Đầu tư thích đáng để nâng cao công suất hoạt động của chất xám

30/04/2005 00:39

Một thế mạnh của TP.Hồ Chí Minh là lực lượng hùng hậu của trí thức khoa học & công nghệ, bao gồm một đội ngũ cán bộ từ nhiều nguồn đào tạo ở nhiều nước có trình độ khoa học - công nghệ (KH-CN) phát triển, một hệ thống các trường đại học - viện nghiên cứu với những cơ sở vật chất có giá trị.

Chỉ riêng về số lượng, trên địa bàn Thành phố đã có 228.789 người có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, trong đó có 2.754 tiến sĩ; 4.447 thạc sĩ; 192.029 kỹ sư và 29.559 cử nhân cao đẳng. Đây thực sự là một nguồn vốn hết sức quý giá của Thành phố.

30 NĂM QUA NHÌN LẠI

Ngay từ những ngày đầu mới giải phóng, công tác khoa học - kỹ thuật đã được lãnh đạo Thành phố đặc biệt quan tâm. Nghị quyết 42 của Thường vụ Thành ủy năm 1977 về công tác KH-KT và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần III đã khẳng định phải đưa cách mạng KH-KT lên đúng với vị trí then chốt trong 3 cuộc cách mạng, định hướng KH-KT với các mục tiêu kinh tế - chính trị của Thành phố nhằm phát huy vốn quý KH-KT của Thành phố, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và khu vực.

Nhìn lại hoạt động KH-CN của Thành phố 30 năm qua, bằng những hình thức hoạt động khá năng động, triển khai ứng dụng tiến bộ KH-CN, gắn kết với sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các nhu cầu của thực tiễn kinh tế xã hội Thành phố, nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường có định hướng XHCN, hoạt động KH-CN tại Thành phố đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận: mỗi năm thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu và triển khai ứng dụng, hàng chục chương trình và dự án từ kinh phí dành cho KH-CN Thành phố, đã đem lại những kết quả vô giá; và những công trình hay những đề tài có thể tính trị giá được bằng vật chất cụ thể trong công nghiệp. Những quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, bắt đầu từ những năm cuối thập kỷ 80 đến nay; nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, KH-CN đã được tiến hành để xác định các mũi nhọn ưu tiên. Một ví dụ minh chứng gần đây nhất, đó là Công viên Phần mềm Quang Trung - một vườn ươm công nghệ cao, hội tụ được nhiều yếu tố thuận lợi: có hạ tầng kỹ thuật tốt (thông tin viễn thông, môi trường cảnh quan, chính sách ưu đãi…); nhờ đó tạo được môi trường sáng tạo từ sự cộng hưởng trí tuệ…

HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ CHƯA TƯƠNG XỨNG VỚI TIỀM NĂNG

Tuy nhiên, thực tế những năm qua cũng cho thấy sự đóng góp của KH-CN trên địa bàn Thành phố chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; Sự phối hợp với lực lượng nghiên cứu khoa học của Trung ương trên địa bàn Thành phố thiếu chặt chẽ; “TP.HCM là trung tâm của khu vực, có tiềm lực KH-CN nhưng chưa phát huy bài bản nguồn lực này. Riêng lĩnh vực nông nghiệp chưa giải quyết được thỏa đáng nhu cầu về giống mới và hoạt động công nghệ sinh học gần như là số không. Trong các doanh nghiệp, việc đổi mới trang thiết bị còn chậm, phải làm quyết liệt hơn mới đủ sức cạnh tranh hội nhập... Thành phố quyết tâm triển khai tốt chương trình đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng những trung tâm nghiên cứu cơ bản và ứng dụng” (Phát biểu của đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong ngày 21/4/2003). Những nhận xét, đánh giá này cũng thể hiện khá rõ nét khi trong sản xuất, sản phẩm hàng hóa còn rất thấp về hàm lượng chất xám.

Bên cạnh những nhược điểm và yếu kém của chính bản thân đội ngũ KH-CN như trình độ đội ngũ còn nhiều hạn chế do điều kiện tiếp cận thông tin kiến thức hiện đại còn ít, điều kiện làm việc lạc hậu và đời sống còn thấp, cộng với sự hình thành “tự phát”, không có quy hoạch, cơ cấu ngành nghề không đồng bộ, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển, đội ngũ nghiên cứu & triển khai cũng như cán bộ KH-CN ở các lĩnh vực sản xuất chủ yếu của Thành phố còn quá ít về số lượng;.v.v… thì còn có nguyên nhân sử dụng chưa hiệu quả đội ngũ KH-CN trên địa bàn Thành phố. Chưa xác lập được cơ chế sử dụng hiệu quả các cơ quan nghiên cứu KH&CN, trường đại học do các ngành Trung ương quản lý đóng trên địa bàn Thành phố; Suất đầu tư cho nghiên cứu & triển khai (R&D) thấp nên không tạo được những thành quả KH&CN lớn, quy mô thương mại hóa công nghệ còn nhỏ bé và các công nghệ được thương mại hóa còn giới hạn ở những loại đơn giản; Cơ chế quản lý, chính sách KH&CN hiện hành chưa động viên hết tài năng sáng tạo của nhà khoa học; và còn do nhiều nơi mà nếp nghĩ, cách làm… chưa quán triệt quan điểm đường lối của Đảng: “Khoa học & Công nghệ cùng với Giáo dục & Đào tạo là quốc sách hàng đầu”!

TẠO RA TRI THỨC CHO CHÍNH MÌNH ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Ngày nay tri thức đã trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu của tăng trưởng kinh tế, vượt lên trên cả các nhân tố cổ truyền của sản xuất là vốn và lao động.

Để có được những tri thức cần có và phát huy sử dụng hiệu quả nó nhằm phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH Thành phố, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà nghị quyết 20 của Bộ Chính trị đã vạch ra cho TP.HCM: “Xây dựng TP.HCM thành một Thành phố XHCN văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn với khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á, xứng đáng với Thành phố mang tên Bác Hồ”, những công việc cần làm của Thành phố là Biết cách chọn đúng để khai thác tri thức toàn cầu thông qua thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, hợp tác liên doanh, tiếp nhận hỗ trợ công nghệ, học tập nước ngoài, thuê người nước ngoài, thu hút kiều bào; Tạo ra tri thức cho chính mình để phát triển bền vững bằng việc tăng chi phí cho R&D để nghiên cứu các vấn đề trọng điểm cho phát triển, chia sẻ chi phí R&D ở khu vực Nhà nước và tư nhân để phát triển sản xuất, tạo cơ chế phối hợp tốt giữa các công ty với các tổ chức nghiên cứu R&D và các trường đại học (gắn kết khoa học với sản xuất); Sử dụng hiệu quả tri thức (Nội lực & Ngoại nhập) - phải biết tri thức đang có để phát huy và tri thức đang thiếu để thu thập từ ngoài hoặc tự sáng tạo ra; cần đa dạng hóa tiềm năng sáng tạo và chỉnh sửa các chính sách, chế độ, cơ chế quản lý tương ứng và theo đúng quan điểm của Đảng “KH&CN cùng với giáo dục & Đào tạo là quốc sách hàng đầu’’!

*

* *

Để thiết thực kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta trân trọng những thành tích, kết quả đã đạt được và ra sức phát huy hơn nữa, đồng thời nhận rõ những thiếu sót, khuyết điểm còn tồn tại để ra sức khắc phục, để đội ngũ trí thức phát huy cao nhất bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, xứng đáng với vai trò then chốt của cách mạng KH-CN và vị trí trung tâm KH-CN của Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư thích đáng để nâng cao công suất hoạt động của chất xám
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO