Đạt chứng nhận trang trại, sản phẩm hữu cơ - dễ hay khó?

HẢI ĐĂNG| 25/09/2020 06:26

KHPTO - Nhiều trang trại, doanh nghiệp cho rằng để đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế tại Việt Nam tương đối phức tạp và mất khá nhiều chi phí. Bởi quá trình chứng nhận hữu cơ ở Việt Nam được thực hiện khá nghiêm ngặt.

Thực tế, đất sản xuất nông nghiệp không chỉ TP.HCM mà hầu hết các địa phương khác đều đã bị nhiễm độc cực nặng, do người sản xuất lạm dụng quá nhiều phân bón hóa học và thuốc trừ sâu trong thời gian dài. Tương tự, nguồn nước và không khí cũng bị ô nhiễm trầm trọng, do đó, một số quận, huyện của TP.HCM không đủ tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ nếu không được lọc lại. Đây là lý do khiến các trang trại - doanh nghiệp muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ và làm chứng nhận hữu cơ phải bỏ chi phí cải tạo đất hết sức tốn kém, quá trình này thường mất từ 3 - 5 năm.

Đạt chứng nhận hữu cơ USDA ở Việt Nam, phải trải qua nhiều bước, đầu tiên, chọn một đơn vị trung gian được cấp phép bởi Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ để được tư vấn, đăng ký kiểm định chất lượng nông trại và nông sản. Tiếp đó là tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước ngẫu nhiên trong nông trại (số lượng mẫu phải theo quy định và bao quát toàn nông trại) dưới sự giám sát của đơn vị trung gian và gửi sang các phòng lab có kỹ thuật và máy móc đủ khả năng phân tích thành phần chi tiết ở Hoa Kỳ, châu Âu, hoặc Nhật để kết luận thêm về nồng độ các chất độc hại (bao gồm cả kim loại nặng) và các tỷ lệ chất dinh dưỡng trong đất có đạt yêu cầu để được sản xuất hữu cơ hay không. Sau khi thu hoạch, các nhà sản xuất cũng phải lấy mẫu nông sản để gửi sang kiểm định các thành phần độc tố và các thành phần dinh dưỡng xem có đạt đúng tiêu chuẩn hay không. Khắc phục những điểm chưa đạt yêu cầu theo tư vấn của đơn vị trung gian và phải báo cáo sau khi hoàn thành để đơn vị này có thể tới nghiệm thu - lấy các mẫu xét nghiệm lại yếu tố chưa đạt. Khi nhà sản xuất đáp ứng toàn bộ những yêu cầu của bộ quy chuẩn chứng nhận hữu cơ thì sẽ được đơn vị trung gian cấp chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn USDA cho nông sản đã đăng ký, có thời hạn một năm. Khi đó, nhà sản xuất mới có thể được sử dụng logo chứng nhận hữu cơ USDA trên nhãn sản phẩm và phải ghi rõ số chứng nhận do đơn vị trung gian cấp (ngoài ra, còn phải ghi rõ thời gian hiệu lực của chứng nhận này).

ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Viên (sáng lập Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Hương Đất với dòng sản phẩm rau hữu cơ thương hiệu Happy Vegi), người tiên phong sản xuất nông nghiệp hữu cơ đầu tiên của TP.HCM chia sẻ: “Để đạt chứng nhận USDA và EU trong môi trường sản xuất tại Việt Nam là không dễ, bộ tiêu chuẩn quy định: nguồn phân ủ phải đi từ các trang trại hữu cơ, điều này rất khó đối với Việt Nam, vì hiện tại chăn nuôi và trồng trọt của Việt Nam chưa cân bằng nhau. Hoặc phải sử dụng phân bón của một nhà máy có chứng nhận hữu cơ, trong khi ở Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất phân được dùng trong nông nghiệp hữu cơ. Khó đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế, chúng tôi nhờ đến cơ quan kiểm soát nội bộ (PGS - hệ thống bảo đảm có sự tham gia), tức là chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, chứ không lấy chứng nhận hữu cơ. Vì kiểm soát nội bộ khá rõ ràng và minh bạch (quá trình đánh giá, kiểm soát, làm rất kỹ càng, làm đúng thì chứng nhận). Hiện nay, tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam đã được xây dựng phù hợp với điều kiện sản xuất tại Việt Nam, nên việc được cấp chứng nhận hữu cơ sẽ không khó bằng chứng nhận quốc tế. Một trong các tiêu chuẩn đã được nới lỏng là có thể dùng phân ủ từ các trang trại, điều này dễ dàng hơn rất nhiều vì có thể dùng nguồn phân hữu cơ địa phương tự ủ vẫn đáp ứng được chất lượng sản phẩm”.

Thanh nhãn của trang trại Vĩnh Phú (Củ Chi) được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạt chứng nhận trang trại, sản phẩm hữu cơ - dễ hay khó?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO