Đầu tư phát triển công nghệ để nâng cao giá trị cá tra

THÀNH CÔNG| 26/05/2015 16:18

Mặc dù Việt Nam là nước cung cấp đến hơn 90% sản lượng cá tra trên toàn thế giới nhưng sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng phi-lê chưa qua chế biến. Để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cá tra xuất khẩu, từ đó nâng cao giá trị của toàn chuỗi ngành hàng cá tra thì việc đầu tư phát triển công nghệ chế biến là vô cùng cấp thiết. Đây là ý kiến đồng tình của các đại biểu tại hội thảo “Thực phẩm công nghiệp và sự cần thiết của công nghệ chế biến cho ngành thủy sản Việt Nam” do Hiệp hội cá tra Việt Nam phối hợp với Chi nhánh Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam vừa diễn ra tại TP. Cần Thơ.

Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam (VPA), năm 2014, cá tra Việt Nam đã được xuất khẩu sang 151 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị xuất khẩu đạt 1,76 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu cá tra đạt hơn 224,8 triệu USD. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy có đến 90% sản lượng cá tra xuất khẩu là dưới dạng phi-lê đông lạnh. Trong khi đó, người tiêu dùng tại một trong những thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam là châu Âu (chiếm 18% thị phần) thì đa số người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng những sản phẩm được chế biến sẵn, sử dụng nhanh và có giá trị cao. Còn theo ông Rosenberger, phó tổng giám đốc điều hành Công ty chế biến thực phẩm Nienstedt của Đức: “Hiếm khi cá tra Việt Nam được chào bán ở châu Âu dưới dạng khác miếng phi-lê cấp đông”.

Hơn nữa, nhiều chuyên gia ngành hàng cá còn cho rằng Việt Nam đang lãng phí nguồn lực trong lĩnh vực nuôi và khai thác cá tra, bởi ngoài việc chỉ chế biến xuất khẩu cá tra dưới dạng phi-lê đông lạnh có giá trị thấp, hầu hết các doanh nghiệp cá tra chưa khai thác hết các phần khác của cá tra như đầu, da, mỡ, xương... và coi đây chỉ là những phụ phẩm. Mặc dù có một số ít doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ chiết xuất collagen dùng trong thực phẩm và mỹ phẩm dành cho người, nhưng phần lớn chỉ dừng lại ở mức chế biến thành bột cá, dầu cá dùng trong thức ăn chăn nuôi. Điều này không chỉ ảnh hưởng hiệu quả của các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu mà còn làm giảm lợi ích của toàn chuỗi ngành hàng cá tra và làm giảm kim ngạch xuất khẩu.

Trên thực tế, cá tra Việt Nam được đánh giá nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, cơ thịt dai, không mùi, có thể chế biến ra nhiều món ăn khác nhau. Do đó, cá tra nếu được tinh chế có thể tạo ra hàng chục món ăn khác nhau, từ đó giúp đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh cá tra Việt Nam với các loài cá thịt trắng khác tại các thị trường xuất khẩu. Ông Võ Hùng Dũng, giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết, một lễ hội ẩm thực được tổ chức vào cuối tháng 3/2015 tại Trung Quốc đã tổ chức thi nấu 60 món ăn từ cá tra nhập khẩu từ Việt Nam. Thậm chí, ông chủ tịch lễ hội ẩm thực này còn nói rằng có thể chế biến được tới 600 món ăn khác nhau từ cá tra Việt Nam, bởi thịt cá tra rất phù hợp với khẩu vị của người Trung Quốc.

Cần đầu tư công nghệ chế biến

Hiện nay, khu vực ĐBSCL có khoảng 280 nhà máy chế biến thủy sản (chiếm 47% cả nước) nhưng số nhà máy có đủ thiết bị chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao rất ít. Sau khi khảo sát một số doanh nghiệp chế biến cá tra tại khu vực ĐBSCL, ông Rosenberger nhận xét, công nghệ chế biến của các nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam khá tốt nhưng chỉ mới dừng ở chế biến thô. Do đó, các doanh nghiệp cần phải đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến để đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, doanh nghiệp và đây cũng là hướng đi bền vững cho ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, đây là việc không hề dễ thực hiện, nhất là với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nguồn lực tài chính hạn hẹp.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu cá tra được tinh chế thì giá trị sẽ tăng gấp đôi, gấp ba lần, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Ông Rosenberger cho biết, cá tra Việt Nam được ưa chuộng tại Đức nên cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu vào Đức là rất khả quan. Ở Đức, cá tra bán dưới dạng phi-lê thô chỉ có giá 0,5 USD/100 g nhưng nếu được tinh chế, tạo hình bắt mắt bằng công nghệ chế biến hiện đại thì giá bán có thể đạt 4 USD/100 g. Do đó, với sản lượng cá tra nuôi tại Việt Nam khoảng 1 triệu tấn/năm, nếu ngành cá tra Việt Nam thay đổi theo hướng tinh chế thì giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam hàng năm sẽ vượt xa con số 1,75 tỷ USD.

Ông Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch VPA cũng đồng tình rằng hiện nay các doanh nghiệp chế biến cá tra chỉ mới dừng lại ở mức chế biến thô hay phi-lê đông lạnh dù công nghệ chế biến đã có. Trong khi đó, sức tiêu thụ các dòng sản phẩm chế biến thô lại đang giảm dần so với sản phẩm tinh chế cả ở thị trường xuất khẩu và nội địa. Do đó, để giúp nâng cao giá trị cá tra, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp chế biến cá tra và toàn chuỗi ngành hàng, tạo điều kiện giúp ngành hàng cá tra phát triển bền vững, VPA sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư mạnh cho công nghệ để có thể chế biến được các sản phẩm giá trị gia tăng cao, kể cả đầu, da, mỡ… của cá tra cho thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư phát triển công nghệ để nâng cao giá trị cá tra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO