Đào tạo nghề để nâng cao đời sống người lao động ở xã nông thôn mới

N. QUỲNH| 08/09/2021 21:34

KHPTO - Công tác đào tạo nghề cho lao động ở các xã nông thôn mới được TP.HCM triển khai mạnh mẽ, tạo điều kiện cho lao động nông thôn (LĐNT) có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống từng bước được thay đổi.

Từ năm 2010 - 2020, huyện Cần Giờ và các đơn vị đã phối hợp tổ chức điều tra trình độ đào tạo nghề của toàn bộ lao động thuộc 18.262 hộ gia đình trên địa bàn huyện này; tổ chức phát 15.349 phiếu khảo sát, tập trung lao động chưa qua đào tạo và lao động thất nghiệp. Sau khảo sát, huyện đã tổ chức 10 lớp đào tạo các ngành nghề như may công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật nuôi tôm, kỹ thuật trồng rau an toàn, tin học văn phòng cho 267 lao động, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người lao động.

Huyện cũng đã tổ chức hướng nghiệp và giới thiệu việc làm trong 49 buổi, thu hút 5.570 lượt người tham dự; tổ chức 4 sàn giao dịch việc làm với hơn 2.000 người tham dự. Thông qua việc triển khai các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020, huyện Cần Giờ đã đào tạo cho 17.449 lao động; trong đó có 8.608 lao động nữ, chiếm 49,33%; lao động có việc làm sau học nghề đạt 14.891 lao động, chiếm 85,1%; có 8.577 hộ gia đình có người tham gia học nghề thoát nghèo. Đến cuối năm 2019, huyện này cơ bản không còn hộ nghèo thu nhập bình quân dưới 21 triệu đồng/người/năm. Cả 6/6 xã đã hoàn thành các chỉ tiêu theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Cũng nhờ được đào tạo nghề mà huyện Củ Chi có 22.268 người lao động có việc làm. Từ năm 2010 - 2020, huyện này đã tư vấn nghề cho 17.588 lao động nông thôn; tổ chức 32 sàn giao dịch việc làm miễn phí, thu hút 150 lượt doanh nghiệp và hơn 32.280 lượt người lao động tham gia. Huyện này cũng tổ chức đào tạo nghề cho 28.353 người, qua đó có 22.268 người có việc làm sau học nghề.

Củ Chi đã xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; chăn nuôi bò sữa, bò thịt tại các hộ gia đình; mô hình trồng hoa lan, cây cảnh tại ấp 3 xã Phạm Văn Cội; mô hình giúp việc nhà tại xã Thái Mỹ.

Huyện cũng quan tâm bồi dưỡng, tập huấn cho 256 lượt cán bộ phụ trách, quản lý đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các xã, thị trấn; đầu tư trang thiết bị dạy nghề nấu ăn với kinh phí gần 10,7 triệu đồng; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo 7 nghề mới: kỹ thuật kết cườm, kỹ thuật làm bánh, sửa chữa ô tô, tiện CNC, phay CNC, nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi heo.

Nhiều hộ gia đình tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, trước đây không hiểu biết kỹ thuật, vốn để chuyển đổi mô hình canh tác, chủ yếu trồng lúa và hoa màu, cuộc sống bấp bênh. Nay họ được tham gia các khóa học nghề, vay vốn, từ đó đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng hoa mai, lan, cây cảnh, chăn nuôi bò sữa, cho thu nhập cao.

Theo Sở lao động, thương binh và xã hội TP.HCM, 10 năm qua, thành phố đã đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật cho 89.808 LĐNT tại 12 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Riêng số LĐNT qua đào tạo chuyên nghiệp đạt 723.895 lao động/851.791 LĐNT đang làm việc. Có 26 cơ sở đào tạo (20 đơn vị công lập, 6 đơn vị ngoài công lập) được các quận, huyện đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho LĐNT”.

Kết quả, gần 90% số người tham gia đào tạo có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo, nhiều người trở thành những tỷ phú ở vùng nông thôn, ngoại thành thành phố. Số còn lại tự tạo hoặc tự tìm việc làm.

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới và thực hiện đề án 1956, thu nhập của người dân nông thôn TP.HCM đã tăng lên 2,72 lần. Năm 2010, thu nhập bình quân khu vực nông thôn là 23,17 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2020 đã đạt trên 63 triệu đồng/người/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề để nâng cao đời sống người lao động ở xã nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO