian tới, TP.HCM tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố như: hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, lươn, bò thịt, chim yến…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạy nghề tạo việc làm cho vùng nông thôn, khó hay dễ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO