Đạo diễn Phan Huyền Thư: Tôi sẽ là nhà làm phim tài liệu độc lập

14/03/2008 11:05

Trong các hạng mục của giải thưởng do Hội điện ảnh Việt Nam trao tặng Cánh diều vàng 2007, ở thể loại phim tài liệu, đạo diễn nữ duy nhất với hai bộ phim “Cha mẹ xin lỗi con” và “Mẹ, con đã về” - Phan Huyền Thư đã được trao tặng giải đạo diễn xuất sắc nhất. PV báo Khoa Học Phổ Thông đã có cuộc trò chuyện với chị nhân dịp này, ngay trước khi chị rời TP. Hồ Chí Minh.

PV:Cái tên Phan Huyền Thư quen thuộc với công chúng ở vai trò một nhà thơ, nhà văn hơn là một biên kịch, đạo diễn phim tài liệu, vậy cơ duyên nào đưa chị đến với điện ảnh, cụ thể là phim tài liệu? Giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất thể loại phim tài liệu của “Cánh diều vàng” 2007 có ý nghĩa như thế nào với chị?

Đạo diễn Phan Huyền Thư: Danh vị nhà thơ rất cao quý, nhưng đối với một người đã có một sự lựa chọn ổn định về nghề nghiệp như tôi, sự cao quý ấy phải do tự thân tác phẩm của mình chịu trách nhiệm. Tôi coi văn chương là nghiệp nhưng làm phim tài liệu là một nghề để gắn bó, để sống và đi với cuộc đời này. Tôi gắn bó với Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương đã 9 năm rồi. Lúc mới về hãng, cuối năm 1999, tôi hầu như chưa biết gì về nghề, phải bắt đầu học và lăn lộn. Làm phim tài liệu cần sự thức tỉnh bên trong, cần sự chia sẻ và lay động với đồng loại không khác gì làm thơ cả. Mọi người sẽ vẫn biết đến tôi với tư cách một nhà thơ trong phim tài liệu.

Còn giải thưởng, thành thật mà nói, đến thật đúng vào lúc bản thân tôi cảm thấy bế tắc, tôi từng có ý muốn quay lại công việc làm thơ, viết văn, phê bình. Giải thưởng này giúp tôi lấy lại niềm tin, bởi tôi đã thấy những bàn tay của thế hệ đi trước chìa ra, đón thế hệ trẻ, những nỗ lực của chúng tôi đã được ghi nhận. Điều này thật sự rất quan trọng đối với bản thân tôi, cũng như các đồng nghiệp trẻ như tôi.

Theo chị để phim tài liệu thu hút sự quan tâm của công chúng nhiều hơn, người làm phim, nhất là đạo diễn phải làm gì? Và hướng đi riêng của chị trong thời gian sắp tới?

- Tôi chỉ có thể nói, khi công chúng không quan tâm đến phim tài liệu thì có nghĩa, ý thức về chất lượng cuộc sống, giá trị con người cũng như ý thức công dân của họ còn kém. Một phần, cuộc sống xô bồ, nhiều cạm bẫy bên ngoài hấp dẫn họ đến với những giá trị “bề mặt” hơn là bản chất hoặc phần đông khán giả hiện nay không muốn chạm vào một giới hạn cụ thể nào của giá trị nhân văn. Quan trọng hơn, chính cách làm phim tài liệu khuôn thức theo kiểu “radio-vision” mấy chục năm qua khiến khán giả ngủ quên cùng phong cách phim tài liệu tuyên truyền. Điều đó dẫn đến sự nhầm lẫn tai hại giữa thể loại phóng sự truyền hình, phim tài liệu truyền hình với một bộ phim tài liệu điện ảnh thực sự. Điện ảnh tài liệu đã tự đánh mất mình trên sóng truyền hình thay vì phải đến với khán giả thực sự trong rạp. Bởi lẽ, không ai nghĩ đến chuyện sẽ đưa các bộ phim tài liệu ra rạp chiếu cả, chính phim chuyện cũng đang còn ngắc ngoải trong các rạp kia mà! Tôi nói những điều này có vẻ rất hồ đồ và chủ quan, nhưng đấy là suy nghĩ thật của tôi. Trong suốt chín năm qua, tôi chưa bao giờ bi quan về cơ chế quản lý cũng như ưu đãi của nhà nước dành cho phim tài liệu, tôi chỉ tự quy hoạch bước nhảy cho bản thân, chứ không trông đợi vào cơ chế hay cơ hội do người khác tạo ra. Tôi cũng tin rằng, nếu có thể, tôi sẽ là một trong số những nhà làm phim tài liệu độc lập đầu tiên của Việt Nam. Con đường đó hấp dẫn và khá lý tưởng với suy nghĩ của tôi.

Việc hình thành ý tưởng cho một bộ phim tài liệu đến với chị từ đâu, cụ thể là hai bộ phim đoạt giải “Cánh diều bạc” 2007?

- Để có một phim tài liệu, việc đầu tiên là trái tim của bạn phải đập nhanh hơn khi nghĩ đến một vấn đề cụ thể nào đó. Bạn nghĩ về nó nhiều hơn trong mỗi ngày và loay hoay tìm cách thực hiện ý tưởng của mình để bộc lộ suy nghĩ, quan điểm của bạn với vấn đề đang ngự trị tinh thần và tình cảm của bạn. Kịch bản trong phim tài liệu là cái gì đó khá lạc hậu trong quan niệm nghề nghiệp của tôi. Tôi chỉ cần một ý tưởng và phương pháp triển khai ý tưởng đó bằng điện ảnh, nghe có vẻ như rất giống với cách hình thành một bộ phim truyện. Đúng vậy, chỉ khác, tôi không có diễn viên, không có ai bịa chuyện cho tôi thực hiện các cảnh quay. Tất cả là cuộc sống và con người thật dẫn dắt tôi đi. Với tôi, một ý tưởng cho một bộ phim tài liệu bao giờ cũng bắt đầu từ một nỗi ám ảnh, một câu hỏi phản biện hoặc một sự thảng thốt, đau buồn...

Tôi làm phim “Cha mẹ xin lỗi con” sau khi đọc bài báo “Nghĩa trang không bia mộ” trên Tuổi trẻ chủ nhật. Tôi chỉ là một trong vô số những độc giả của bài báo đó bị ám ảnh bởi câu chuyện về người thợ xây có tấm lòng bác ái. Tôi nghĩ đến chính mình, khi mẹ tôi có thai tôi, bà cũng đã từng nghĩ đến chuyện sẽ bỏ tôi. Tôi đã đặt ra rất nhiều câu hỏi cho chính mình và đã thực hiện bộ phim này với tâm lý đó. Tôi mong các bạn có dịp xem cảhai bộ phim “Cha mẹ xin lỗi con”“Mẹ, con đã về”, từ đó, các bạn sẽ thấy những gì tôi nghĩ không có trong bài báo mà tôi và các bạn đã từng đọc. Mỗi bộ phim đối với tôi là cả cuộc đời cộng với một ý tưởng. Để có thể khóc khi xem một bộ phim truyện đã khó, trào nước mắt và day dứt khi xem một bộ phim tài liệu thì quý giá biết bao nhiêu về giá trị nhân văn và sự cảm thông, chia sẻ. Tôi không định lấy nước mắt của người xem, chỉ muốn lay động trái tim họ, dẫn họ đến với sự yêu thương đồng loại và muốn sống tốt hơn, thức tỉnh tính nhân văn bên trong mỗi con người. O

Cảnh trong phim "Cha mẹ xin lỗi con"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo diễn Phan Huyền Thư: Tôi sẽ là nhà làm phim tài liệu độc lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO