Dạy học khám phá dựa trên sự tò mò, bản năng khám phá của học sinh

Anh Thư| 03/12/2017 16:03

KHPTO - ThS. Lê Hải Mỹ Ngân, Trường đại học sư phạm TP.HCM giới thiệu mô hình dạy học khám phá (Inquiry-based learning - IBL) và sự kết hợp mô hình vào dạy học hai chương đầu phần nhiệt học thuộc chương trình vật lý 10 THPT. Dạy học khám phá dựa trên sự tò mò, bản năng khám phá của học sinh, qua đó các em sẽ chủ động trong học tập và tự chiếm lĩnh những kiến thức cần thiết cho bản thân.

Dạy học khám phá (IBL) là một mô hình dạy học tích cực phát triển vào những năm 1960. Dạy học nhằm hướng vào người học, thu hút các em tìm hiểu một vấn đề chưa rõ thông qua việc tự tìm kiếm thông tin. Thông qua quá trình này, học sinh tiếp thu kiến thức dựa trên “nhu cầu muốn có thông tin”.

Theo ThS. Lê Hải Mỹ Ngân, trong chu trình khám phá, học sinh nảy sinh câu hỏi và trả lời câu hỏi thông qua quá trình tự tìm hiểu, từ đó tự hình thành khái niệm, kiến thức cần thiết. Một nhiệm vụ khám phá được hoàn thành khi học sinh lĩnh hội được kiến thức đáp ứng câu hỏi được đặt ra ban đầu. Nhiệm vụ khám phá nhiều hay ít và mức độ của nhiệm vụ tuỳ thuộc vào lựa chọn của giáo viên, trình độ của học sinh và điều kiện dạy học. Có thể tóm tắt chu trình khám phá theo trình tự như sau: người học nảy sinh câu hỏi do sự vướng mắc trong tìm hiểu; các em tự tìm hiểu nhờ tài liệu và các kênh thông tin; phân tích và tổng hợp thông tin để hình thành hiểu biết; trao đổi, thảo luận với bạn bè; tổng hợp ý kiến và đưa ra kết luận về nội dung tìm hiểu.

Mỗi bước trong chu trình này sẽ tự nhiên nảy sinh nhu cầu dẫn đến bước tiếp theo do nhu cầu “khám phá”. Thông qua chu trình này, học sinh sẽ phát triển được tính tích cực học tập và nhận thức đồng thời rèn luyện được kỹ năng giải quyết vấn đề một cách hệ thống. Câu hỏi được sử dụng trong IBL mang tính chất hệ thống chặt chẽ, do đó ThS. Lê Hải Mỹ Ngân đã lựa chọn bộ câu hỏi định hướng làm công cụ hỗ trợ cho quá trình dạy học. Bộ câu hỏi định hướng sẽ giúp người học tư duy chặt chẽ và chiếm lĩnh kiến thức một cách hợp lý.

Câu hỏi khái quát sẽ khơi gợi sự tò mò và nhu cầu khám phá của học sinh. Câu hỏi bài học sẽ đưa ra nhiệm vụ khám phá cụ thể cho các em. Câu hỏi nội dung hỗ trợ, dẫn dắt các em thực hiện nhiệm vụ khám phá.

ThS. Lê Hải Mỹ Ngân cho rằng, trong chương trình vật lý, kiến thức về nhiệt học là nền tảng cho nhiều thiết bị quan trọng trong đời sống như ô tô, xe máy, máy điều hòa… Vì vậy, những kiến thức nhiệt học trong hai chương “Chất khí” và “Cơ sở của nhiệt động lực học” trong chương trình trung học phổ thông có ý nghĩa thực tiễn cao, qua đó người học hiểu được nguyên lý cơ bản của các thiết bị hiện đại. Tính thực tiễn của kiến thức là nguồn kích thích tính tò mò của học sinh. Tuy nhiên, theo cấu trúc nội dung trong sách giáo khoa hiện hành, các kiến thức nhiệt học lại khá độc lập và thiếu tính liên hệ. Vì vậy, học sinh sẽ khó khăn để thấy được ý nghĩa thực tế. Một trong những biện pháp được đề xuất là vận dụng dạy học khám phá cho học sinh tìm hiểu các kiến thức nhiệt học thông qua mô hình động cơ nhiệt.

Tâm lý học sinh thoải mái

Quá trình thực nghiệm sư phạm được ThS. Lê Hải Mỹ Ngân tiến hành tại trường Trung học thực hành TP.HCM. Nhóm thực nghiệm được dạy theo tiến trình dạy học soạn thảo theo dạy học khám phá.  Nhóm đối chứng được dạy học theo phương pháp truyền thống. Để đánh giá kết quả, tác giả sử dụng phiếu ghi nhận tính tích cực học tập của học sinh thông qua quá trình quan sát lớp của giáo viên trong các tiết học. Kết thúc hai chương, học sinh cả hai lớp làm bài kiểm tra 45 phút theo hình thức trắc nghiệm khách quan nhằm đánh giá sự tiến bộ và mức độ lĩnh hội kiến thức của học sinh sau quá trình học tập. Dựa vào số liệu thu nhận được, tác giả sẽ tiến hành mô tả thống kê và kiểm định giả thuyết thống kê, so sánh kết quả học tập của lớp thực nghiệm và lớp đối chứng để đánh giá định lượng hiệu quả của hoạt động dạy học theo tiến trình đã soạn thảo.

Qua quan sát mức độ tích cực và kỹ năng làm việc hợp tác cho thấy, học sinh quen dần với việc làm việc nhóm thể hiện qua phân công nhiệm vụ và ý thức tự giác hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ban đầu học sinh còn lúng túng và chưa quen với cách học mới, nhưng sau vài tiết học, các em đã bắt đầu làm quen và hoạt động sôi nổi tích cực hơn. Trong các giờ học, không khí lớp sôi động hơn, tâm lý học sinh thoải mái, tuy nhiên vẫn còn một số tiết học chưa đạt hiệu quả và giáo viên cần rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, theo thống kê chủ quan, khoảng 50% học sinh tìm hiểu và hoàn thành phiếu học tập nhóm ở nhà. Lý do khiến tỉ lệ này chưa cao là do chủ đề và câu hỏi vẫn chưa thực sự thu hút; lớp học ban D đa phần là học sinh nữ nên chủ đề khai thác về động cơ nhiệt vẫn chưa đủ hấp dẫn; thời gian biểu của học sinh khá kín nên thời gian tự tìm hiểu gặp hạn chế. Tuy nhiên, trong tiết học, các em đã thảo luận tích cực, biết bảo vệ ý kiến của mình và của nhóm. Sự tương tác giữa giáo viên và học sinh ngày càng nhiều và thoải mái.

Lớp đối chứng có 10% học sinh có điểm kiểm tra từ 6 trở xuống, còn ở lớp thực nghiệm chỉ có 3,3% học sinh có điểm từ 6 trở xuống. Dựa vào điểm trung bình của hai nhóm cho thấy, điểm trung bình của lớp thực nghiệm cao hơn điểm trung bình của lớp đối chứng một cách có ý nghĩa thống kê.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạy học khám phá dựa trên sự tò mò, bản năng khám phá của học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO