Đảo An Sơn trù phú

Hoài Phương| 12/05/2015 09:59

An Sơn là 1 trong 2 xã của quần đảo Nam Du, thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, nằm cách xa TP. Rạch Giá 90 km và cách đảo Phú Quốc khoảng 100 km. Đến với An Sơn là đến với hòn Lớn nhưng xưa nay bà con quen gọi là hòn Củ Tron, hiện có trên 1.200 hộ và 5.000 cư dân sống tập trung nơi các triền núi và bãi biển trù phú.

Hòn Củ Tron có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như bãi Ngự, giếng Ngự, giếng Tiên... Đó là những địa danh gắn liền với những giai thoại của một thời về Nguyễn Ánh - Gia Long khi dừng chân lánh nạn. Du khách đến còn có dịp ngắm ngọn hải đăng “con mắt biển” canh giữ cho vùng trời tây nam. Mỗi nơi đều mang một dáng vẻ riêng, nhưng hấp dẫn nhất là bãi Giếng, một làng chài còn nhiều nét đẹp hoang sơ với nhiều ghềnh đá chông chênh, nhiều tảng đá lớn nhỏ chồng chất lên nhau tạo thành những hình thù kỳ quái.

An Sơn, trung tâm của quần đảo Nam Du, ngoài vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ, nơi đây còn là một hòn đảo giàu tiềm năng kinh tế. Mặc dù còn không ít khó khăn nhưng bằng nỗ lực và tinh thần năng động, sáng tạo của địa phương trong chuyển đổi ngành nghề sản xuất phù hợp với thời tiết và mùa vụ nên việc khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản đều phát triển ổn định. Tính đến nay, toàn xã có 465 phương tiện đánh bắt, sản lượng khai thác năm 2011 đạt 8.415 tấn. Về nuôi trồng hải sản, hiện có 25 bè nuôi với 105 lồng, ước tính sản lượng cá thương phẩm từ đầu năm đến nay gần 60 tấn, hầu hết là cá bớp và cá mú.

Ông Phạm Văn Quân, chủ tịch UBND xã An Sơn phấn khởi cho biết, tuy nguồn hải sản thiên nhiên ngày càng giảm đi nhưng trong năm 2011 và đầu năm 2012 bà con vẫn trúng mùa, nhiều nhất là cá thu và mực, tạo cơ hội cho bà con ngư dân khá lên, giảm hộ nghèo xuống còn 0,35%, nâng thu nhập bình quân đầu người trong năm 2011 lên 25 triệu đồng/năm.

Ông Trần Văn Công ở tổ 6, thuộc bãi Giếng Tiên phấn khởi: nhờ nuôi được 1 bè, 2 lồng cá bớp và cá mú mà gia đình khá lên. Ông và 2 người con trai hàng ngày chịu khó ra khơi lặn bắt cá giống đem về thả nuôi và tự đánh bắt cá tạp làm mồi nên đỡ phải tốn tiền con giống và tiền thức ăn.

Đa số bà con ngư dân ở đây đều làm nghề đánh bắt mực bằng vỏ ốc, lưới, câu, lặn... Số còn lại chuyên sửa chữa đóng mới tàu, hàn tiện, sơ chế mực, khô các loại. Ngoài ra còn có một số hộ chăn nuôi heo và trồng rau màu các loại, tổng giá trị sản lượng hàng năm ước lượng trên 2 tỷ đồng.

Đến với hòn Củ Tron - An Sơn, ngoài việc tham quan, nghỉ dưỡng, du khách còn có dịp thưởng thức nhiều món ngon vật lạ, mỗi món ăn đều có những nét riêng độc đáo. Du khách muốn ăn có thể tự ra bãi biển chọn mua rồi vào các quán ăn hoặc nhà dân nhờ nấu nướng tha hồ thưởng thức. Có hòa nhập với bà con vùng biển đảo, chúng ta mới thấy hết nỗi gian truân vất vả của những con người đầu sóng ngọn gió, suốt ngày “mặt biển chân mây”, ráo mái chèo thời khô túi, nhưng tâm hồn lúc nào cũng phóng khoáng, hiền hòa, chân chất và giàu lòng hiếu khách.

Sau mỗi chuyến đi trở về vẫn còn vương mãi cái dư vị ngọt ngào của biển cả An Sơn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảo An Sơn trù phú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO