Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng cạnh tranh

Như Quỳnh| 03/01/2017 11:11

KHPTO - Theo Bộ giáo dục và đào tạo (GDĐT), chủ trương sắp tới về phát triển giáo dục đại học nói chung là tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhưng chọn trọng tâm, trọng điểm ngành và trường.

Đầu tiên là chọn ngành theo hướng phải bám sát vào thị trường lao động; gắn đào tạo với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

Hợp đồng giao nhiệm vụ, không phân bổ vốn theo mục đích như trước

Chính phủ đã giao cho Bộ GDĐT thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”. Do vậy một trong những tiêu chí của chương trình (CT) đào tạo chất lượng cao tới đây là phải đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động được dự báo, tăng cường các ngành công nghệ (CN) mũi nhọn theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư và 8 nhóm ngành di chuyển lao động tự do ASEAN, ưu tiên trước để đầu tư.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Bộ tới đây sẽ chỉ hỗ trợ về chủ trương, chính sách để trình Chính phủ, còn thực hiện là các trường theo hướng cạnh tranh”.

Với tinh thần như vậy, phương thức triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là hợp đồng giao nhiệm vụ, chứ không phân bổ vốn theo mục đích như trước. Trước hết, sẽ xây dựng một khung Đề án, liệt kê rõ ràng từng phụ lục và theo hướng mở. Đề án sẽ không tiếp cận theo hướng tính chi tiết định mức đầu tư… mà thiết kế khung chính sách định hướng với các nhóm mục tiêu. Các trường tự chọn CT tham gia và đề xuất lên Bộ, Bộ sẽ căn cứ vào các báo cáo đánh giá để lựa chọn, không phân biệt công tư. Các CT này phải thỏa mãn 2 tiêu chí : đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế, là CT trường có thế mạnh đào tạo.

“Tới đây, cạnh tranh giữa các trường phải rất quyết liệt. Và mỗi trường ĐH chỉ cần có một số CT xuất sắc, trọng điểm, bám sát thị trường, tập trung đầu tư vun cao để xây dựng và phát triển thương hiệu, không dàn hàng ngang”, Bộ trưởng nêu rõ.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, để xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tới đây, các trường cần thực hiện theo 2 bước.

Bước thứ nhất, rà soát lại các CT đào tạo trên cơ sở nghiên cứu kỹ thị trường nguồn nhân lực tầm nhìn 5-10 năm sau ; bám sát chủ trương của Chính phủ, chính sách của địa phương trên cơ sở đó, rà soát lại ngành nghề đào tạo của trường để phân làm 3 loại: loại 1 rất đúng, rất trúng, loại 2 tỷ lệ trúng 50/50, loại 3 thấy không cần thiết, không phù hợp nên sớm bỏ đi. Số lượng cơ cấu ngành cần phù hợp với cơ cấu, nhu cầu của nền kinh tế-xã hội.

Quy hoạch cơ cấu ngành đào tạo của trường, chỉ nên xác định tầm nhìn 10 năm, kế hoạch cụ thể trong 5 năm vì kinh tế xã hội đất nước ta thay đổi rất nhanh.

Sau khi có bản đồ về số lượng, sẽ tính tới xây dựng bản đồ về chất lượng. Trong số những ngành cần thiết đó, sẽ xác định những ngành nào cần chú trọng đầu tư.

Bộ trưởng gợi ý, tốt nhất các trường nên chọn các ngành đầu tư trọng điểm từ 35 CT đào tạo của CTTT để chọn, tuy nhiên nhiều ngành khác không nằm trong 35 ngành này mà vẫn đáp ứng yêu cầu về sự cần thiết được vẫn đưa vào. Đối tượng các cơ sở tham gia gồm cả các trường ĐH công lập và tư thục.

Bước 2, Sau khi có một bản đồ tổng quan về các ngành đào tạo chiều ngang chiều dọc về cơ cấu, mục tiêu đào tạo… các trường xác định mục tiêu phát triển nhà trường, năng lực đào tạo để chọn CT nào mà trường thấy là quan trọng nhất. Mỗi trường chỉ nên chọn tối đa 5 ngành tham gia Đề án, thực hiện được 2-3 CT thành công là tốt, không phát triển dàn hàng ngang; và phải xác định rõ đó là việc của nhà trường, không phải việc của Bộ.

Bộ sẽ không trực tiếp làm như CT tiên tiến, nhưng sẽ hỗ trợ định hướng; Đề án sẽ thiết kế theo hướng mở có chính sách rõ ràng, hỗ trợ bằng tiền, cơ chế thậm chí hỗ trợ cả nhân lực. Chủ trương là sẽ hỗ trợ theo đầu người học chứ không hỗ trợ một gói theo mục tiêu như trước, và giữa các trường phải có sự cạnh tranh.

Tự lực đào tạo, không cần Nhà nước hỗ trợ

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết đánh giá chương trình tiên tiến (CTTT), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng bên cạnh các kết quả đạt được, thể hiện qua những con số cụ thể như 3.600 sinh viên tốt nghiệp, ra trường đều có việc làm, chất lượng nguồn nhân lực được doanh nghiệp đánh giá cao... thì ý nghĩa lớn nhất của CTTT đó là đã tăng cường năng lực quản trị chương trình, năng lực đào tạo và HTQT cho nhà trường. Từ đó, các cơ sở đào tạo (CSĐT) có thể tự lực tiếp tục đào tạo những khóa sinh viên tốt hơn mà không cần nhà nước hỗ trợ.

Đánh giá về CTTT sau 10 năm thực hiện, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Lộ trình nâng cao chất lượng các chương trình (CT) đào tạo nói chung trong đó tập trung đầu tư cho những ngành then chốt của nền kinh tế nói riêng thông qua CTTT là đúng hướng”. Giai đoạn 10 năm thực hiện CTTT đã tạo tiền đề về cơ bản là vững chắc cho một số ngành đào tạo (như 35 ngành của CTTT), để xây dựng những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo trong giai đoạn tiếp theo. Đó là giai đoạn tập trung đào tạo những sản phẩm chất lượng cao và nghiên cứu khoa học đỉnh cao .

Bộ trưởng đánh giá: “Các sản phẩm cụ thể của 35 CT cũng rất đáng trân trọng. Trong đó sản phẩm trực tiếp là 3.600 sinh viên đã tốt nghiệp, đạt trình độ cao, theo quan sát, đánh giá của tôi cũng như phản hồi của các doanh nghiệp đã sử dụng, chất lượng của các em khác hẳn với sinh viên các CT đào tạo đại trà. Cơ sở đào tạo tham gia CTTT có sự thay đổi cả về nhận thức, năng lực đào tạo, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, quan hệ doanh nghiệp và bài học quản lý”. So lượng tiền bỏ ra, với kết quả đạt được chúng ta đã làm tốt. Nếu đào tạo 3.600 cử nhân, kỹ sư này ở nước ngoài, cần một lượng tiền gấp hàng chục lần như thế. Nhìn ở góc độ hiệu quả đầu tư, rõ ràng mô hình này tiết kiệm hơn các đề án 911, 322 rất nhiều.

Tuy nhiên, bên cạnh những trường thực hiện tốt, vẫn có những môi trường chưa thực sự tiên tiến, từ người đứng đầu trường tới người chủ nhiệm CTTT chưa nhận thức đúng, chưa chuyên nghiệp, quy trình chưa đồng bộ …dẫn tới hiệu quả chưa cao trong quá trình triển khai. Khi chọn CT, chưa dành nhiều thời gian để phân tích dự đoán, chọn ra những ngành cần thiết cho nền kinh tế mà chủ yếu dựa vào ngành đã có thế mạnh, dẫn tới một số ngành xã hội không quan tâm, quy mô nhỏ, sinh viên đầu vào chất lượng chưa tương xứng với mục tiêu của CT. Trong đó, cái khó nhất là tiếng Anh. Chưa có thời gian chuẩn bị cho cả thầy và trò. Có gì dùng nấy. Dẫn tới chất lượng trong một số CT chưa đạt được mục tiêu của CTTT.

Một bất cập nữa của một số cơ sở đào tạo khi tham gia các CTTT là: sau khi sinh viên ra trường không theo dõi sát sao, thu nhận phản hồi của nhà tuyển dụng từ đó có những đánh giá chất lượng hiệu quả đầu ra chính xác, để có những điều chỉnh lại với CT giảng dạy cho sát thực và hiệu quả hơn. Độ gắn kết của CT với nghiên cứu khoa học và với doanh nghiệp chưa cao, một số trường có tâm lý  “buông”, hết tiền tài trợ là hết CTTT.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO