Dấu vết người tiền sử cư trú trong hang động núi lửa ở Krông Nô

Như Quỳnh| 04/01/2019 22:50

KHPTO - Hệ thống hang động núi lửa ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông không chỉ có giá trị về mặt địa chất mà còn hàm chứa những giá trị độc đáo về mặt sinh thái và văn hóa. Ở Việt Nam, từ giai đoạn sơ kỳ Đá cũ đến sơ kỳ Đá mới, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện và nghiên cứu trên 200 hang động núi đá vôi có người tiền sử cư trú. Tuy nhiên, việc tìm thấy dấu vết của người tiền sử cư trú trong hang động núi lửa ở Krông Nô lại là lần đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Nhóm nghiên cứu Lê Xuân Hưng, La Thế Phúc, Phạm Thị Phương Thảo, Vũ Tiến Đức, Nguyễn Trung Minh, Trường đại học Đà Lạt, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Viện khoa học xã hội vùng Tây Nguyên  đã giới thiệu tư liệu và nhận thức bước đầu về cuộc thám sát di tích hang núi lửa C6-1 ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang phối kết hợp với Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận “Công viên địa chất núi lửa Krông Nô” (Krongno Volcanic Geopark – KVG). Những di tồn về các hoạt động của núi lửa nói chung, hệ thống hang động nói riêng ở Krông Nô không chỉ có một số giá trị khoa học quan trọng về địa chất, mà còn cả các giá trị độc đáo về văn hoá, sinh thái và khảo cổ học, phù hợp với tiêu chí cho một công viên địa chất toàn cầu mà UNESCO đề xuất.

Theo quy hoạch, diện tích dự kiến cho KVG là 3,148 km2. Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy trong địa bàn đã phát hiện gần 100 hang động núi lửa, nhưng trước năm 2017 chưa có phát hiện và công bố nào về di tích khảo cổ trong hang động. Nhu cầu đặt ra, để xây dựng hồ sơ công viên địa chất, yếu tố văn hóa là một trong những tiêu chí quan trọng, vì vậy việc tìm hiểu về những dấu vết của con người là cần thiết. Những phát hiện đầu tiên được đăng tải, trong công bố này đã giới thiệu một số dấu vết của con người thời tiền sử tại các hang C1, C3, C4, C6, C6’, C6-1. Hiện vật thu được là các công cụ ghè đẽo, công cụ hình bầu dục, mảnh tước, gốm tiền sử… Đặc biệt tại hang C6’, trên hai gò đá xếp hình tròn, gò cao đã phát hiện một số đoạn xương chi và răng. Theo nhận định ban đầu thì rất có thể đó là di cốt của người tiền sử.

Đầu năm 2017, các nhà địa chất ở Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam và các nhà khảo cổ ở Viện khảo cổ học, Viện khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, và Trường đại học Đà Lạt tiến hành điều tra và phát hiện mới một số di tích khảo cổ tiền sử hang động trên địa bàn huyện Krông Nô.

Tháng 2 năm 2017, hang C6-1 đã được đào thám sát. Kết quả thu được từ việc điều tra, thám sát này đã góp phần xác định sơ bộ đặc điểm phân bố, nội dung, tính chất, niên đại một số di tích khảo cổ hang động cũng như những giá trị lịch sử văn hóa của các di tích này trong bối cảnh rộng hơn. Đây cũng là cơ sở cho việc biên soạn lịch sử giai đoạn xa xưa ở vùng đất này và góp phần tư liệu để xây dựng hồ sơ công viên địa chất toàn cầu KVG. Đến tháng 3 năm 2018, nhóm nghiên cứu tiếp tục khai quật hang C6-1.

Trong khuôn viên KVG ở Krông Nô (Đắk Nông), các nhà địa chất đã phát hiện một hệ thống hang động có giá trị nghiên cứu di sản địa chất hang động núi lửa độc đáo ở Việt Nam. Cũng ở khu vực này, các nhà địa chất và khảo cổ bước đầu tìm thấy ở khu C, một số các hang động từ C1 đến C6-1 có dấu tích cư trú, chế tác công cụ của người thời nguyên thủy. Đây cũng là những phát hiện khảo cổ học hang động núi lửa tiền sử đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á.

co_1

Cư dân tiền sử đã chọn lựa một số hang động núi lửa basalte để cư trú như “ngôi nhà” lý tưởng của mình. Đó là các hang có diện tích tương đối rộng, nền hang khá bằng phẳng, thông thoáng, đã có sự ổn định về độ gắn kết trần hang. Các hang này có cửa rộng, nhiều ánh sáng, cửa quay về hướng Tây Nam, hướng tiếp nhận được nhiều ánh sáng mặt trời vào buổi chiều. Đường lên xuống các hang dễ dàng, lại phân bố ở gần nguồn nước sinh hoạt. Những dấu tích văn hóa còn lại ở các hang cho thấy có hang được người xưa cư trú lâu dài, tầng văn hóa dày, phản ánh nhiều giai đoạn văn hóa khác nhau như hang C6-1. Lại có một số hang tầng văn hóa mỏng, do con người cư trú ngắn ngày hoặc cư trú theo mùa, như hang C3, C4. Lại có hang cư dân cổ sử dụng làm khu mộ táng, mộ kè đá như hang C6-1 (cửa 3, quay về hướng Đông Bắc ), hang C6’. Tư liệu này cho thấy hệ thống các hang động ở đây được người xưa lựa chọn vì các mục đích khác nhau. Cư dân ở hang động vùng Krông Nô là những người săn bắt, hái lượm, chưa có dấu hiệu của trồng trọt và chăn nuôi. Ở giai đoạn sớm, con người đã săn bắt được một số loài động vật nhỏ, một ít động vật lớn như hươu, nai, lợn, đồng thời đánh bắt cá và thu lượm các loài nhuyễn thể như ốc, hến, trai, trùng trục trong các sông suối, đầm lầy. Sang giai đoạn muộn, săn bắt động vật và thu lượm các loài nhuyễn thể như giai đoạn trước, song kích thước của chúng nhỏ hơn, số lượng loài ít phong phú bằng giai đoạn sớm. Trong hố thám sát nhỏ, nhưng đã thu được hàng nghìn mẫu vật minh chứng cho sự thay đổi môi trường và sự tương thích của con người trong các hoạt động kiếm sống ở đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu vết người tiền sử cư trú trong hang động núi lửa ở Krông Nô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO