Đầm Đông Hồ - Hà Tiên: Đặc trưng sinh thái độc đáo cần bảo tồn

THANH TÂM| 18/11/2011 10:02

Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát triển bền vững đầm Đông Hồ” do UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) vừa tổ chức, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi cho biết, hệ sinh thái núi đá vôi và đất ngập mặn vùng Hà Tiên được đánh giá là hệ sinh thái đặc biệt, trong đó đầm nước mặn Đông Hồ là điểm nhấn quan trọng trong hệ thống đầm phá ven biển Việt Nam. Là nơi có giá trị đặc biệt về sinh thái, tính đa dạng sinh học không chỉ của Kiên Giang mà của cả Việt Nam...

Báo động suy thoái, xuống cấp

Theo các nhà khoa học, đầm Đông Hồ được xem là một “lagoon” ven bờ nhiệt đới tiêu biểu của ĐBSCL. Là hệ đệm giữa biển - đồng bằng, bể lắng giữ lại trầm tích, chất thải, góp phần làm sạch nguồn nước, hạn chế ô nhiễm môi trường biển, có hệ động - thực vật phong phú. Đầm Đông Hồ còn có giá trị về mặt văn hóa gắn với lịch sử Hà Tiên. Thời Mạc Cửu (1708), Đông Hồ trở thành thương cảng, là căn cứ thủy quân và là thắng cảnh ngắm trăng, thưởng nguyệt độc đáo. Đầm có khí hậu tinh khiết, trong lành, mặt nước rộng lớn nhiều tài nguyên, cảnh quan lạ, nhiều hệ sinh thái đặc thù... tạo nét độc đáo phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Thái Thành Lượm, giám đốc Sở tài nguyên môi trường Kiên Giang, đầm Đông Hồ đang bị ô nhiễm từ rác, nước thải sinh hoạt, khai thác du lịch, cảng biển, khu dân cư, các cơ sở sản xuất, ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... Ngoài ra, đầm còn bị bồi lắng, xây kè lấn biển, làm thay đổi diện mạo cửa thông ra biển của đầm... Thực tế môi trường cảnh quan vùng hồ đang trên đà suy thoái, xuống cấp từng ngày, cần phải kịp thời chấn chỉnh khắc phục.

Ông Mai Văn Huỳnh, bí thư thị ủy, chủ tịch UBND thị xã Hà Tiên thừa nhận người dân tự ý lấn chiếm lòng hồ, trồng cây, giăng đáy, đặt đăng, nò, dến... gây nên sự phức tạp trong quản lý khai thác và sử dụng đầm Đông Hồ. Do quá trình phát triển dân cư và nhu cầu làm ăn sinh sống của các tầng lớp nhân dân cùng với sự bồi lắng khá nhanh của đầm đã làm thay đổi hệ sinh thái cây ngập nước và các hộ dân đã trồng mắm, đước, dừa nước lấn chiếm lòng hồ ảnh hưởng đến rừng ngập mặn. Trong các năm 2004 đến năm 2010 dù thị xã Hà Tiên đã cố gắng giải tỏa các đăng, nò, đáy và ngăn chặn các trường hợp bao chiếm đất để nuôi trồng hải sản nhưng kết quả đạt được còn nhiều hạn chế, cần phải có cách tiếp cận mới mang tính khả thi hơn.

Cần hành động bảo tồn, trước khi quá muộn

Theo TS. Nguyễn Xuân Niệm, phó giám đốc Sở khoa học công nghệ tỉnh Kiên Giang, việc cần làm là lập dự án, nghiên cứu khoa học để xây dựng phương pháp bảo tồn đầm Đông Hồ hiệu quả trong tương lai... GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân, ủy viên Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho rằng, vấn đề cần chú ý là giữ Đông Hồ theo tự nhiên, đó là đặc trưng sinh thái, cảnh quan độc đáo có giá trị của Việt Nam và thế giới. Đầm Đông Hồ mang giá trị sinh thái, văn hóa, nguồn lợi (thủy sản, du lịch). Hạn chế tối đa tác động con người làm phá vỡ cảnh quan. Không thể quay đê lấn biển một cách tùy tiện phá vỡ cân bằng sinh thái, không thể biến Đông Hồ thành hồ nước ngọt mà giữ đặc thù, đó là bảo tồn đa dạng sinh học của Đông Hồ.

Tổng lãnh sự Australia, ông Graeme Swift cho biết, trước thực trạng khai thác tài nguyên không bền vững ở đầm Đông Hồ hiện nay, cần hành động ngay khi còn không quá muộn để bảo vệ hệ sinh thái nước ngập mặn, đảm bảo vùng ven biển - vùng nước ngập mặn như tỉnh Kiên Giang trở thành mô hình phát triển bền vững của Việt Nam góp phần giảm thiểu tác hại do biến đổi khí hậu. Việc thành lập ban quản lý khu bảo tồn đầm Đông Hồ nhằm quản lý tổng hợp giá trị cảnh quan và đa dạng sinh học là rất cần thiết. TS. RW (Bill) Carter thuộc Trung tâm nghiên cứu quản lý di sản lưu ý, phát triển du lịch không chỉ là khách sạn, sản phẩm và chiến lược tiếp thị... Nó là mối liên hệ giữa du khách và các cộng đồng làm du lịch và môi trường của họ. Cần cân nhắc kỹ lưỡng, những yếu tố truyền thống nào có thể mất trong quá trình phát triển và nếu vậy thì có chấp nhận hay không?

Ông Bùi Ngọc Sương, phó ban chỉ đạo Tây Nam bộ (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang) cho rằng, bảo tồn đầm Đông Hồ chú ý đảm bảo cuộc sống người dân ven hồ, sắp xếp dân cư theo quy hoạch, tạo điều kiện cho người dân sinh kế và bảo vệ môi trường, không xâm hại lòng hồ; bảo tồn hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên, trong đó có cảnh “Đông Hồ Ấn Nguyệt” đã đi vào thi ca...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầm Đông Hồ - Hà Tiên: Đặc trưng sinh thái độc đáo cần bảo tồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO