Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM: Đặt ra 26 chỉ tiêu và 8 nhiệm vụ phát triển chủ yếu cho nhiệm kỳ 2020 - 2025

MINH TÂN| 18/10/2020 11:54

KHPTO - Sau gần 5 ngày, từ 14 - 18/10/2020 làm việc khẩn trương và nghiêm túc với ý thức trách nhiệm cao, dân chủ, đoàn kết, đổi mới, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ mới với 61/65 ủy viên (được bầu từ 72 người do Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 giới thiệu).

4 ủy viên còn khuyết sẽ được Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, điều chuyển, bố trí lại một số nơi cần có cơ cấu ủy viên Ban Chấp hành sau khi Đại hội kết thúc.

Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM Khóa XI có 16 người; ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chánh văn phòng Trung ương Đảng, được các đại biểu bầu làm Bí thư Thành ủy TP.HCM với số phiếu tuyệt đối (100%), và 4 phó Bí thư Thành ủy TP.HCM: Nguyễn Hồ Hải, Nguyễn Thị Lệ, Nguyễn Thành Phong, Trần Lưu Quang. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM Khóa XI là ông Dương Ngọc Hải.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị TP.HCM, sau Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TP.HCM cho đến khi kết thúc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Sau khi thảo luận Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM Khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Báo cáo tổng hợp ý kiến của tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân TP.HCM đóng góp vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; tiếp thu phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và thảo luận tại Đại hội; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố đã quyết định: tán thành những nội dung cơ bản về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM, xây dựng hệ thống chính trị TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong Báo cáo chính trị trình Đại hội.

Về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đại hội khẳng định: 5 năm qua, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, thời cơ, đan xen những diễn biến phức tạp trên thế giới và khó khăn trong nước tác động bất lợi, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP.HCM đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: giữ vững vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước; hoàn thành 11/14 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, trong đó, 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Công tác quy hoạch, quản lý và phát triển hạ tầng và dịch vụ đô thị đạt nhiều kết quả thiết thực. Văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển. Chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng nghèo, gia đình chính sách, có công có nhiều tiến bộ. Năm 2020, TP.HCM đã quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 thành công với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Phong trào thi đua yêu nước tiếp tục có bước phát triển. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và vận động Nhân dân đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả có ý nghĩa. Hệ thống chính trị được củng cố, hoạt động hiệu quả hơn; cán bộ, đảng viên tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, lòng tin trong Nhân dân từng bước được củng cố, đóng góp quan trọng vào ổn định, bảo vệ và phát triển TP.HCM. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, đã được các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có kết quả gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và Quy định số 1374-QĐ/TU ngày 1/12/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy. Công tác tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt Đảng, phát huy vai trò nêu gương của cấp ủy, nhất là người đứng đầu có tiến bộ.

Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM và Ban Thường vụ Thành ủy đoàn kết, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện đúng quy chế làm việc, có tính chiến đấu, chịu trách nhiệm trước Đảng bộ và Nhân dân TP.HCM, có nhiều nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo để tạo cơ chế và mô hình mới phát triển TP.HCM, vì cả nước, cùng cả nước.

Yếu kém lớn nhất trong lãnh đạo của Thành ủy là chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của TP.HCM, của hợp tác Vùng và hợp tác quốc tế để TP.HCM phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Công cuộc chống tham nhũng, suy thoái đã có tiến bộ, song chưa căn bản, chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng, của Nhân dân và đòi hỏi phát triển của TP.HCM.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 giảm mạnh; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; chế độ chính sách để thúc đẩy khoa học - công nghệ phát triển còn hạn chế, chưa phát huy hết nguồn lực khoa học - công nghệ của TP.HCM; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư còn thấp so với nhu cầu; tình trạng quá tải bệnh viện tuyến thành phố vẫn còn. Công tác quản lý quy hoạch gặp nhiều khó khăn, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Việc phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng bộ TP.HCM gắn với công tác phản bác, đấu tranh với các quan điểm sai trái trên Internet, mạng xã hội còn chậm, thiếu đồng bộ và chưa đạt yêu cầu; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn thấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước có mặt còn yếu kém; việc phát hiện tham nhũng còn ít so với thực tế; nhận thức về công tác dân vận trong hệ thống chính trị chưa đồng bộ; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có mặt còn chậm.

Về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM, xây dựng hệ thống chính trị TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đại hội nhất trí với mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu tổng quát là sẽ “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, huy động hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân, thành phố là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á”.

Cụ thể, Đại hội đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, TP.HCM sẽ là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD. Và đến đến năm 2030, TP.HCM sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Đại hội đặt ra 26 chỉ tiêu phát triển chủ yếu cho nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm:

1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP.HCM (GRDP) bình quân hàng năm là 8%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%.

2. Phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TP.HCM.

3. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt 8.500 USD/người.

4. Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP.

5. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 - 50%.

6. Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1%/GRDP.

7. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm.

8. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc.

9. Trong 5 năm, tạo việc làm mới cho 700.000 lao động (bình quân 140.000 lao động/năm), tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%.

10. Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP.HCM.

11. Đến cuối năm 2025, đạt tỷ lệ 21 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh/vạn dân.

12. Tiếp tục duy trì đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi). Đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đi học.

13. Đến năm 2025, tổng tỷ suất sinh đạt ít nhất 1,4 con/phụ nữ (tuổi sinh đẻ) (hướng tới 2030: 1,6 con/phụ nữ).

14. Tiếp tục duy trì 100% số hộ dân sử dụng nước sạch.

15. Tiếp tục duy trì xử lý chất thải y tế và nước thải công nghiệp đạt 100%.

16. Đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% (hướng tới 2030: 100%).

17. Đến năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,5 km/km2.

18. Giai đoạn 2021 - 2025, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 50 triệu m2 và đến cuối năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5 m2/người.

19. Đến năm 2025, diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65m2/người (hướng tới 2030 không dưới 1 m2/người).

20. Phấn đấu thành phố nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).

21. Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên.

22. Giữ vững an ninh chính trị, kéo giảm phạm pháp hình sự và tăng tỷ lệ điều tra khám phá án; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trên 90%, kéo giảm ít nhất 5% số người chết do tai nạn giao thông hằng năm, nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và kéo giảm 10% số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng so với nhiệm kỳ trước.

23. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước, chất lượng ngày càng cao hơn; giảm tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng yếu kém xuống dưới 0,5 %.

24. 100% người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương theo Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

25. Kiểm tra, giám sát đối với 100% tổ chức đảng, đảng viên về việc thực hiện các thông báo, kết luận sau kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp.

26. 100% các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy có chương trình cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tương đương với cải cách hành chính và chính quyền số ở TP.HCM.

Đại hội cũng đặt ra 8 nhiệm vụ phát triển TP.HCM, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị TP.HCM, gồm: (1) Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; (2) Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững; (3) Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ; (4) Đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; (5) Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế; (6) Đổi mới quản lý TP.HCM; (7) Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng công tác dân vận, tăng cường gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; (8) Bốn chương trình phát triển TP.HCM 2020 - 2025/2030 (gồm: đột phá đổi mới quản lý TP.HCM với 14 Đề án thành phần; đột phá phát triển hạ tầng TP.HCM với 13 Đề án, Chương trình thành phần; đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TP.HCM với 11 Đề án, Chương trình thành phần; phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM với 13 Đề án, Chương trình thành phần).

Tân Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XI phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Bí thư Thành ủy T.PHCM Nguyễn Văn Nên, cho rằng: những thành tựu đạt được trong thời gian qua là công lao to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Ban Chấp hành Đảng bộ qua các thời kỳ. Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XI tiếp nhận toàn bộ các công việc, trách nhiệm do Ban Chấp hành Đảng bộ khóa X giao lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM: Đặt ra 26 chỉ tiêu và 8 nhiệm vụ phát triển chủ yếu cho nhiệm kỳ 2020 - 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO