Đại học quốc gia TP.HCM: khoa học công nghệ nâng tầm hội nhập

Anh Thư| 03/01/2018 10:57

Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) vừa tổ chức hội nghị thường niên năm 2017, nhằm tổng kết hoạt động của ĐHQG-HCM trong năm 2017 và triển khai kế hoạch năm tiếp theo. Năm 2018, ĐHQG-HCM xác định chủ đề hoạt động là: “Khoa học công nghệ nâng tầm hội nhập”.

Nâng cao chất lượng giáo dục
Thực hiện kế hoạch chiến lược ĐHQG-HCM giai đoạn 2016 - 2020, với chủ đề hoạt động năm 2017 là “Hội nhập chất lượng giáo dục”, ĐHQG-HCM đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó nổi bật, Trường đại học (ĐH) bách khoa (ĐHQG-HCM) (cùng với 3 trường: Trường ĐH bách khoa Hà Nội, Trường ĐH xây dựng, Trường ĐH bách khoa Đà Nẵng) vừa trở thành một trong bốn trường ĐH đầu tiên của Việt Nam được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) của Pháp ra kết luận đánh giá đạt chuẩn kiểm định trường ĐH với hiệu lực 5 năm. Đến thời điểm này, cả 6 trường ĐH thành viên của ĐHQG-HCM đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cấp trường. Đây là kết quả minh chứng về chất lượng đào tạo tốt của ĐHQG-HCM với xã hội. Song song đó, kết quả kiểm định cấp chương trình đào tạo cũng đạt những thành tích cao. Tính đến nay, ĐHQG-HCM có 38 chương trình kiểm định chuẩn AUN-QA, trong đó, năm 2017 đã kiểm định 8 chương trình.
Theo bảng xếp hạng QS Asia 2017 - 2018, Việt Nam có 5 đơn vị lọt vào top 400 trường ĐH hàng đầu châu Á, ĐHQG-HCM được xếp thứ hạng 142, tăng 5 bậc so với năm 2016. Với vị trí này, ĐHQG-HCM nằm trong top 1,2% trường ĐH hàng đầu châu Á (trong tổng số 11.900 trường ĐH toàn khu vực). Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, ĐHQG-HCM tăng 159 hạng trong bảng xếp hạng 400 trường ĐH hàng đầu châu Á; đứng số 1 tại Việt Nam ở hai tiêu chí quan trọng là danh tiếng học thuật và danh tiếng với nhà tuyển dụng. Đây là kết quả hết sức khích lệ về sự phát triển của ĐHQG-HCM đối với xã hội và khu vực.
Phân hiệu ĐHQG-HCM tại tỉnh Bến Tre được thành lập theo Quyết định số 2411/QĐ-BGDĐT ngày 18/7/2017 của Bộ giáo dục và đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. 

Công bố nhiều nghiên cứu khoa học giá trị cao
Tính đến tháng 9/2017, ĐHQG-HCM đã công bố 1.772 bài báo, báo cáo hội nghị trên tất cả các lĩnh vực. Riêng số bài báo công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước là 670 bài, trong đó có 372 bài được đăng trên các tạp chí quốc tế. Trong 238 bài báo thuộc danh sách ISI được công bố của thầy và trò ĐHQG-HCM thì số bài thuộc quý I chiếm tỷ lệ 38%, quý II chiếm tỷ lệ 41%. Khoảng 69% (164 bài) số bài báo này có tác giả chính hoặc tác giả thứ nhất thuộc ĐHQG-HCM và 102 bài (43%) có tất cả các tác giả là người của ĐHQG-HCM. Điều này cho thấy ĐHQG-HCM tiếp tục khẳng định năng lực nội tại của mình trong nghiên cứu khoa học.
Trong năm 2017, nhiều thầy, cô giáo, đồng thời cũng là những nhà khoa học của ĐHQG-HCM đã vinh dự nhận được những giải thưởng cao quý, trở thành những tấm gương sáng, điển hình cho tập thể thầy cô giáo, nhà khoa học của ĐHQG-HCM, tiêu biểu: GS.TS. Nguyễn Kim Phi Phụng, giảng viên Trường ĐH khoa học tự nhiên đoạt giải thưởng  Kovalevskaia 2016; GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam, giảng viên Trường ĐH bách khoa đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu của Bộ khoa học và công nghệ; 
GS.TS. Lê Thị Kim Phụng, giảng viên Trường ĐH bách khoa được tạp chí Asian Scientist bình chọn là nhà khoa học duy nhất của Việt Nam lọt vào top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á; 
TS. Nguyễn Thị Hiệp, giảng viên Trường ĐH quốc tế đoạt giải nhất Giải thưởng khoa học ASEAN - Mỹ năm 2017; 
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Điện, phó hiệu trưởng Trường ĐH kinh tế - luật là người Việt Nam đầu tiên được kết nạp thành viên chính thức Viện hàn lâm khoa học hải ngoại của Pháp; PGS.TS. Lê Quang Minh, giám đốc Trung tâm đào tạo quản lý tiên tiến là người Việt Nam đầu tiên trở thành ủy viên Hội đồng AUN-QA.

Hỗ trợ khởi nghiệp
Hiện nay, ĐHQG-HCM đang đẩy mạnh hợp tác và liên kết với các tổ chức công và tư liên quan nhằm mang đến cho doanh nghiệp khởi nghiệp các nguồn lực cần thiết để nâng cao cơ hội thành công, tập trung ươm tạo các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên sản phẩm công nghệ thông tin, có khả năng tăng trưởng nhanh với mô hình kinh doanh mới. Một số doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng đã được hình thành từ hoạt động này bao gồm: MimosaTek, GCALL... Hiện nay, có trên 30 nhóm, doanh nghiệp khởi nghiệp, với tổng giá trị hỗ trợ các nhóm, doanh nghiệp khởi nghiệp đặt văn phòng làm việc tại Khu công nghệ phần mềm là 1.440.686.784 đồng. Tổng số người đang làm việc tại các nhóm, doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay là 254 người. Điều quan trọng hơn là các nhóm, doanh nghiệp khởi nghiệp này là nơi thực tập của 193 sinh viên (phần lớn là sinh viên ĐHQG-HCM) trong năm 2017. 
Những kết quả của hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho thấy khả năng thu hút của ĐHQG-HCM đối với các nhóm khởi nghiệp là rất lớn và định hướng xây dựng Khu công nghệ phần mềm thành cụm khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông là một định hướng đúng đắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại học quốc gia TP.HCM: khoa học công nghệ nâng tầm hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO