Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã kiểu mới - Giải pháp phát triển kinh tế tập thể

NHƯ NGỌC| 05/09/2021 05:51

KHPTO - Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã TP.HCM, liên hiệp HTX tổ chức hoạt động theo Luật hợp tác xã những năm trước đây, về cơ bản được tổ chức lại hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012.

Với phương thức hoạt động của các HTX bước đầu đổi mới, phù hợp hơn với cơ chế thị trường hiện nay, nhiều HTX hoạt động hiệu quả, tạo lòng tin, mang lại lợi ích cho thành viên, góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động. Trong đó, xuất hiện một số mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Đổi mới về bản chất so với các HTX kiểu cũ

Theo TS. Nguyễn Văn Đoàn - nguyên cục trưởng Cục phát triển hợp tác xã (thuộc Bộ kế hoạch và đầu tư), phát triển kinh tế tập thể (KTTT) luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Chính phủ, thể hiện qua các văn bản, chính sách của Đảng, Nhà nước. KTTT với nhiều hình thức đa dạng (tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX).

HTX kiểu mới hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012, có sự thay đổi mới về bản chất so với các HTX kiểu cũ (thành lập và hoạt động trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung). Mô hình HTX kiểu mới có nhiều điểm khác biệt so với HTX kiểu cũ, gồm:

- HTX kiểu mới là một đơn vị kinh doanh độc lập trong cơ chế thị trường, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước và trách nhiệm đối với thành viên.

- HTX phát triển trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt trong nông nghiệp, giao thông vận tải, tín dụng… Thành viên thực sự là vừa là chủ, vừa là khách hàng của HTX thông qua quy định góp vốn, sử dụng dịch vụ của HTX.

- Quan hệ giữa HTX và thành viên là quan hệ bình đẳng, thỏa thuận, tự nguyện, cùng có lợi và cùng chịu rủi ro trong sản xuất, kinh doanh.

- Trong HTX kiểu mới, phân phối thu nhập chủ yếu theo mức độ sử dụng dịch vụ của thành viên. Thành viên càng sử dụng nhiều dịch vụ, thì hoạt động dịch vụ của HTX càng có khả năng mở rộng và tạo ra càng nhiều thu nhập cho HTX.

- Việc tổ chức và hoạt động của HTX không bị giới hạn trong địa giới hành chính xã - phường, mà có thể trong phạm vi liên xã hoặc toàn huyện, tùy theo yêu cầu và năng lực thực tế.

HTX kiểu mới đạt được nhiều kết quả

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã TP.HCM, tính đến ngày 31/12/2020, tổng số HTX đăng ký hoạt động trong năm 2020 là 694 đơn vị. Trong đó, số lượng HTX đang hoạt động là 578 đơn vị, số lượng HTX ngưng hoạt động chờ giải thể là 116 đơn vị, chưa có HTX thực hiện sáp nhập, hay chuyển đổi.

Liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác bước đầu được thiết lập và phát huy hiệu quả. Các HTX, Liên hiệp HTX đã từng bước khẳng định là nhân tố góp phần bảo đảm ổn định chính trị, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Vị trí vai trò của kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX kiểu mới dần được xã hội thừa nhận, đạt được nhiều kết quả cụ thể. Trong lĩnh vực nông nghiệp, số lượng đơn vị từ 22 HTX, 1 Liên hiệp HTX tăng lên 146 HTX, 2 Liên hiệp HTX đăng ký hoạt động. Đây là lĩnh vực nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thành phố, được thể hiện qua nhiều chính sách ưu đãi. Các HTX đã từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; bước đầu hình thành được chuỗi liên kết giữa các HTX nông nghiệp với hệ thống HTX thương mại, siêu thị để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên.

Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, số lượng đơn vị từ 83 HTX và 1 Liên hiệp HTX tăng lên 115 HTX, 3 Liên hiệp HTX đăng ký hoạt động với mô hình cung ứng sản phẩm - dịch vụ và tạo việc làm; ngành nghề kinh doanh: kinh doanh bán lẻ hàng hóa, kinh doanh khai thác và quản lý chợ.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, số lượng HTX từ 134 HTX tăng lên 312 HTX, 2 Liên hiệp HTX đăng ký hoạt động với mô hình cung ứng sản phẩm dịch vụ và tạo việc làm; ngành nghề kinh doanh chủ yếu là vận tải hành khách công cộng, vận tải hành khách, hàng hóa nội - ngoại thành, cung cấp dịch vụ sữa chữa xe du lịch, bốc xếp.

Trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, từ 93 HTX giảm còn 67 HTX đăng ký hoạt động với mô hình tạo việc làm, cung ứng sản phẩm dịch vụ; ngành nghề kinh doanh đa dạng, như chế biến cao su, đan, thêu, gia công gỗ, sơn mài thủ công mỹ nghệ, may mặc ba lô, túi xách… Số lượng HTX loại hình này có xu hướng giảm xuất phát từ các nguyên nhân như quy mô, tiềm lực nhỏ, năng lực nội tại hạn chế, thiếu vốn, thiếu mặt bằng, nhà xưởng để sản xuất - kinh doanh, chậm thích nghi với nhu cầu thị trường, hình thức hoạt động vẫn còn là nhận gia công cho khách hàng,…

Trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, từ chưa có HTX tham gia đã tăng lên 31 HTX đăng ký hoạt động với mô hình tạo việc làm, cung ứng sản phẩm dịch vụ; ngành nghề kinh doanh là thu gom, vận chuyển rác, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ vệ sinh công nghiệp và cây xanh, duy tu nạo vét cống rãnh.

Trong lĩnh vực tín dụng, từ 9 quỹ tín dụng nhân dân tăng lên 19 quỹ tín dụng nhân dân, đăng ký hoạt động với mô hình cung ứng sản phẩm dịch vụ cho thành viên, hỗ trợ vay vốn, địa bàn hoạt động các quỹ tập trung ở các huyện ngoại thành. Hoạt động kinh doanh của các quỹ đều hiệu quả, các khoản nợ đọng dưới mức quy định, góp phần giải quyết những khó khăn về vốn cho thành viên, hạn chế được tình trạng tín dụng đen.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã kiểu mới - Giải pháp phát triển kinh tế tập thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO