Đầu tàu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

PHƯƠNG DUY| 11/08/2019 11:51

KHPTO - Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, là địa phương đầu tiên cả nước thành lập Khu nông nghiệp công nghệ cao và Trung tâm công nghệ sinh học phục vụ cho nghiên cứu ứng dụng khoa học vào sản xuất. Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai hiệu quả chương trình đột phá cho ngành nông nghiệp trong lĩnh vực rau an toàn, hoa cây kiểng, bò sữa, bò thịt, giống chất lượng cao, cá cảnh.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong nông dân phát triển mạnh tại các huyện ngoại thành như nhà màng trồng dưa lưới, trồng rau thủy canh hồi lưu, trồng hoa lan, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 2 giai đoạn tại Cần Giờ… Các hoạt động tư vấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và giống chất lượng cao đang đẩy mạnh.

Đáng chú ý là công tác giống cây trồng và vật nuôi trên địa bàn thành phố ngày càng đa dạng và chất lượng.

Tỷ lệ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã tăng khá cao giai đoạn 2015 - 2020, năm 2010, tỷ lệ này khoảng 10%, năm 2016 lên 35,8% và năm 2018 là 38,2% và sẽ tăng mạnh trong năm tới. Theo Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, thành phố ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất trong thời gian qua và đã hình thành nhiều loại hình và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ… Cung cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng, an toàn.

Đối với chứng nhận VietGAP, diện tích cây rau quả đạt 13.609,5 ha, chiếm 61% so với diện tích gieo trồng rau của thành phố; chăn nuôi heo 130.500 con, chiếm 45% so với đàn heo thành phố. Nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn đã giúp năng suất đạt 45 tấn/ha/vụ (135 tấn/ha/năm), so với nuôi bán thâm canh năng suất 12 tấn/ha/vụ (36 tấn/ha/năm).

Ứng dụng công nghệ cao được triển khai mạnh mẽ trong nhiều năm qua, cơ giới hóa, tự động hóa nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thành phố đang ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống (công nghệ gen, chỉ thị phân tử, công nghệ nuôi cấy túi phấn, xử lý chiếu xạ gây đột biến). Xây dựng các hệ thống nhà màng, nhà lưới kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới.

Quản lý dịch hại, quản lý dinh dưỡng, quy trình canh tác, hệ thống điều khiển tự động trong trồng trọt và chăn nuôi (nuôi tôm, bò sữa).

Trong chăn nuôi, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ gen, chỉ thị phân tử trong việc xác định tính trạng ưu thế phục vụ cho công tác chọn tạo và nhân nhanh giống vật nuôi.

Ứng dụng công nghệ sinh học trong xác định gen gắn với các tính trạng về năng suất, chất lượng, nghiên cứu sản xuất các bộ kít để chẩn đoán trong phòng trừ bệnh hại vật nuôi và phát hiện các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Hiện Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM chuyển giao quy trình công nghệ nhân nhanh rễ tóc sâm Ngọc Linh, chuyển giao 3/7 tổ hợp lai dưa lưới có triển vọng ra ngoài sản xuất để đánh giá chất lượng, nhân giống in vitro khoảng 180.000 cây cấy mô các loại.

Về hoa lan, sàng lọc và tuyển chọn thêm các dòng lan Dendrobium mang gen mục tiêu có khả năng phát triển tốt từ nguồn mẫu cây lan chuyển gen hiện có. Trồng thử nghiệm giống hoa cúc lùn Pico ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, trồng rau ăn lá trên hệ thống thủy canh và nhà máy sản xuất thực vật. Chọn tạo dòng thuần và ứng dụng chỉ thị phân tử trong đánh giá dòng thuần trên dưa lưới, cà chua bi, ớt ngọt, dâu tây…

Lĩnh vực cá cảnh, lai tạo dòng cá mới độc đáo bằng công nghệ chuyển gen (cá neon phát sáng), sưu tập thêm 5 dòng cá dĩa và 39 dòng cá cảnh trong việc thuần dưỡng, chọn tạo và nhân các giống cá cảnh phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đã chuyển giao công nghệ mới phục vụ sản xuất nông nghiệp như công nghệ tưới tự động phun mưa và tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân, lai tạo giống và công nghệ nuôi cấy mô thực vật in vitro, ứng dụng công nghệ trồng rau trong nhà màng, trồng rau theo phương pháp thủy canh hoặc khí canh trong nhà màng…

Thành phố xây dựng chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ cá thể đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ năm 2016, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 6150/QĐ-UBND về phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục triển khai đầu tư 4 dự án lớn là mở rộng Khu nông nghiệp công nghệ cao 200 ha tại xã Phạm Văn Cội, dự án đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ, dự án mở rộng Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phước Vĩnh An (Củ Chi) và dự án xây dựng Khu chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Bình Chánh.

2_5

3_5

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tàu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO