COPD - Hướng dẫn mới trong phòng ngừa và điều trị

23/12/2006 00:23

COPD là bệnh lý hô hấp liên tục tiến triển, gây tổn thương chức năng phổi, biểu hiện bằng triệu chứng khó thở triền miên. Bệnh thường bắt đầu ở tuổi 40, thường là giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp. Nếu chẩn đoán sớm có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, ngăn ngừa mức độ tổn hại ở phổi.

Thế nhưng đáng tiếc là hầu hết bệnh nhân tới khám khi đã ở giai đoạn muộn. Ở TP.HCM, mỗi ngày khoa hô hấp, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận trung bình từ 80 - 90 bệnh nhân COPD, trong đó 1/4 ở giai đoạn nặng.

COPD - GÁNH NẶNG KINH TẾ

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một trong những nguyên nhân chính gây tàn phế và tử vong trên toàn thế giới. Trong khi các bệnh lý khác đang được kiểm soát tốt, có xu hướng giảm hoặc không đổi thì tần suất COPD đang tăng nhanh. COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4, ngang với HIV/AIDS, chỉ sau bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não và ung thư. Cứ đà này, tử vong do COPD sẽ tăng 30% trong vòng 10 năm tới. Dự đoán của Tổ chức y tế thế giới, tới năm 2020 COPD sẽ là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 3. Về gánh nặng toàn cầu, nếu năm 1990 COPD đứng hàng thứ 6 thì tới năm 2020 sẽ nhảy lên hàng thứ 3.

Theo thống kê, tần suất mắc COPD trung bình tại các nước châu Á - Thái Bình Dương là 6,3% và Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ mắc COPD cao nhất (6,7%).

Bệnh nhân COPD phải chịu gánh nặng bệnh tật dai dẳng, đưa đến tàn phế và tử vong do chính căn bệnh hay do biến chứng của nó. Theo chỉ số DALYS mà WHO đưa ra, tổn thất do COPD được đo lường bằng số lần khám bệnh, nhập cấp cứu và nằm viện, hoặc bằng số năm mất đi do chết sớm hoặc do sống với tình trạng tàn phế. Theo đó, năm 1990 gánh nặng xã hội của bệnh COPD chỉ đứng 12, nhưng tới 2020 dự báo sẽ lên hàng thứ 5.

Theo PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan, Đại học y dược TP.HCM, tốn kém nhất là điều trị trong các đợt kịch phát. Lúc này chi phí mỗi ngày từ 1 - 1,5 triệu đồng kéo dài 1 - 2 tuần thậm chí cả tháng. Chưa kể việc chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân nặng: oxy liệu pháp, chi phí điều dưỡng, phục hồi chức năng, thở máy. Ở các nước đang phát triển như nước ta, người nhà tự chăm sóc là chính và cứ một người bệnh kéo theo 3 - 4 người chăm sóc gây tốn kém rất nhiều.

NGUYÊN NHÂN VÀ TRIỆU CHỨNG

Trước đây COPD phần lớn rơi vào nam giới nhưng hiện nay tỉ lệ mắc bệnh ở cả hai giới ngang bằng nhau. Nguyên nhân chính là do hút thuốc lá (chủ động hay thụ động). Có đến 90% bệnh nhân COPD đã hoặc đang hút thuốc lá, còn 10% là do ô nhiễm môi trường, như trong trường hợp sử dụng chất đốt sinh khối như than, củi phân bò ở nơi không thông khí tốt. Yếu tố này có nguy cơ gây bệnh COPD cao hơn so với vi hạt SO2 từ khói xe ở các đô thị lớn. Ngoài ra người ta còn hít phải bụi và hóa chất nơi làm việc.

Theo TS.BS. Lê Tiến Dũng - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh thường xảy ra ở những người trên 40 tuổi. Các triệu chứng ban đầu thường là ho, khạc đàm vào buổi sáng, khiến bệnh nhân chủ quan, quy cho các triệu chứng thông thường của hút thuốc lá hay biểu hiện của tuổi già và chỉ chịu đi khám bệnh khi có triệu chứng khó thở - khi ấy đã là giai đoạn nặng, ở giai đoạn trước khi khó thở, nếu được làm hô hấp ký, có thể phát hiện COPD sớm trước nhiều năm.

NGĂN NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ

Đây chính là điểm mới được công bố tại Hội nghị hô hấp châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Nhật Bản vào ngày 20/11/2006 vừa qua dựa vào những tiến bộ kỹ thuật mới ngày nay. Chương trình khởi động toàn cầu về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (GOLD) do WHO thành lập đã chính thức công bố hướng dẫn điều trị bệnh COPD, phiên bản 2006, với nhiều thay đổi quan trọng.

PGS.TS.BS. Lê Thị Tuyết Lan cho biết, theo hướng dẫn này, việc ngăn ngừa và điều trị COPD dựa vào các biện pháp chính là cai thuốc lá, phát hiện bệnh sớm, điều trị bằng các thuốc giãn phế quản mới tác dụng kéo dài, ngăn chặn những cơn kịch phát, vận động thể lực, phục hồi chức năng bằng vật lý trị liệu kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp, thở oxy dài hạn trong giai đoạn cuối.

GOLD 2006 cũng cảnh báo, tốt nhất là ngăn ngừa không để bị COPD vì nếu đã xảy ra thì diễn tiến sẽ ngày càng xấu và hiện vẫn chưa có loại thuốc đặc trị ngăn chặn sự suy giảm chức năng hô hấp mà chỉ có thuốc giúp giảm khó chịu (như thuốc chống co thắt cơ đường hô hấp), làm giãn đường thở, giúp cải thiện thông khí phổi, làm bệnh nhân dễ thở hơn. Để can thiệp vào tình trạng viêm thì vẫn chưa có loại thuốc nào thực sự hiệu quả. Lúc này nếu cai thuốc lá cũng chỉ giúp giảm bớt mà không thể hết bệnh. Bên cạnh thuốc, người bệnh cần duy trì môi trường sống trong lành, đi bộ, tập thể dục, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, duy trì cuộc sống điều độ, lành mạnh.

COPD, ngoài tổn thương phổi, còn ảnh hưởng đến toàn thân như giảm cân, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, loãng xương, gãy xương, nhiễm trùng hô hấp, trầm cảm, rối loạn chức năng cơ xương, tiểu đường, ung thư phổi, suy tim mạn tính, rối loạn giấc ngủ, thiếu máu, tăng nhãn áp. Vì vậy việc điều trị bệnh nhân COPD đòi hỏi phải theo dõi sức khỏe toàn diện.

Giải pháp tích cực để ngăn ngừa căn bệnh này là cấm thuốc lá triệt để, nâng giá bán thuốc lá. Theo dõi của các chuyên gia cho thấy, từ khi một quốc gia ra quy định cấm thuốc lá đến khi tần suất COPD giảm phải mất 60 năm. Đây cũng là lý do tại sao Mỹ giảm hút thuốc từ năm 1960 nhưng tới nay tần suất vẫn gia tăng. Ở Việt Nam phát động này vẫn chưa được làm mạnh, vì thế trong vài thập niên tới COPD sẽ là một gánh nặng cho nền kinh tế. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
COPD - Hướng dẫn mới trong phòng ngừa và điều trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO