Cứu sống bệnh nhân xuất huyết não bị hôn mê sâu

MINH UYÊN| 21/05/2019 11:05

KHPTO - Bệnh viên quốc tế City (CIH) vừa cứu sống bệnh nhân bị chuyển dạng xuất huyết não rất nặng sau khi điều trị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết tại bệnh viện tuyến trước.

Bệnh nhân Trần Thanh T, 63 tuổi ở Đồng Nai, nhập viện CIH ngày 28/4/2019, trong tình trạng hôn mê sâu, chỉ số Glasgow 5 - 6 điểm, ngưng thở hoàn toàn, phải thở máy khi di chuyển từ Đồng Nai lên TP.HCM.

Con gái bệnh nhân cho biết: lúc 1 giờ sáng cùng ngày, bệnh nhân tự phát hiện bị liệt nửa người bên phải nhưng hoàn toàn tỉnh táo, thân nhân đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay tại một bệnh viện tại địa phương. Tại đây bệnh nhân đã được chẩn đoán nhồi máu não cấp và được chỉ định truyền thuốc tiêu sợi huyết (rTPA).

Sau truyền thuốc, bệnh nhân hồi phục ngay vận động nửa người bên phải. Tuy nhiên khoảng 2 giờ sau đó, bệnh nhân đột ngột nhức đầu dữ dội, bứt rứt, huyết áp tăng vọt và rơi vào hôn mê. Sau khi chụp CT scan sọ não, các bác sĩ đã xác định bệnh nhân bị chuyển dạng xuất huyết nặng do biến chứng của thuốc tiêu sợi huyết.

Bệnh nhân đã được hồi sức cấp cứu, đặt nội khí quản thở máy, theo dõi tại khoa chăm sóc tích cực và chờ đợi hồi phục nhưng tình trạng bệnh không tiến triển và có dấu hiếu trở nặng nên thân nhân bệnh nhân đã chủ động liên hệ với chương trình City Plus của CIH và yêu cầu được chuyển viện bằng xe cứu thương với đội cấp cứu ngoại viện của CIH.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, ekip cấp cứu ngọai viện đã chuyển toàn bộ thông tin bệnh nhân đến Hội đồng y khoa City Plus và tiến hành ngay phiên hội chẩn liên chuyên khoa: nội - ngoại thần kinh, can thiệp mạch máu não, hồi sức tích cực khi bệnh nhân còn đang trên đường di chuyển đến bệnh viện. Xác định đây là một trường hợp bị biến chứng chuyển dạng xuất huyết nặng sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị nhồi máu não cấp, bệnh nhân có khả năng phải phẫu thuật khẩn cấp mở sọ lấy máu tụ, giải áp.

Vào lúc 15 giờ 30 phút cùng ngày bệnh nhân được đưa đến CIH trong tình trạng hôn mê sâu, chỉ số Glasgow 5 điểm, đồng tử giãn rộng 1 bên, phản xạ ánh sáng kém, suy hô hấp nặng phải thở máy kiểm soát, huyết động không ổn định.

Bệnh nhân được chụp phim CT não khẩn cấp. Kết qua, tầng trên lều cấu trúc đường giữa lệch qua trái 10 mm, máu tụ trong não lớn ở thái dương, chẩm, đính phải, nơi lớn nhất khoảng 46 x 84 x 45 mm, kèm phù não quanh thương tổn; thoát vị não dưới liềm; thoát vị thái dương phải; nghi có giảm đậm độ ở cầu não, theo dõi thiếu máu nuôi não.

Xét nghiệm tiền phẫu xác định lượng fibrinogen trong máu giảm nặng dưới 1 g/L do tác dụng của thuốc tiêu sợi huyết. Bệnh nhân đã được truyền kết tủa lạnh (Cryoprecipitate) để khôi phục chức năng đông máu trước khi tiến hành phẫu thuật. Phẫu thuật khẩn cấp mở sọ lấy máu tụ và mở nắp sọ vùng thái dương đính phải giải áp đã được thực hiện suôn sẻ chỉ sau hơn 1 giờ bệnh nhân vào đến bệnh viện nhờ vào khâu chuẩn bị tiền phẫu sẵn sàng.

Sau mổ, bệnh nhân được theo dõi sát tại khoa chăm sóc tích cực và duy trì thở máy với an thần để kiểm soát sát huyết áp và áp lực nội sọ trong 4 ngày hậu phẫu đầu tiên. Bệnh nhân thật sự đã trải qua hậu phẫu nhiều khó khăn vì viêm phổi liên quan thở máy cùng với tình trạng hôn mê kéo dài 10 ngày sau khi ngưng thuốc an thần.

Nhờ vào sự bền bỉ của các bác sĩ hồi sức trong việc điều trị nhiễm trùng, dinh dưỡng tích cực, giữ ổn định áp lực nội sọ, khí máu động mạch và huyết động học, điều kỳ diệu đã xảy ra: tri giác bệnh nhân cải thiện dần dần rổi tỉnh hẳn sau 14 ngày hôn mê sâu. Bệnh nhân đã được rút nội khí quản ngưng máy thở sau đó. Bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, yếu nhẹ nửa người bên phải, ăn uống tốt, đi lại được, theo dõi điều trị tiếp tại đơn vị đột quỵ và xuất viện ngày 18/5/2019.

Ths. Bs. Đào Thị Mỹ Vân - phó giám đốc y khoa CIH chia sẻ: Sự ra đời của thuốc tiêu sợi huyết rTPA (Recombinant Tissue Plasminogen Activator) như một vị cứu tinh đã làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não.

Tuy nhiên rTPA chỉ thực sự cứu mạng bệnh nhân khi được sử dụng đúng chỉ định. Biến chứng nặng nề nhất gây chết người sau sử dụng rTPA là chuyển dạng xuất huyết não. Vì vậy, rTPA chỉ được phép sử dụng bởi bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ phải tuân thủ nhiêm ngặt những điều kiện bắt buộc trước và sau khi dùng rTPA.

Bệnh nhân cần được theo dõi sát trong và sau khi truyền thuốc. Mọi phương tiện cấp cứu hồi sức, các dược chất và sản phẩm của máu để cầm máu, ekip phẫu thuật ngoại thần kinh, bác sĩ can thiệp mạch não phải luôn sẵn sàng trước khi quyết định sử dụng rTPA. Nếu cơ sở y tế không đủ các điều kiện xử lý khi có biến chứng xuất huyết nên thật cẩn trọng khi quyết định dùng thuốc.

"Nguy cơ đột quỵ não có thể xảy ra không trừ một ai. Tỉ lệ xảy ra đột quỵ não sẽ tăng theo tuổi tác và trên bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ đi kèm như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, bệnh lý tim mạch khác... Một số trường hợp may mắn bệnh nhân có biểu hiện của cơn thiếu máu não thoáng qua rồi tự hồi phục như bệnh nhân Thanh T. Chẳng hạn như tình cờ cảm thấy bị tê hay yếu một cánh tay, tê nửa người, méo miệng, nói khó, nuốt khó thoáng qua…Đừng xem thường nó, hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh và kể rõ về những triệu chứng này" BS. Mỹ Vân, khuyến cáo.

Việc thực hiện một số khảo sát hình ảnh như siêu âm doppler động mạch hướng não, siêu âm tim qua thực quản, chụp CT scan hệ thống động mạch não giúp phát hiện sớm những bệnh lý tiềm tàng có khả năng gây đột quỵ não.

Điều trị can thiệp mạch giúp giải quyết triệt để nguyên nhân và sử dụng thuốc theo đúng lời khuyên của bác sĩ sẽ giúp ngăn chận một cách hiệu quả đột quỵ xảy ra, giảm thiểu nguy cơ đe dọa tính mạng cũng như tàn phế. Phòng ngừa đột quỵ thật sự có ý nghĩa lớn lao, việc mà các nhà nghiên cứu về chiến lược và chính sách y tế nên nỗ lực triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cứu sống bệnh nhân xuất huyết não bị hôn mê sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO