Đại học đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Anh Thư| 10/10/2018 16:42

KHPTO - Sáng hôm nay (10/10), đồng chí Nguyễn Văn Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban kinh tế trung ương đã đến dự Lễ khai khóa năm 2018 của Đại học quốc gia TP.HCM.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình đã trao đổi, chia sẻ với các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý, nhà khoa học và các em sinh viên một số thông điệp về “Sứ mệnh và vai trò của đại học đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp cần

Đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động toàn diện đến giáo dục đại học. Trước hết, là đến việc đổi mới nội dung, chương trình, ngành học: CMCN4.0 sẽ giúp cơ sở giáo dục đào tạo, đặc biệt là các trường đại học thay đổi theo hướng tích cực, chuyển từ chỗ “dạy những gì mà giới học thuật sẵn có” sang “dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp sẽ cần”.

Một đặc điểm của cuộc CMCN 4.0 là nền tảng một số công nghệ lõi kết hợp với hạ tầng công nghệ có tính phổ cập và toàn cầu hóa cao, đã tạo thuận lợi cho các cơ hội khởi nghiệp. Khởi nghiệp có thể triển khai đối với mọi người, mọi nơi, mọi lĩnh vực và mọi quốc gia, với số vốn ban đầu đầu tư có thể không lớn và không cần nhiều tư liệu sản xuất và lực lượng lao động, nhưng lợi nhuận thu sẽ rất về cao. Đây là cơ hội rất lớn để đưa tinh thần khởi nghiệp vào trong hoạt động đào tạo, đến với các giảng viên và sinh viên. Tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo phải được thể hiện trong đặc điểm ngành nghề và cấu trúc của chương trình đào tạo, trong các chuẩn đầu ra với các kỹ năng và chuẩn năng lực đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

Về môi trường và phương thức học tập, ngoài hình thức học tập truyền thống theo tập trung, thì ngày nay, cùng với sự phát triển của CMCN 4.0, các hình thức học tập đa dạng cũng xuất hiện và đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo như đào tạo mở và đào tạo từ xa. Phương thức đào tạo sẽ thay đổi theo hướng lấy việc học (thay vì việc dạy) làm trọng tâm, cá nhân hóa quá trình học, đa dạng hóa phương thức học với việc tăng cường học trực tuyến, học qua trải nghiệm với môi trường và thiết bị ảo; học liên tục và học suốt đời.

Về tài liệu, học liệu, phương tiện, thiết bị dạy học: sẽ không còn dừng lại ở các nội dung “tĩnh” như trong các giáo trình, sách hay tài liệu tham khảo truyền thống mà còn có thể có các nội dung “động”, là các nội dung có thể tương tác với người học, được thể hiện và minh hoạ một cách sinh động, trực quan nhất nhằm giúp người học tiếp thu nhanh nhất các nội dung kiến thức.

Về vai trò của người dạy và yêu cầu đối với người học: người dạy phải chuyển từ vai trò truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống sang vai trò xúc tác và điều phối, hướng dẫn người học, phải quan tâm đến từng học sinh về đặc điểm tâm sinh lý, nhu cầu, năng lực sở trường, hoàn cảnh riêng. Nhà giáo phải giúp người học điều chỉnh định hướng về chất lượng và ý nghĩa của nguồn thông tin, phải là nhà giáo có đầu óc sáng tạo, biết phê phán, tư duy độc lập, năng lực hợp tác tích cực và hỗ trợ có hiệu quả giữa người học với những gì họ muốn biết, là người cung cấp cách hiểu mới cho người học.

khai_khoa_1

Để chuẩn bị cho sinh viên bước vào thế giới toàn cầu hóa và thay đổi nhanh chóng, sinh viên cần phải được trang bị về ngoại ngữ và kỹ năng CNTT như những công cụ không thể thiếu, cả trong học tập và khi bước vào thị trường lao động. Ngoài sách giáo khoa, giáo trình, sinh viên còn cần được dạy các chủ đề phức tạp dựa trên các vấn đề thực tế, phải được dạy cách sử dụng nhiều nguồn thông tin và dữ liệu, phải được khuyến khích đọc nhiều hơn, tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin hơn để thu nhận nhiều hơn các tri thức mới.

Việc học không chỉ hạn chế trong không gian lớp học, tài liệu dạy học truyền thống. Học trực tuyến phát triển sẽ tạo điều kiện cho cá nhân hoá quá trình học tập về nhu cầu học tập, điều kiện học tập. Ý thức tự giác, tự quản lý, kỹ năng CNTT sẽ đóng vai trò lớn quyết định thành công học tập của người học khi học với trường học, lớp học, giáo viên ảo. Bên cạnh đó, kỹ năng đánh giá, lựa chọn khoá học, học liệu, kỹ năng tự quản lý, độc lập... sẽ là những kỹ năng thiết yếu của người học trong môi trường dạy học ảo.

Mặt khác, chúng ta đang sống trong thời đại mà tri thức phát triển không ngừng, vượt qua các khoảng cách về không gian và thời gian. Nhiều điều được dạy trong nhà trường hôm nay có thể sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu trong tương lai gần. Không trường nào có thể dạy mọi thứ và không người học nào có thể học được mọi thứ chỉ trong khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy, xu hướng giáo dục hiện đại phải khuyến khích sinh viên phát triển thái độ học suốt đời, học liên tục ngay cả sau khi họ đã ra trường.

Sự phát triển của nền sản xuất thông minh dựa trên nền tảng Internet của CMCN 4.0 đang làm cho những kiến thức mà đào tạo đại học truyền thống thống của nước ta có thể vô ích trong tương lai, bởi chương trình đào tạo dù được cập nhật tốt đến mấy cũng khó theo kịp sự phát triển của thực tế. Do vậy, mục tiêu của đào tạo không phải là để tạo ra những người lao động làm một công việc cụ thể suốt đời, mà phải đạt tới trình độ có thể thích ứng để tồn tại khi nghề được đào tạo mất đi. Học trong CMCN 4.0 không chỉ để tìm việc làm mà còn có khả năng tạo ra việc làm mới cho mình cho mình và cho mọi người. Có thể nói sự sáng tạo, đổi mới chính là nền tảng của giáo dục trong thời đại 4.0.

Giáo dục đại học phải có sứ mệnh góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế

Đồng chí Nguyễn Văn Bình rằng cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra ngày càng mạnh mẽ, có trên 40 quốc gia phát triển và đang phát triển đã xây dựng các chiến lược, chính sách để chủ động ứng phó và tham gia có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp này, điển hình như “Thái Lan 4.0” của Thái Lan, “Industrie 4.0” của Đức, chương trình "Hợp tác sản xuất tiên tiến" của Mỹ, “Made in Sweden 2030” của Thụy Điển, “Made in China 2025” của Trung Quốc, “Đổi mới sản xuất 3.0” của Hàn Quốc, “Xã hội siêu thông minh 5.0” của Nhật Bản…

Qua nghiên cứu các chiến lược, chính sách cho thấy, một nội dung cốt lõi đều được đề cập là vấn đề đào tạo nhân lực 4.0, trong đó có việc định hình sứ mệnh và vai trò của các đại học trong phát triển kinh tế - xã hội. Các nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế từ lâu đã nhận thấy rằng, nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, và giáo dục chính là cách thức cơ bản để tích lũy vốn con người.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình khẳng định, đối với Việt Nam, yêu cầu này là hết sức cấp thiết trong bối cảnh nước ta đang thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Giáo dục đại học phải có sứ mệnh góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế Việt Nam sáng tạo, bao trùm và bền vững; thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ sự chuyển dịch nền kinh tế từ vị thế gia công, lắp ráp là chủ yếu sang đủ năng lực chế tạo sản phẩm; từ một nền kinh tế tăng trưởng dựa chủ yếu vào lao động giá rẻ, tài nguyên không tái tạo và gia tăng vốn đầu tư sang nền kinh tế dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo; từ nền sản xuất phụ thuộc vào bên ngoài sang củng cố nền kinh tế trong nước; từ trọng tâm sản xuất hàng hóa thông thường sang sản xuất các sản phẩm sáng tạo; từ quốc gia khởi nghiệp sang quốc gia sáng tạo.

Như vậy, mô hình đại học phải thực sự phát triển theo tinh thần khai sáng và lý tưởng tự do học thuật; đại học không chỉ là trung tâm đào tạo nhân tài, mà còn là một trung tâm khoa học và văn hóa, với tự do học thuật được xem là đặc điểm quan trọng nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại học đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO