Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm - chìa khóa giảm nghèo bền vững

NAM TIẾN| 26/12/2019 05:50

KHPTO - Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, nhất là hộ dân vùng nông thôn, những người ảnh hưởng quá trình đô thị hóa…TP.HCM thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ và giải pháp giảm nghèo.

Các chính sách hỗ trợ và giải pháp giảm nghèo thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được TP.HCM triển khai trong thời gian qua là cho vay ưu đãi; đào tạo nghề và giải quyết việc làm; các giải pháp an sinh xã hội: bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, nước sạch…

Đối với chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm, TP.HCM có chủ trương ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp…với cơ cấu đào tạo 30% nghề nông nghiệp và đào tạo 70% nghề phi nông nghiệp.

Cụ thể, hỗ trợ tiền học phí, tiền ăn, tiền sinh hoạt phí cho lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vượt chuẩn cận nghèo khi tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố. Đồng thời, hỗ trợ vay vốn để mua sắm phương tiện, dụng cụ học tập, đóng học phí, để tự tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, vận động phát huy ý thức tự vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuyên truyền chính sách xuất khẩu lao động, thị trường xuất khẩu lao động và nhu cầu lao động của các doanh nghiệp tại thành phố, tổ chức phiên giao dịch việc làm để kết nối thông tin cung - cầu lao động để giúp hộ nghèo tiếp cận cơ hội việc làm.

Nhà Bè là huyện điển hình triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Trong nhiều năm liền, huyện Nhà Bè thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo như: đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, liên kết sản xuất. Cùng với đó, thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định. Từ đó, giúp huyện này kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,08% năm 2016 xuống còn 2,7% năm 2019, toàn huyện không còn hộ gia đình chính sách nghèo.

Qua triển khai từ năm 2016 - 2018, đã có 39.427 người trên địa bàn TP.HCM được các trung tâm dạy nghề đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, 6.529 người được dạy nghề và 24.710 lao động được các trung tâm giải quyết việc làm. Từ đó giúp kéo giảm hộ nghèo của 5 huyện xuống còn 1.777 hộ, chiếm 0,41%. Ngoài ra, tỷ lệ lao động có việc làm cũng tăng lên đáng kể, nếu như năm 2016 tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của 5 huyện chỉ đạt 56,28%, thì đến năm 2019, số lao động có việc làm đạt 95,43%. Bên cạnh đó, cũng có 101.195 hộ vượt chuẩn nghèo qua từng giai đoạn của thành phố. Hiện thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm - chìa khóa giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO